Thí sinh Nguyễn Thúy Hường trong chương trình tối 12-3 với 4 câu thơ giúp cô thành Vua tiếng Việt mùa 1, phần thưởng 180 triệu đồng - Ảnh: T.ĐIỂU chụp màn hình
Mặc dù chương trình Vua tiếng Việt cuối cùng mùa 1 đã được phát sóng vào tối 12-3 nhưng tới hôm nay 27-3, mạng xã hội lại bình phẩm về 4 câu thơ giúp người chơi Nguyễn Thúy Hường giành được phần thưởng trị giá 180 triệu đồng:
"Biết bao di sản quý vô vàn
Thiên nhiên văn hóa cùng thời gian
"Cật lực" bảo vệ và gìn giữ
Trường tồn còn mãi với non ngàn"
Nhiều ý kiến có phần mỉa mai những câu thơ theo họ chỉ là "hò vè" mà giành giải thưởng "khủng", tác giả được vinh danh "Vua tiếng Việt ấn tượng nhất".
TS ngôn ngữ Đỗ Anh Vũ - một thành viên ban cố vấn của chương trình Vua tiếng Việt và là 1 trong 3 cố vấn của chương trình phát sóng tối 12-3 - nói không phải 4 câu thơ ấy được trao thưởng 180 triệu đồng, mà phần thưởng dành cho cả một quá trình vì thí sinh đã trải qua nhiều vòng thi, nhiều câu hỏi mới đi đến được câu hỏi cuối cùng mang về 180 triệu.
Nhắc chuyện nhiều người chê 4 câu thơ dở, ông Vũ nói trong khoảng thời gian rất ngắn, 30 giây đến 1 phút mà phải làm một bài thơ 4 câu với 1 từ khó cho trước thì không thể đòi hỏi quá cao về nội dung cũng như chất lượng nghệ thuật.
Quan điểm của chương trình là chỉ cần có sự hiệp vần hài hòa, nội dung logic sẽ được chấp nhận.
"Đòi hỏi chính của phần thi làm thơ là thử phản xạ tư duy và biết gieo vần thôi, không thể đòi hỏi quá cao về nội dung cũng như nghệ thuật bởi thời gian cho làm thơ quá ngắn" - ông Vũ nói.
Việc có ý kiến chê trách người dẫn chương trình Xuân Bắc đã đọc đề thi yêu cầu thí sinh làm thơ thể loại "thất ngôn Đường luật" là sai bởi không có thể thơ nào được gọi với tên như vậy, TS Đỗ Anh Vũ thừa nhận đây là một sai sót nhỏ của chương trình.
Ông Vũ giải thích chương trình muốn nói tới thể thất ngôn tứ tuyệt trong thơ Đường, nhưng đã nói tắt thành thất ngôn Đường luật.
Thực tế cụm từ "thất ngôn Đường luật" đôi khi cũng được sử dụng tạm thời trong một số cảnh huống cụ thể. Ví dụ như các nhà phê bình trước đây vẫn nói rằng các bài Tràng giang, Đây thôn Vĩ Dạ... không phải là 1 sự kéo dài của thất ngôn Đường luật.
Trong trường hợp cụ thể của chương trình Vua tiếng Việt, nếu chặt chẽ thì phải gọi là thể thơ Đường thất ngôn tứ tuyệt.
Về danh xưng Vua tiếng Việt khiến một số người "dị ứng" bởi khó ai dám tự tin nhận mình là vua tiếng Việt, hiểu tất cả về tiếng Việt mà chương trình lại khoác cho những người chiến thắng cuộc thi danh hiệu ấy, ông Vũ cũng chia sẻ quan điểm.
Ông nói tên gọi này cần được hiểu thoáng hơn, thiên về sắc thái giải trí, có chút hài hước như tính chất của các chương trình truyền hình. Chữ ‘vua’ ở đây chỉ có nghĩa là người thắng cuộc sau cùng, là vua trong 1 sân chơi nhỏ này.
Dù có những ý kiến bất đồng, ông Vũ cho rằng chương trình có tác dụng khơi dậy sự quan tâm và tình yêu với tiếng Việt trong công chúng, nhất là đối với học sinh, sinh viên.
"Đừng vừa xây vừa phá"
Nhận xét về chương trình Vua tiếng Việt, nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên cho rằng những người thực hiện có ý đồ tốt muốn làm một chương trình khơi gợi lòng yêu tiếng Việt, sử dụng tiếng Việt chính xác.
Nhưng hình thức và nội dung chương trình chưa tốt khi nó đưa ra những phần thi khiến người chơi thể hiện sự cơ học, máy móc với tiếng Việt chứ không phơi bày được sự giàu đẹp, linh hoạt vô cùng của tiếng Việt.
Ngoài ra ông Nguyên góp ý "nhà đài đừng vừa xây vừa phá", khi mà một mặt làm chương trình tôn vinh tiếng Việt nhưng lại có những chương trình mà ngay cái tên đã quay lưng với tiếng Việt. Ông ví dụ chương trình Ngày xưa Chill phết đáng lẽ hoàn toàn có thể dùng tiếng Việt là Ngày xưa ngộ phết.
TTO - Vua tiếng Việt, gameshow vừa lên sóng gần đây trên VTV3, đang thu hút sự quan tâm của khán giả. Ban tổ chức cũng bất ngờ khi số lượng khán giả đăng ký tham gia chương trình đã tăng lên rất nhiều ngay khi số đầu tiên được ra mắt.
Xem thêm: mth.43960210272302202-ig-ion-hnirt-gnouhc-nav-oc-gnod-ueirt-081-iaig-coud-ev-oh-oht-uac-4/nv.ertiout