Dù tình hình thế giới có nhiều biến động khó lường và VN-Index đã liên tục thoái lui khi tiệm cận vùng kháng cự 1.500 - 1.520 điểm, nhưng tuần từ 21 - 25/3, chỉ số này đã có mức hồi phục mạnh nhất trong hơn 1 tháng qua (từ 14/2 đến nay). Cùng đó, thanh khoản có sự cải thiện và nhà đầu tư nước ngoài trở lại mua ròng hàng nghìn tỷ đồng.
Kiểm định ngưỡng kháng cự 1.500 điểm
Công ty cổ Phần Chứng khoán Mirae Asset (Việt Nam) nhận định, xu hướng tăng trong ngắn hạn (1 - 3 tuần) đã được hình thành sau khi VN-Index vượt ngưỡng MA (đường trung bình di động) 20 ngày. Chỉ số đang kiểm định ngưỡng kháng cự 1.500 điểm, là kháng cự quan trọng của xu hướng đi ngang trong trung hạn. Nếu chinh phục thành công ngưỡng này, VN-Index sẽ hình thành xu hướng tăng điểm trong trung hạn.
Trong tuần giao dịch tiếp theo 28/3 - 1/4, VN-Index có thể sẽ giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1.480 - 1.520 điểm. (Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Theo các chuyên gia từ công ty chứng khoán này, khi thị trường thế giới bắt đầu ổn định sau diễn biến tăng lãi suất 0,25% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), thị trường chứng khoán Việt Nam đã có tuần tăng mạnh nhất trong hơn 1 tháng qua (từ 14/2 đến nay).
VN-Index đã tăng 2%, tương ứng với 29,4 điểm trong tuần. Sau 2 phiên tăng mạnh đầu tuần, VN-Index đã chạm đỉnh 1.513 và có xu hướng điều chỉnh trong 3 phiên còn lại để chốt tuần tại 1.498,50 điểm.
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI nêu quan điểm, chỉ số VN-Index đã liên tục thoái lui khi tiệm cận vùng kháng cự 1.500 - 1.520 điểm nên nhịp điều chỉnh nhẹ từ vùng kháng cự nói trên vẫn còn khả năng tiếp diễn. Dù vậy, việc khối lượng giao dịch vẫn duy trì ở mức thấp trong các phiên điều chỉnh cho thấy chỉ số VN-Index sẽ sớm hồi phục trở lại trong một vài phiên tới.
Theo Công ty cổ phần Chứng khoán Sài Gòn - Hà Nội (SHS), thị trường có tuần hồi phục thứ hai liên tiếp trong bối cảnh mà căng thẳng giữa Nga và Ukraine vẫn chưa thể chấm dứt bằng một thỏa thuận trên bàn đàm phán.
Bên cạnh đó, giá dầu trong tuần qua cũng biến động mạnh khi giảm vào đầu tuần, tăng trở lại vào giữa tuần và lại điều chỉnh giảm về cuối tuần sau khi EU ra quyết định không cấm vận dầu nước Nga. Điểm tích cực là thanh khoản có sự cải thiện cho thấy sự quan tâm của nhà đầu tư đối với thị trường gia tăng.
Kết thúc tuần giao dịch, VN-Index tăng 29,4 điểm lên 1.498,5 điểm; HNX-Index tăng 10,54 điểm lên 461,75 điểm.
Gần như toàn bộ các nhóm ngành cổ phiếu đều tăng trong tuần qua. Cổ phiếu ngành công nghiệp tăng mạnh nhất với 4,2% giá trị vốn hóa, nhờ sự xuất sắc của các mã vật liệu và xây dựng, có thể kể đến như: FCN tăng 2%, DPG tăng 2,8%, HT1 tăng 4,2%, BMP tăng 4,4%, HBC tăng 4,7%, cTD và CRT tăng 5,5%, BTS tăng 5,7%, CII tăng 6,5%... Cùng đó, các mã thuộc ngành cảng biển và kho bãi như: GMD tăng 1,7%, HAH tăng 5,1%...
Tiếp theo là nhóm hàng tiêu dùng với mức tăng 3,8% giá trị vốn hóa. Cụ thể, MSN tăng 7,1%, SAB tăng 4%... Nhóm nguyên vật liệu cũng tăng 3,5% giá trị vốn hóa, nhờ sự xuất sắc của các cổ phiếu thuộc ngành còn hóa chất như: DCM tăng 9,9%, CSC tăng 12,7%, DPM tăng 16,3%, DGC tăng 19%...
Tiếp đến là các nhóm tài chính tăng 3% giá trị vốn hóa, dược phẩm và y tế tăng 2,9%, dịch vụ tiêu dùng tăng 2,2%, tiện ích cộng đồng tăng 1,7%, công nghệ thông tin tăng 0,6%.
Ở chiều ngược lại, nhóm ngân hàng điều chỉnh nhẹ 0,3% giá trị vốn hóa. Các mã như: VCB giảm 2%, CTG giảm 1,8%, BID giảm 1%, MBB giảm 0,9%, ACB giảm 0,3%...
Theo SHS, thanh khoản khớp lệnh trong tuần qua được cải thiện cho thấy dòng tiền vẫn đang đổ vào thị trường nhưng sự thận trọng đã xuất hiện khi thị trường vượt ngưỡng 1.500 điểm.
Tình hình trên thế giới trong tuần qua cũng không có diễn biến mới khi mà giới đầu tư vẫn đang quan sát tình hình chiến sự tại Ukraine cũng như lo ngại về lạm phát gia tăng.
Khối ngoại cũng trở lại mua ròng với giá trị gần 2.500 tỷ đồng trong tuần; trong đó, DGC bất ngờ được mua mạnh hơn 1.000 tỷ đồng và dẫn đầu danh sách mua ròng trong tuần.
STB ở vị trí thứ 2 với giá trị mua ròng 319 tỷ đồng, tiếp theo là GEX (263 tỷ đồng) và MSN (231 tỷ đồng). Phía bán ròng, VNM bị bán nhiều nhất với giá trị 274 tỷ đồng.
Trong bối cảnh hiện tại, SHS cho rằng thị trường sẽ khó có thể bứt phá trong ngắn hạn mà có lẽ sẽ thiên về giằng co và tích lũy nhiều hơn. Do đó, trong tuần giao dịch tiếp theo 28/3 - 1/4, VN-Index có thể sẽ giằng co và rung lắc với biên độ trong khoảng 1.480 - 1.520 điểm để tích lũy nền giá chờ thời cơ bứt phá trở lại.
Các nhà đầu tư đã tiến hành mua vào khi thị trường kiểm tra vùng hỗ trợ 1.425 - 1.450 điểm trong phiên 14/3 và 15/3 có thể tiếp tục nắm giữ danh mục hiện tại và cân nhắc chốt lời nếu thị trường tiến tới ngưỡng kháng cự quanh 1.520 điểm. Quyết định mua thêm chỉ hợp lý nếu thị trường có nhịp giảm mạnh về vùng hỗ trợ 1.425-1.450 điểm một lần nữa, SHS khuyến nghị.
Đánh giá tốc độ tăng lãi suất của FED
Thực tế, thị trường chứng khoán Việt Nam tăng điểm trong bối cảnh nhiều thị trường chứng khoán trên thế giới đi lên trong tuần qua.
Chốt phiên cuối tuần 25/3, chỉ số Dow Jones tăng 0,44% lên 34.861,24 điểm. Chỉ số S&P 500 0,51% lên 4.543,06 điểm. Trong khi đó, chỉ số Nasdaq Composite giảm 0,16% xuống 14.169,3 điểm. Trong cả tuần, chỉ số Nasdaq Composite và S&P 500 tăng tương ứng 2% và 1,8%, còn chỉ số Dow Jones tăng nhẹ 0,3%.
Các nhà đầu tư đang đánh giá tốc độ tăng lãi suất của FED sau khi Chủ tịch FED Jerome Powell trong tuần này nói rằng, FED cần hành động nhanh để kiểm soát lạm phát và đưa ra khả năng tăng lãi suất 50 điểm cơ bản vào tháng Năm tới.
Lợi suất trái phiếu chính phủ Mỹ tăng trong phiên này, với lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm tăng lên mức cao nhất trong gần ba năm, khi thị trường phản ứng trước việc lạm phát cao và nguy cơ suy thoái nếu FED mạnh tay thắt chặt chính sách tiền tệ.
Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm ở mức 2,492%, sau khi tăng vượt mức 2,5% lần đầu tiên kể từ tháng 5/2019. Các nhà kinh tế tại ngân hàng Citibank (Mỹ) nhận định FED sẽ có bốn lần tăng lãi suất 50 điểm cơ bản trong năm nay, trong khi các ngân hàng khác trên phố Wall dự báo FED sẽ nhanh chóng thắt chặt chính sách tiền tệ khi lạm phát tăng mạnh.
Tại châu Á, các thị trường chứng khoán biến động trái chiều trong phiên chiều 25/3 khi giới đầu tư quan ngại trước ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng Ukraine và lạm phát tăng.
Tại thị trường Tokyo (Nhật Bản), chỉ số Nikkei 225 tăng 0,1%, lên 28.149,84 điểm. Chứng khoán Sydney, Singapore, Manila và Wellington cũng tăng trong phiên này. Còn chứng khoán Mumbai, Đài Bắc, Bangkok và Jakarta giảm. Thị trường chứng khoán Seoul gần như đi ngang trong phiên này.
Tại thị trường Trung Quốc, chỉ số Hang Seng của thị trường Hong Kong giảm 2,5% xuống 21.404,88 điểm, còn chỉ số Shanghai Composite của thị trường Thượng Hải giảm 1,2% xuống 3.212,24 điểm.
VTV.vn - Trong chương trình AI Money Talk chủ đề: "Chiến sự leo thang - Sẵn sàng ứng phó", các chuyên gia đã đưa ra nhận định lạc quan về triển vọng thị trường tài chính.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!
Xem thêm: mth.31762651172302202-ahp-tub-ioht-ohc-iot-naut-naut-naohk-gnuhc/et-hnik/nv.vtv