Mang nhiều giá trị
Ngày 26/3, Hội thảo Quảng Nam phát triển du lịch xanh – Gìn giữ giá trị bản địa đã được tổ chức tại Tp.Hội An, tỉnh Quảng Nam.
Tiến sĩ Nguyễn Anh Tuấn, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch cho rằng, phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh là phương thức phát triển dựa trên cơ sở tôn trọng, bảo tồn, phát huy hiệu quả các giá trị tài nguyên; thực hiện các hoạt động quản lý, kinh doanh và tiêu dùng du lịch xanh; tiêu thụ ít năng lượng, phát triển và sử dụng năng lượng tái tạo.
Trên thế giới, điển hình về phát triển du lịch xanh là quốc đảo Maldives.
Quảng Nam là điểm nóng thu hút khách du lịch nhưng địa phương này không bị phá vỡ cảnh quan, môi trường sinh thái và không bị vượt quá sức chứa du lịch.
Việt Nam hiện nay đang ở giai đoạn đầu theo hướng phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh và có nhiều dấu hiệu tích cực. Cả cấp bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp và cộng đồng đã có nhận thức và hành động cụ thể để thúc đẩy du lịch phát triển theo hướng xanh hoá, giảm thiểu tác động tiêu cực đến tài nguyên và môi trường.
Tuy nhiên, quá trình phát triển du lịch thời gian qua đã xuất hiện nhiều vấn đề bất cập. Trong đó, việc khai thác, sử dụng tài nguyên du lịch ở một số địa phương còn diễn ra tự phát, thiếu hợp lý, gây ảnh hưởng tiêu cực đến tài nguyên và môi trường, thậm chí, nhiều nơi tài nguyên bị xâm hại nghiêm trọng.
Sự gia tăng nhanh chóng lượng khách du lịch vượt quá sức chứa của điểm đến, gây ra tình trạng vỡ trận ở nhiều khu du lịch trọng điểm.
Các cơ sở kinh doanh du lịch vẫn lệ thuộc và chủ yếu sử dụng năng lượng, nhiên liệu hóa thạch, chưa có biện pháp tích cực để sử dụng các nguồn năng lượng thay thế, nhiên liệu sạch, vật liệu mới…
Vì thế, trong hiện tại và tương lai, ngành du lịch cần tiếp tục lựa chọn và thúc đẩy phát triển du lịch theo hướng tăng trưởng xanh để hướng tới thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Cần bộ kiềng 3 chân giữa nhà nước, doanh nghiệp và cộng đồng
Trong khi đó, ông Lê Ngọc Tường, Phó Giám đốc Sở Văn hoá, Thể thao và Du lịch tỉnh Quảng Nam cho biết, tỉnh Quảng Nam xác định phát triển du lịch xanh là nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược du lịch tỉnh Quảng Nam. Đây là kim chỉ nam cho sự phục hồi, phát triển ngành du lịch sau thời gian dài bị ảnh hưởng bởi Covid-19.
Sở dĩ, Quảng Nam chọn du lịch xanh vì đây là xu hướng thế giới, làm mới sản phẩm du lịch; bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa; bảo vệ tài nguyên tự nhiên; thích ứng biến đổi khí hậu; trách nhiệm; sử dụng năng lượng hiệu quả.
Về sản phẩm du lịch xanh được xây dựng dựa vào thiên nhiên, kết hợp hài hòa với thiên nhiên, kết hợp phục hồi phát triển du lịch làng nghề, tỉnh sẽ có cơ chế hỗ trợ, khuyến khích sử dụng nguồn nguyên vật liệu hiện có tại địa phương, phát triển du lịch xanh gắn với cộng đồng, gìn giữ bản sắc văn hóa bản địa, tài nguyên thiên nhiên, hỗ trợ thúc đẩy các doanh nghiệp địa phương, sử dụng nguồn lao động địa phương.
Tăng cường liên kết phát triển du lịch xanh với các địa phương khác để lan tỏa giá trị của sản phẩm và nâng cao nhận thức của cộng đồng du khách khi hưởng thụ sản phẩm du lịch xanh.
Trước mắt sẽ liên kết với Tp.Đà Nẵng, tỉnh Thừa Thiên Huế xây dựng chuỗi sản phẩm du lịch xanh liên hoàn từ khâu cung ứng nguyên liệu đến khâu thành phẩm cung cấp đến du khách.
Tỉnh Quảng Nam tập trung tuyên truyền, nâng cao nhận thức về du lịch xanh đối với các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và dân cư bằng nhiều hình thức thức thông qua việc tổ chức các lớp tập huấn, thông qua các kênh tuyên truyền báo, đài, mạng xã hội…
Đồng thời, đầu tư phát triển mô hình mẫu về du lịch đến năm 2025 xây dựng từ 10 đến 20 mô hình mẫu du lịch xanh và chọn Tp.Hội An để triển khai thí điểm.
Khuyến khích xây dựng hệ sinh thái sản phẩm du lịch xanh tuần hoàn khép kín tại các điểm du lịch cộng đồng, tại các doanh nghiệp trên cơ sở đồng hành gắn kết của bộ kiềng ba chân là nhà quản lý (nhà nước), doanh nghiệp và cộng đồng.
Tiếp theo là tập trung công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ lao động có kỹ năng, nghiệp vụ, kỹ thuật làm du lịch xanh, du lịch có trách nhiệm và du lịch bền vững.
Bên cạnh đó, ông Phan Xuân Thanh, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Nam nhận định, việc thực hiện du lịch xanh không dễ vì mỗi doanh nghiệp du lịch cần sự kiên định trong thay đổi giải pháp quản trị, đầu tư chiều sâu, dài hạn và thiện chí đồng hành. Những tác động ngoại lực về cơ chế chính sách cũng rất quan trọng.
Khủng hoảng vì dịch bệnh Covid-19 là hồi chuông cảnh tỉnh cho chặng đường phát triển du lịch vừa qua. Để tạo hướng đi bền vững, ngành du lịch Quảng Nam đã chuyển biến nhận thức trong phát triển du lịch xanh, hướng đến xây dựng thương hiệu điểm đến xanh vào năm 2025. Định hướng, quyết sách này đang được lan tỏa trong cộng đồng, những nhà làm du lịch và cả hoạt động dịch vụ phụ trợ.
“Cho dù trải qua khủng hoảng vì đại dịch, kiên định mục tiêu và đồng hành vì du lịch xanh của tỉnhQuảng Nam bằng chính nội lực và niềm tin của mình, nhưng doanh nghiệp du lịch Quảng Nam cũng rất cần sự đồng hành về cơ chế chính sách, cần sự thừa nhận, trân trọng đối với nỗ lực của họ”, ông Thanh nhấn mạnh.