Otto Koehler là dân nhập cư đến từ Berlin. Ban đầu ông tiếp quản vị trí chủ tịch của nhà máy bia Pearl Brewing Co. ở thành phố San Antonio, bang Texas, năm 1902. Sau một thời gian nhờ kinh nghiệm và sự quyết tâm, Otto đã biến Pearl trở thành một trong những xưởng sản xuất bia lớn nhất xứ sở cờ hoa thời bấy giờ. Ông cũng dần trở thành một trong những người đàn ông giàu có nhất ở vùng Tây Nam nước Mỹ thời đó.
Trong khi Otto ngày càng vươn lên những vị thế hàng đầu về tài chính, ông ta cũng nổi danh nhờ kết hôn với một ngôi sao người gốc Đức tên Emma Bentzen. Người vợ này cũng tận tâm cho cuộc hôn nhân, giúp đỡ Otto trong việc kinh doanh tại nhà máy bia. Tuy nhiên, biến cố xảy ra vào năm 1910, khi Emma gặp tai nạn kinh hoàng khiến cô phải nằm liệt giường và hoàn toàn phải nhờ đến người chăm sóc cho những sinh hoạt hàng ngày.
Otto Koehler và vợ Emma Koehler (bìa trái). Ảnh: Hal Swiggett.
Để có người chăm sóc tận tình cho vợ còn mình lo việc kinh doanh, Otto đã thuê một nữ y tá người Đức tên Emma Dumpke (tên khác là Emmi). Trước hoàn cảnh người vợ như vậy, ông trùm bia khi đó ở ngưỡng 50 tuổi đã không kìm được mà sa vào lưới tình với cô ý tá trẻ đẹp, thậm chí còn công khai cho mọi người đều biết để được yêu thỏa thích.
Ngôi nhà của trùm bia Mỹ tại San Antonio, Texas.
Trớ trêu thay khi ngay vừa khi được ông Otto gán cho cái mác nhân tình, Emmi liền nhanh tay mời ngay người bạn y tá của mình tên Emma Burgemeister (tên khác là Hedda) đến sống cùng. Một triệu phú đa tình như ông Otto lại một lần nữa không bỏ được thói trăng hoa mà “cặp kè” cả hai nhân tình cùng một lúc. Ông quyết định mua ngay cho Emmi và Hedda một ngôi nhà nhỏ trong thị trấn.
Sau một thời gian qua lại với hai người, Otto dần bắt đầu sinh nghi với Emmi. Otto quyết định mua nhà dưới danh nghĩa Hedda, để nhỡ trong trường hợp Emmi muốn chia tay thì ông ta cũng sẽ không mất ngôi nhà. Hàng tháng, Otto trợ cấp cho Emmi 125 USD và Hedda nhận được 50 USD.
Chuyện gì đến cũng sẽ đến khi vào năm 1913, Emmi thực sự đã bỏ trốn đến thành phố St. Louis, bang Missouri để kết hôn cùng một người đàn ông tên Doschle. Sụp đổ vì sự phản bội này, Otto đổ dồn hết tình cảm cho Hedda. “Triệu phú bia” liền tăng trợ cấp hàng tháng cho cô lên 125 USD, đưa cô đi nghỉ ở quê hương Đức. Sau đó, không chỉ ngó lơ người vợ đang nằm liệt giường, người “triệu phú cuồng si” còn cầu hôn Hedda nhưng bị cô nàng từ chối vì vẫn còn nghĩ đến người vợ của ông.
Tức tối trước lời từ chối này, ông Otto lén lút ngoài luồng với những phụ nữ khác. Lo sợ Otto có thể bỏ mình và tước đi nguồn chu cấp hàng tháng, Hedda chủ động hẹn gặp Otto để bàn luận cho ra vấn đề. Hedda được Otto yêu cầu đến gặp tại khu đèn đỏ ở San Antonio và phải giao nộp những thứ như thư từ, tín dụng để tránh trường hợp bị cô tống tiền. Nhưng cuộc trò chuyện không mang lại kết quả có lợi gì cho Hedda.
Biết Otto là người có tiền bạc và quyền lực đến mức nào, Hedda liền cầu cứu người mà Otto luôn thầm nhớ là Emmi để giải cứu mình.
Hedda bảo Emmi đến nhà máy bia Pearl Brewery gặp Otto. Gần 17h ngày 12/11/1914, triệu phú 59 tuổi lên xe ngựa đến ngôi nhà nhỏ ở số 532 phố Hunstock. Khi ông ta đến, Emmi ở trong phòng khách, Hedda nằm nghỉ trên giường trong phòng ngủ.
Lúc 17h05 bất ngờ có tiếng súng phát ra. Hàng xóm nghe thấy Emmi bắt đầu la hét cầu cứu ở sân trước, cảnh sát ngay lập tức có mặt. Người ta phát hiện thấy Otto đã chết với ba phát đạn bắn vào cổ, mặt và tim từ khẩu súng tự động nằm trên sàn. Cảnh sát còn tìm thấy một khẩu súng lục ổ quay trên tủ đầu giường, một hộp đựng dao bị mở ra trên sàn nhà. Nhân tình Hedda thì lại có vết cắt sâu ở cổ tay và nhiều vết bầm tím trên cổ. Hedda chạy trốn đến New York trong 3 năm nhưng rồi đã quay về San Antonio để đầu thú vào năm 1917.
Trong phiên tòa, Hedda đã thừa nhận mình bắn chết Otto để tự về và bảo vệ danh dự của bạn mình, nhưng lại phủ nhận rằng mình không hề rút tiền mặt trị giá 10.000 USD của ông trùm Otto. Sau khi bắn Otto, Hedda tự bắn vào đầu mình, nhưng trượt, sau đó cắt cổ tay. Phiên tòa chỉ kéo dài một tuần và kết thúc vào 22/1/1918. Sau khi cân nhắc, bồi thẩm đoàn toàn nam giới nhận thấy Hedda không phạm tội giết người.
Tréo ngoe thay, một năm sau, Hedda kết hôn với J.W. Turley, một trong những bồi thẩm viên trong phiên tòa, ở New Orleans. Và cặp đôi chuyển vào sống trong ngôi nhà nhỏ Otto đã mua cho hai người tình.
Nhưng dù nhân vật chính đã chết, câu chuyện tình ái li kì này chưa chấm dứt khi sau những năm tháng nằm trên giường bệnh, người vợ chính thất Emma đã đứng dậy một cách thần kỳ và giành lại quyền kiểm soát việc kinh doanh. Vào thời điểm Hedda hầu tòa, bà đã biến Pearl Brewing trở thành nhà máy bia lớn nhất ở Texas.
Trong hơn 25 năm, Emma Koehler là một trong những nữ doanh nhân quyền lực nhất Texas. Bà Koehler cầm chai bia đầu tiên do nhà máy bia Pearl sản xuất sau khi Lệnh cấm được bãi bỏ vào năm 1933. Bên cạnh bà là Tổng giám đốc B.B. McGimsey.
Bà thành công lèo lái công ty đi đến đỉnh cao thậm chí trong suốt những năm bị cấm sản xuất đồ uống có cồn, phải chuyển sang nước giải khát và thực phẩm.
Khách sạn Emma từng là một nhà máy bia ở thế kỷ 19, được đặt theo tên của Emma Koehler, người tiếp quản Pearl Brewing vào 1914 sau khi chồng bị sát hại. Ảnh: Expressnews
Để tôn vinh bà, nhà máy bia cũ được chuyển thành khách sạn Emma, ở đó khách hàng có thể gọi đồ uống có tên "The Three Emmas", kèm lời cảnh báo "một thì tuyệt, còn ba sẽ giết bạn" từ các nhân viên.
Nguồn: Lifebuzz, ExpressNews
https://cafebiz.vn/ong-trum-nganh-bia-my-than-bai-danh-liet-boi-van-vu-trong-tinh-tay-tu-bi-nhan-tinh-ban-chet-chinh-that-gianh-quyen-kinh-doanh-20220325112128026.chn