Tính chất đặc thù của thương mại điện tử là người mua và người bán không gặp mặt trực tiếp mà chỉ liên lạc với nhau qua môi trường mạng.
Lợi dụng điều này, trong thời gian qua nhiều tổ chức và cá nhân đã thực hiện các hành vi vi phạm, trái với pháp luật như kinh doanh hàng giả, hàng nhái; sử dụng lỗ hổng trên các sàn để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, đặc biệt là tạo ra các trang bán hàng giả mạo logo "đã đăng ký kinh doanh với Bộ Công Thương".
(Ảnh minh họa - Ảnh: Báo Đầu tư)
Để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm các hành vi trên, Bộ Công Thương đã đưa ra khuyến cáo.
Cụ thể, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương hướng dẫn người tiêu dùng, để biết 1 trang web bán hàng đã đăng ký kinh doanh với Bộ Công Thương hay chưa, người dân có thể truy cập vào địa chỉ website với tên miền "online.gov.vn" và nhập tên trang web đó vào phần tìm kiếm, nếu đã đăng ký thì sẽ có tên trong kết quả tìm kiếm.
Ngoài ra đại diện Bộ Công Thương khẳng định trong thời gian sắp tới sẽ chủ trì cùng với các cơ quan liên quan để rà soát và xử lý thật nghiêm những trường hợp vi phạm trên, với những mức phạt cũng rất rõ ràng.
"Ví dụ, hành vi kinh doanh hàng giả, hàng cấm trên Internet có thể bị xử phạt từ 20 - 30 triệu đồng. Với hành vi giả mạo logo đã đăng ký Bộ Công Thương, mức phạt cũng từ 20 - 30 triệu đồng. Đó là với cá nhân, còn với doanh nghiệp thì mức phạt sẽ nhân đôi", ông Nguyễn Hữu Tuấn, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương, cho biết.
Trong năm qua, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số phối hợp cùng Tổng cục Quản lý thị trường đã tìm ra và xử phạt hơn 3.000 hành vi vi phạm trên các sàn thương mại điện tử, với tổng mức xử phạt lên tới hơn 20 tỷ đồng.
VTV.vn - Tình trạng hàng giả thương hiệu, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ vẫn rất khó kiểm soát, đặc biệt trên môi trường mạng.
* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV Online và VTVGo!