Bé H. tím tái, li bì, trên da có nhiều mảng bầm tím, vết kim chích trên vùng ngực, bụng, cổ, lưng khi nhập viện điều trị - Ảnh: HOÀNG YẾN
Ngày 26-3, bác sĩ Trương Lệ Thi - trưởng khoa hồi sức cấp cứu sơ sinh, Bệnh viện Sản nhi Nghệ An - cho biết, bệnh viện này vừa tiếp nhận cấp cứu một bệnh nhi 16 ngày tuổi nhập viện nguy kịch do gia đình sưởi than củi và lể đẹn cho trẻ.
Người nhà bé T.M.H. (quê Hà Tĩnh) cho hay, sau khi sinh bé hoàn toàn khỏe mạnh, được xuất viện về nhà. Tuy nhiên, do trời lạnh nên gia đình đã cho cả mẹ và bé sưởi than theo cách thức chăm sóc dân gian. Sau 3 ngày, trẻ có dấu hiệu ho, khò khè, khó thở, bú ít và quấy khóc liên tục.
Cho rằng trẻ bị mắc đẹn (nấm lưỡi, tưa lưỡi, tưa miệng) nên gia đình đã mời thầy lang đến lể đẹn cho bé.
Tuy nhiên, tình trạng quấy khóc ở trẻ vẫn không thuyên giảm, trẻ quấy khóc nhiều hơn, có dấu hiệu tím tái, mệt lả, bỏ bú nên gia đình đã đưa bé đến bệnh viện.
Thời điểm nhập viện, bé H. có tình trạng tím tái, li bì, trên da có nhiều mảng bầm tím, vết kim chích trên vùng ngực, bụng, cổ, lưng.
Sau khi được điều trị bằng kháng sinh, đặt ống nội khí quản và thở máy, sức khỏe của bé đã tiến triển.
Bác sĩ Thi khuyến cáo khi trời lạnh, không nên để trẻ sưởi than do da trẻ sơ sinh rất mỏng, dễ bị tổn thương. Khí CO sinh ra khi đốt than có thể gây ngạt nếu nằm trong phòng kín, gây tổn thương cho hệ hô hấp non yếu ở trẻ.
"Một số gia đình lo lắng khi thấy con mình khóc nhiều và nghi do đẹn ở lưỡi hay vặn mình ngủ không ngon giấc vì lông đẹn. Việc tự ý lể đẹn làm trẻ đau hoặc gây nhiễm trùng ngoài da, nặng hơn có thể gây nhiễm khuẩn máu rất nguy hiểm", bác sĩ Thi nói.
TTO - 'Cứ uống vào da đẹp lắm, nhưng khi không uống bệnh lại bùng lên. Sau này tôi mới biết chính do tôi uống, chích những loại thuốc này mà tôi bị cứng luôn các khớp, mất khả năng lao động'.
Xem thêm: mth.96874343162302202-ned-el-gnal-yaht-iom-hnid-aig-iv-hcik-yugn-hnis-os-eb/nv.ertiout