Theo báo Izvestia (Nga), trong bối cảnh Mỹ áp dụng lệnh cấm nhập khẩu dầu của Nga, việc giao hàng cho các nước EU sẽ gặp khó khăn trong tương lai gần. Một số nhà phân tích dự đoán rằng khoảng 3 triệu thùng dầu và các sản phẩm dầu mỏ của Nga mỗi ngày sẽ bị loại bỏ khỏi thị trường toàn cầu, chiếm khoảng 3% sản lượng thế giới.
Tuy nhiên, có một khả năng khác: Nga sẽ tái định hướng nguồn cung cấp trên quy mô lớn sang châu Á. Chủ tịch Viện Năng lượng và Tài chính Nga Marcel Salikhov lưu ý rằng nguồn cung dầu của nước này sẽ được định hướng lại do các hạn chế hiện nay của phương Tây.
"Trung Quốc và Ấn Độ là những ứng cử viên tiềm tàng cho việc gia tăng dòng chảy của Nga sang châu Á. Về chất lượng, dầu Nga phù hợp với các nhà máy lọc dầu của Trung Quốc, có khả năng thay thế tới 3 triệu thùng dầu thô mỗi ngày với chất lượng tương đương với nguồn cung mà Trung Quốc nhập khẩu từ các nước khác. Tuy nhiên, giải pháp này có thể khiến Trung Quốc rơi vào cuộc xung đột với các nước phương Tây", vị chuyên gia này nói.
Cũng theo chuyên gia trên, một lựa chọn khác đối với Moskva là Ấn Độ, quốc gia đang đẩy mạnh nhập khẩu dầu của Nga, lý do chính là vì mức chiết khấu kỷ lục, giúp tăng đáng kể lợi nhuận của người mua trong lĩnh vực lọc dầu.
Về phần mình, chuyên gia Ivan Timonin của công ty tư vấn chiến lược VYGON (Nga) nhận định, việc tìm kiếm thị trường mới trong trường hợp này sẽ không phải là vấn đề khó với Nga. Trong bối cảnh hiện nay, các nhà cung cấp khác, đặc biệt ở Trung Đông, cũng sẽ phải chuyển hướng xuất khẩu của họ sang châu Âu để thay thế Nga.
Do đó, đây sẽ là cơ hội để Nga tăng xuất khẩu sang châu Á, vì khu vực này được "giải phóng" nguồn cung bổ sung. Tuy nhiên, việc định hướng lại ngành công nghiệp dầu mỏ của Nga về "phía Đông" (sang châu Á) sẽ cần một khoảng thời gian nhất định.
Cho đến nay, bất chấp lệnh cấm vận, xuất khẩu dầu của Nga sang Mỹ vẫn tiếp tục và thậm chí còn tăng. Ví dụ, trong tuần từ ngày 12-18/3, Mỹ đã mua 70.000 thùng dầu của Nga mỗi ngày, nhiều hơn 80% so với tuần trước. Con số này thậm chí còn cao hơn trong Liên minh châu Âu (EU), nơi các nước châu Âu hiện vẫn tránh đặt lệnh cấm vận nhập khẩu nguyên liệu thô của Nga.
Công Thuận
Báo Tin Tức
Xem thêm: nhc.77935648172302202-a-uahc-gnas-uad-gnuc-nougn-gnurt-pat-iat-agn/nv.zibefac