Những ngày này, nước sông Đầm cạn, người dân xã Tam Thăng (TP Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam) chèo thuyền ra bãi cọc cách bờ 50m đánh cá. Ở sông Đầm, có hàng trăm chươm mà người dân đã làm trên sông.
3 tháng trước, người dân cắm xuống hàng chục cây tre còn nguyên cành, nhánh, cây gỗ để dụ cá đến trú ngụ. Mỗi chươm rộng khoảng 20m2, còn bên ngoài được làm một hàng rào để ngăn ghe thuyền khác vào đánh bắt.
Sau 3 tháng, chọn ngày nước sông Đầm cạn, người dân chèo ghe chở theo tấm lưới dài 50m, cao 5m ra bãi cọc cắm để giăng lưới bắt cá .
Lội xuống nước, ông Võ Sửu (trú xã Tam Thăng) giăng tấm lưới bao quanh bãi cọc.
Bên trong, bạn của ông nhổ cọc đưa ra ngoài để dần thu hẹp tấm lưới.
Sau khi nhổ hết cọc, ông Sửu và bạn vào trong dười vợt bắt cá.
Sau 4 giờ, hai ngư dân bắt được hơn 70kg cá rô phi, 20kg cá chép, 2kg cá nheo, 2kg lóc, 3kg thát lát (thác lác), 0,5kg tôm càng xanh, thu về khoảng 2 triệu đồng.
Ông Sửu chia sẻ, có lần dỡ chươm nếu trúng đậm có thể bán được 8 triệu đồng; nhưng cũng có lần rất ít, chỉ thu được 500.000 đồng.
Trên sông Đầm, qua xã Tam Thăng, có hàng trăm chươm người dân làm trên sông. Mỗi năm họ làm từ 1 đến 3 chươm và mỗi chươm cách nhau 50m.
Người dân chia sẻ, không phải lúc nào cũng dỡ cọc cũng bắt được nhiều cá, kinh nghiệm là năm nào mưa lũ nhiều mới bắt được nhiều.
Làm chươm để dụ cá về ở là cách mà người dân ven sông Đầm cũng như nhiều nơi có nghề sông nước áp dụng từ khá lâu.
Sông Đầm là hồ nước thông với sông Bàn Thạch, rộng gần 200ha, cách trung tâm TP Tam Kỳ 4km. Mỗi ngày nước lên xuống theo thủy triều, độ sâu trung bình 1,6m.
Theo Hồ Ca
Infonet/Vietnamnet