Thực tế cho thấy nhiều bạn trẻ Việt hiện ưa chuộng lối sống tiêu xài hoang phí khi sẵn sàng tiêu hết lương tháng cho mua sắm, du lịch, ăn uống, trải nghiệm từ trung đến cao cấp...
Tuy nhiên, họ bỏ ngỏ việc dự phòng tài chính với tài khoản tiết kiệm gần như không có, chi phí đầu tư là 0 đồng, trong khi con số nợ tín dụng ở mức từ vài triệu đến chục triệu mỗi tháng.
YOLO là viết tắt của cụm từ tiếng Anh "You Only Live Once", có nghĩa là "Bạn chỉ sống một lần". Cụm từ này thể hiện tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám sáng tạo của thế hệ trẻ, khuyến khích các bạn trẻ hãy sống hết mình, hãy làm những gì mình thích bởi chúng ta chỉ sống một lần và không ai muốn bị bỏ lại phía sau bởi những tiếc nuối, những "giá như...", "nếu mà...".
Dù YOLO xuất phát từ những quan điểm tích cực về cuộc sống nhưng nếu vận dụng không đúng sẽ dẫn đến những hậu quả xấu. Đặc biệt trong vấn đề chi tiêu cá nhân.
Kiếm 1 mà tiêu... 3
Câu chuyện tiêu nhiều hơn kiếm xảy ra với Nguyễn Thị Phương Thảo (24 tuổi, Bắc Ninh) sau hơn một năm tốt nghiệp ngành ngôn ngữ Hàn Quốc. Hiện Thảo đang làm cho một công ty mỹ phẩm của Hàn Quốc có chi nhánh tại Hà Nội với mức lương khoảng từ 11-13 triệu đồng/tháng. Số tiền này hiện chưa đủ trang trải cuộc sống của cô gái 24 tuổi, độc thân.
Thảo bắt đầu đi làm thêm khi còn là sinh viên, mỗi tháng kiếm được từ 3-5 triệu đồng. Tuy nhiên, số tiền kiếm được này không phải là vấn đề bởi các chi phí cố định như tiền nhà, tiền học... đã được bố mẹ trang trải. Thảo chỉ tự kiếm tiền để ăn uống và tiêu pha cho những nhu cầu cá nhân (mỹ phẩm, giải trí, quần áo...) nên thấy mức kiếm dù thấp, song vẫn đủ.
Hơn 3 tháng sau khi tốt nghiệp Đại học, Thảo tìm được công việc hiện tại và ổn định hơn một năm nay. Thảo cho biết với mức kiếm tiền trung bình trên, Thảo luôn tiêu vượt số đó. Nguyên nhân do cô coi tốt nghiệp là dấu mốc để tự lập, thay vì nhận hỗ trợ từ bố mẹ, Thảo tự trang trải mọi chi phí cuộc sống.
Do sống một mình nên tiền phòng mỗi tháng là hơn 5 triệu đồng, ngoài ra, Thảo dành 2-3 triệu/tháng để cho mỹ phẩm, quần áo... Ngoài ra, Thảo phải dành 3 triệu đồng cho chi phí ăn uống, gần 1 triệu đồng cho xăng xe, chi phí điện thoại, đăng ký mạng... Đó là chưa kể thỉnh thoảng khi đi ăn với bạn bè, chi phí ăn uống sẽ tăng lên.
Đặc biệt, cô vẫn phải trả góp chiếc điện thoại dòng mới nhất trên thị trường khi quyết định mua 4 tháng trước. "Ngoài ra, còn nhiều chi phí không tên phát sinh trong cuộc sống, nhất là khi bị ốm, hỏng xe, đi ăn cưới hỏi...", Thảo cho hay.
"Vài tháng đầu khi tốt nghiệp và tự trang trải cuộc sống, mức lương chưa được ổn định như hiện tại mà chỉ là lương thử việc, tôi thậm chí phải vay tiền thêm mới trang trải đủ", Thảo nói. Sau hơn một năm tốt nghiệp, tài khoản của cô vẫn chỉ có vài triệu đồng, và cứ khi lương về là phải thanh toán đủ loại chi phí.
Bài toán nan giải: Chi tiêu vượt xa thu nhập
Hình thức tiêu xài vượt thu nhập của Thảo cũng là câu chuyện của nhiều bạn trẻ khác hiện nay khi chưa giải được bài toán có tên: quản lý chi tiêu. Thực tế, không chỉ Thảo mà nhiều người trẻ khác sau nhiều năm đi làm, tài sản tích lũy chỉ là kệ giày dép, tủ quần áo... Nhiều người chỉ có một nguồn thu nhập, thậm chí tiêu nhiều hơn nguồn thu nhập đó chứ chưa nói tới chuyện đầu tư. Lối sống "biến tướng" xấu của YOLO khiến những người trẻ sống thực dụng, cái gì cũng muốn "luôn và ngay". Họ tiêu pha quá mức vào nhiều vấn đề chưa cần thiết, gây lãng phí tiền bạc.
Kết quả khảo sát "Am hiểu tài chính" do Master Card thực hiện tại 16 nước và vùng lãnh thổ thuộc khu vực châu Á - Thái Bình Dương chỉ ra, người trẻ Việt hoạch định khá tốt (73 điểm), nhưng hạn chế về kỹ năng quản lý tiền cơ bản (52 điểm) và yếu nhất về kỹ năng đầu tư tài chính (51 điểm). Trong số các nước được khảo sát, Việt Nam xếp hạng 14. Những hạn chế này là nguyên nhân khiến nhiều bạn trẻ tiền chưa kịp "đầy túi" đã "vơi cạn".
Để có đủ tiền để chi trả cho nhu cầu cuộc sống hàng ngày như sinh hoạt cơ bản, tậu xe, sắm nhà, mua bảo hiểm sức khỏe phòng rủi ro ốm đau… và tích lũy để tiến tới tự do tài chính, người trẻ cần lập kế hoạch chi tiêu và đa dạng nguồn thu nhập, tìm kênh đầu tư phù hợp.
Nhiều bạn trẻ không có thói quen tiết kiệm và quan niệm tiêu xài trước nhưng đến khi cần một số tiền gấp để trang trải cho vấn đề nào đó thì không có tiền. Chúng ta đang sống trong một nền kinh tế tiêu thụ, kích thích thay đổi, mua sắm liên tục để thỏa mãn nhu cầu và không thua thiệt bạn bè. Nếu không đủ tỉnh táo, người trẻ dễ rơi vào bẫy thu nhập.
"Các bạn trẻ chưa tách bạch giữa các dòng tiền"
Ông Nguyễn Minh Tuấn - CEO AFA Capital, một doanh nghiệp chuyên cung cấp dịch vụ về tài chính doanh nghiệp, quản lý tài chính cá nhân, cho biết, để quản lý tài chính cá nhân hiệu quả, trước hết cần lập kế hoạch quản trị dòng tiền. "Mục tiêu của quản trị dòng tiền không nhằm ở việc tiết kiệm, mà nhằm xác định dòng tiền ròng để đi đầu tư" - ông Tuấn nói.
Dòng tiền được hiểu là sự chuyển động, lưu chuyển vào và ra hay thu và chi của các khoản tiền của một cá nhân. Đây là mạch máu luân chuyển giữa các tài sản.
CEO AFA Capital chia dòng tiền cá nhân thành 3 phân nhánh: dòng tiền thường xuyên, dòng tiền kinh doanh và dòng tiền đầu tư. Theo đó, dòng tiền thường xuyên gồm những khoản thu hàng tháng, hàng năm (lương, thưởng và phụ cấp) và khoản chi cho sinh hoạt (tiền thuê nhà, ăn uống, học phí, bảo hiểm).
Dòng tiền kinh doanh, mang tính chất ngắn hạn dưới một năm, gồm lợi nhuận đến từ hoạt động kinh doanh (lãi góp vốn, thu hồi vốn góp) và các chi phí cho công việc kinh doanh (lương nhân viên, thuê mặt bằng, chi phí điện nước).
Dòng tiền đầu tư có mức đầu tư tối thiểu 3 năm, gồm lợi nhuận từ hoạt động đầu tư hoặc lợi nhuận do bán tài sản đầu tư (lợi tức từ trái phiếu, thanh lý bất động sản...) và chi phí cho đầu tư hoặc các khoản lỗ ghi nhận do bán tài sản đầu tư.
Ông Tuấn nhận định, đa phần sai lầm của các bạn trẻ là chưa tách bạch giữa các dòng tiền, dẫn đến các quyết định tài chính sai lầm. Ông Tuấn cho rằng việc tách ra 3 dòng tiền sẽ giúp kiểm soát từng dòng tiền và trả lời 2 câu hỏi: Từng dòng tiền có âm hay không? Dòng tiền tổng thể có âm hay không?
"Dòng tiền sẽ thể hiện sức khỏe tài chính cá nhân thông qua phản ánh khả năng thanh toán. Sức khỏe tài chính khỏe khi tất cả dòng tiền dương ổn định và yếu khi tất cả dòng tiền đều âm hoặc dòng tiền âm/dương không ổn định" - ông Tuấn chỉ ra.
Hiện có nhiều cách để tự quản lý được dòng tiền, đặc biệt là thông qua các ứng dụng. Ông Tuấn nêu ví dụ, hiện nhiều bạn trẻ đang phân bổ dòng tiền vào chứng khoán. Chằng hạn, với thị trường này, có thể sử dụng ứng dụng TOPI. Tại đây có chỉ số tâm lý thị trường (lấy dữ liệu theo thời gian thực (real time) bằng công nghệ, sau đó áp dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) và Dữ liệu lớn (Big Data) với những thuật toán máy học (macchine learning) để tính điểm).
Chỉ số này dự báo biến động của Vn-Index và VN30 trong các phiên giao dịch, chịu tác động bởi tâm lý của nhà đầu tư được phản ánh vào giá và lượng, đồng thời được phản ánh trên truyền thông. Nhà đầu tư trên TTCK Việt Nam có thể theo dõi để thấy được xu hướng thay đổi của tâm lý trên thị trường, coi đó là một yếu tố đầu vào trong dự báo hành vi mua hoặc bán của đám đông trên TTCK, để có thể thiết lập cho bản thân chiến lược đầu tư dài hạn và ứng xử trong ngắn hạn một cách phù hợp, nhằm tối đa lợi tức đầu tư.