Khu vực Cần Giờ được VIMC và hãng tàu MSC lựa chọn nghiên cứu siêu cảng trung chuyển container quốc tế - Ảnh: TUẤN PHÙNG chụp lại Google Maps
Trao đổi với Tuổi Trẻ Online sáng 25-3, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh - tổng giám đốc Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (CTCP - VIMC) - cho biết thời gian qua VIMC đã hợp tác với Công ty Mediterranean Shipping Company (MSC) - hãng tàu container hàng đầu thế giới - nghiên cứu phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại Cần Giờ (TP.HCM).
Tháng 11-2021, trong khuôn khổ chương trình kết nối doanh nghiệp tại Cộng hòa Pháp, dưới sự chứng kiến của Thủ tướng Phạm Minh Chính, VIMC và công ty con của mình là Cảng Sài Gòn đã trao thỏa thuận khung hợp tác với hãng tàu MSC trong lĩnh vực phát triển cơ sở hạ tầng cảng biển và dịch vụ logistics.
Tổ hợp các nhà đầu tư đã báo cáo và đề xuất với Thủ tướng về việc phát triển cảng trung chuyển quốc tế tại khu vực Cần Giờ.
Hiện VIMC và MSC đã và đang đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, đề xuất phát triển cảng trung chuyển container quốc tế tại khu vực Cần Giờ. Cảng này có khả năng tiếp nhận tàu mẹ trọng tải lên đến 250.000 DWT, tổng chiều dài cầu bến chính khoảng 6,8km, nhu cầu sử dụng đất khoảng 570ha. Công suất thiết kế 15 triệu Teus (đơn vị đo sức chứa hàng hóa).
Ước tính tổng mức đầu tư của cảng này hơn 870 triệu USD.
Trên cơ sở đó, VIMC đề nghị Thủ tướng, UBND TP.HCM, Bộ Giao thông vận tải, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp và các bộ, ngành xem xét, ủng hộ chủ trương Cảng Sài Gòn hợp tác với MSC thực hiện dự án đầu tư, khai thác cảng trung chuyển container quốc tế tại Cần Giờ, TPHCM.
Để tận dụng cơ hội hợp tác, thu hút nhà đầu tư nước ngoài có tiềm lực hàng đầu thế giới, VIMC đề xuất cho phép áp dụng hình thức chỉ định thầu để lựa chọn nhà đầu tư hoặc áp dụng hình thức lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt theo quy định của Luật đấu thầu.
Giao UBND TP.HCM lập hồ sơ đề xuất áp dụng phương án lựa chọn nhà đầu tư trong trường hợp đặc biệt trình Thủ tướng, đồng thời gửi Bộ Kế hoạch - đầu tư thẩm định theo quy định của Luật đấu thầu về lựa chọn nhà đầu tư.
Theo quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt vào tháng 9-2021, khu vực huyện Cần Giờ là các bến cảng tiềm năng thuộc nhóm cảng biển số 4.
Các bến cảng tiềm năng tại huyện Cần Giờ có chức năng phục vụ phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM, vùng phụ cận; có bến tổng hợp, container, hàng rời, bến khách quốc tế được phát triển đồng bộ với hạ tầng giao thông kết nối cảng. Các bến cảng tiềm năng đón cỡ tàu trọng tải đến 150.000 tấn hoặc lớn hơn khi đủ điều kiện, tàu khách 225.000 GT.
Để có cơ sở triển khai đầu tư dự án cảng trung chuyển container quốc tế tại khu vực Cần Giờ, VIMC cũng đề nghị Thủ tướng, các bộ ngành liên quan cập nhật, bổ sung dự án vào các quy hoạch để đảm bảo dự án triển khai phù hợp với các quy hoạch có liên quan.
Theo thống kê của Cục Hàng hải, năm 2021 sản lượng hàng container thông qua hệ thống cảng biển của Việt Nam vào khoảng 23,9 triệu Teus. Sản lượng này tập trung chủ yếu tại cảng biển TP.HCM, Vũng Tàu và Hải Phòng, trong đó chủ yếu là hàng hóa xuất nhập khẩu và nội địa. Tỉ trọng hàng trung chuyển quốc tế còn khá thấp.
VIMC nhìn nhận tỉ trọng hàng trung chuyển quốc tế qua cảng biển còn thấp là tiềm năng, dư địa quan trọng để nghiên cứu phát triển dịch vụ này tại Việt Nam.
Khu vực Cần Giờ được VIMC và MSC đánh giá có vị trí tại đầu tuyến luồng hàng hải Cái Mép - Thị Vải, có độ sâu lớn, ít chịu ảnh hưởng của điều kiện sóng, gió, nằm trong khu vực có hoạt động hàng hải sôi động, gần tuyến hàng hải quốc tế.
Đây là điều kiện cần quan trọng để hình thành hệ thống cảng và phát triển dịch vụ trung chuyển container quốc tế.
TTO - Sáng 22-3, TP.HCM tổ chức hội nghị tham vấn các nhà đầu tư góp ý, hiến kế các giải pháp thực hiện định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP đến năm 2030.
Xem thêm: mth.93580120152302202-oig-nac-iat-reniatnoc-neyuhc-gnurt-gnac-ueis-uuc-neihgn-taux-ed/nv.ertiout