Cựu Cố vấn Nhà nước Myanmar Aung San Suu Kyi, người đang bị chính quyền quân sự nước này giam giữ, đã không ra hầu tòa ba ngày sau khi các nhân viên của bà nhiễm COVID-19 và bà bị cách ly, một nguồn thạo tin nói với hãng AFP hôm 28-3.
Bà Aung San Suu Kyi. Ảnh: AFP
Chính phủ dân sự của bà Suu Kyi, năm nay 76 tuổi, đã bị lật đổ hồi năm ngoái trong một cuộc chính biến vốn dẫn đến nhiều cuộc biểu tình phản đối và người phụ nữ này phải đối mặt hàng loạt cáo buộc có thể khiến bà phải ngồi tù hơn 150 năm.
Hiện đang bị xét xử với cáo buộc tham nhũng, vi phạm đạo luật bí mật chính thức của Myanmar và gây sức ép với ủy ban bầu cử, bà Suu Kyi đã không ra hầu tòa kể từ ngày 24-3, nguồn tin nói với AFP.
“Một số người trong nhóm của bà ấy đã bị nhiễm COVID-19... và vì vậy bà ấy bị cách ly mặc dù không bị nhiễm. Chúng tôi rất lo lắng vì đã không thể nhìn thấy bà ấy” – nguồn tin cho biết.
Nguồn tin cho biết thêm rằng cựu Tổng thống Win Myint – người bị buộc tội cùng với bà Suu Kyi – đã xuất hiện tại tòa án quân sự hôm 28-3 thông qua hình thức trực tuyến.
Bà Suu Kyi và các nhân viên của bà đã được tiêm đầy đủ vaccine ngừa COVID-19 kể từ khi bị bắt giữ, luật sư của bà nói với AFP vào tháng 7 năm ngoái.
Cố vấn Nhà nước Myanmar bị lật đổ đã không tham dự một phiên xử vào tháng 9 do bị bệnh, và vào tháng 10, luật sư của bà cho biết sức khỏe của thân chủ mình đã giảm sút do phải thường xuyên xuất hiện trước tòa.
Bà Suu Kyi trước đó đã bị kết án tổng cộng sáu năm tù vì tội kích động chống lại quân đội, vi phạm các quy tắc phòng dịch COVID-19 và vi phạm luật viễn thông.
Trong một diễn biến liên quan, lãnh đạo chính quyền quân sự Myanmar – Tướng Min Aung Hlaing ngày 27-3 tuyên bố quân đội sẽ không đàm phán với phe đối lập.
Ông Min Aung Hlaing đưa ra tuyên bố trên khi phát biểu trong cuộc duyệt binh mừng Ngày Lực lượng vũ trang Myanmar tại thủ đô Naypyidaw diễn ra cùng ngày, theo hãng tin Reuters.
Đây là cuộc duyệt binh thứ hai kể từ khi xảy ra chính biến ở Myanmar vào ngày 1-2-2021. Bản đồng thuận năm điểm về vấn đề Myanmar được các nhà lãnh đạo ASEAN nhất trí hồi tháng 4-2021 kêu gọi tổ chức cuộc đàm phán với sự tham gia của tất cả các bên, nhưng cho đến nay vẫn chưa có bước đột phá nào.