Lãi suất liên ngân hàng liên tục tăng mạnh từ đầu năm nay đã và đang gây sức ép tăng lãi suất huy động của các ngân hàng.
Sức ép lớn
Lãi suất liên ngân hàng từ đầu năm 2022 đến nay của các kỳ hạn qua đêm, 1 tuần và 2 tuần hiện lần lượt ở mức 2,12%; 2,26% và 2,43%, tăng rất mạnh so với mức khoảng 1% giai đoạn 2020 - 2021. Có nhiều dự báo cho rằng lãi suất liên ngân hàng sẽ tiếp tục tăng và khó có thể trở về mức thấp của giai đoạn trên. Nguyên nhân gây ra sức ép này đến từ một số vấn đề:
Thứ nhất, huy động vốn của các ngân hàng bị cạnh tranh bởi các kênh khác, nên người dân gửi tiền vào ngân hàng không nhiều. Do đó, các ngân hàng phải tìm vốn trên thị trường liên ngân hàng.
Thứ hai, tăng trưởng tín dụng năm nay sẽ nhanh hơn so với năm 2021 nên ngân hàng rất cần huy động vốn để cân đối và bảo đảm tỷ lệ an toàn theo quy định.
Thứ ba, năm ngoái, tiền nhàn rỗi của doanh nghiệp gửi vào ngân hàng rất nhiều, nhưng năm nay kinh tế bắt đầu phục hồi, thì doanh nghiệp cũng bắt đầu rót vốn vào sản xuất, kinh doanh.
Thứ tư, xu hướng kỳ vọng của thị trường cũng như dân chúng và doanh nghiệp là lãi suất sẽ tăng, vì áp lực lạm phát sẽ ngày càng lớn.
Thứ năm, tác động từ việc FED tăng lãi suất khiến xu hướng mặt bằng lãi suất nói chung ở các nền kinh tế thế giới đều tăng, trong đó Việt Nam cũng không phải ngoại lệ. Bởi vậy, dù thế nào, tỷ giá VND/USD cũng sẽ tăng lên, đồng thời lãi suất liên ngân hàng sẽ tăng lên.
Tác động trong dài hạn
Với những vấn đề nêu trên, thì sự quan ngại về tác động lên mặt bằng lãi suất cho vay là hiện hữu. Tuy nhiên, tác động trong ngắn hạn là chưa xuất hiện, vì sự thay đổi này chưa đáng kể.
Còn theo chủ trương của Chính phủ về điều chỉnh giảm mặt bằng lãi suất cho vay trong năm 2022 - 2023 từ 0,5 - 1% là vô cùng khó khăn. Điều này chúng tôi đã có phân tích rất nhiều và làm sao để cố gắng giữ ổn định mặt bằng lãi suất như hiện nay đã là tốt. Nếu không, nguy cơ tăng lãi suất cho vay sẽ rất có thể xảy ra vào cuối năm nay trong trường hợp lãi suất đầu vào tăng, vì chúng ta không thể kìm hãm lãi suất mãi được.
Trên thực tế, chênh lệch giữa lãi suất đầu vào và đầu ra vẫn còn khá lớn. Do đó, NHNN cần cố gắng kìm hãm lực đẩy tăng lãi suất để tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh.
Phạm Xuân Hòe - Nguyên Phó viện trưởng Viện Chiến lược ngân hàng (NHNN)
Xem thêm: lmth.81801000042210202-yav-ohc-taus-ial-gnat-yad-cul/nv.semitaer