Trong 2 năm qua, đại dịch đã khiến nhiều người trở nên thất nghiệp, thu nhập giảm đáng kể. Mọi người bắt đầu tìm cách để giảm chi tiêu trong giai đoạn khó khăn này và cũng vì vậy mà từ khóa "tiết kiệm" trở thành từ được tìm kiếm rất nhiều trên Internet.
Ở Nhật Bản, bà Yoko Ogasawara (71 tuổi) sống ở Tokyo được coi là "thánh tiết kiệm". Bà từng xuất bản nhiều cuốn sách, chia sẻ bí quyết chi tiêu của mình trên tạp chí, kênh truyền hình.
Bà Yoko Ogasawara khẳng định, suốt 40 năm qua, trung bình mỗi ngày "thánh tiết kiệm" chỉ tiêu 1.000 yen. Thế nhưng, chúng ta đều biết rõ giá cả ở Nhật Bản đắt đỏ như thế nào. Một bát cơm Donburi có giá 700 yen (hơn 130.000 VND), một bát mì Ramen bình thường có giá 600 yen (khoảng 112.000 VND), vé xem phim thông thường giá 1.800 yen. Do đó, mức chi tiêu của bà Yoko được xem là khá tằn tiện.
Ngoại trừ những chi phí cơ bản như tiền thuê nhà, tiền điện nước… mỗi tháng bà Yoko chỉ tiêu 31.000 yen (hơn 6,3 triệu VND). Trong khi đó một người bình thường sẽ cần khoảng 73.705 yen mỗi tháng (hơn 15 triệu đồng). Quả thật, chi phí sinh hoạt của bà chỉ bằng một nửa so với mức trung bình của người dân tại Nhật Bản.
Thế nên chẳng có gì là lạ khi bà rất nổi tiếng ở Nhật Bản trong vấn đề tiết kiệm chi tiêu. Bà có những bí kíp tiết kiệm tiền rất độc đáo và dù nhiều người bảo rằng bà keo kiệt nhưng bà lại cảm thấy thoải mái với cách này của mình.
Bà chia sẻ: "Từ năm 30 tuổi, tôi bắt đầu suy nghĩ về cách tiết kiệm tiền để nghỉ hưu. Thông qua nhiều năm nghiên cứu tiết kiệm, tôi đã tự tạo cho mình một bí quyết tiết kiệm tiền dựa vào lối sống tối giản của riêng mình. Điều này giúp tôi chiếm được trái tim của mọi người, ngoài ra tôi còn xuất bản thành sách để mọi người có thể học hỏi."
Bà không chỉ chia sẻ bí quyết của mình trong những cuộc phỏng vấn trên tạp chí mà thậm chí, bà còn xuất bản sách dạy mọi người cách tiết kiệm tiền.
Mới đây, nhận lời phỏng vấn trong chương trình chào buổi sáng của đài Fuji TV, bà đã chia sẻ những mẹo chi tiêu tuyệt vời để tiết kiệm những chi phí không cần thiết trong cuộc sống.
1. Chỉ dùng giấy vệ sinh cuộn
Ở Nhật bản, khăn giấy cuộn thường chỉ dùng trong nhà vệ sinh. Tuy nhiên, bà Ogasawara dùng giấy vệ sinh cuộn trong mọi trường hợp. Bà lý giải một cuộn giấy vệ sinh ở Nhật khoảng 25 yen, có thể sử dụng 300 lần với khổ 20cm, trong khi khăn giấy đóng hộp được bán với giá 65 yên, gần gấp 3 lần so với giá một cuốn giấy vệ sinh, nhưng lại chỉ có 20 tờ.
Do đó, giấy cuộn có giá thành không những rẻ hơn mà còn có thể kiểm soát số lượng sử dụng. Mỗi lần dùng, bà chỉ lấy đúng 1 đoạn được cắt sẵn, tương đương với 20cm giấy. Như vậy tiết kiệm hơn nhiều so với giấy ăn thông thường.
"Thánh tiết kiệm" quan niệm rằng tiền không nên bị lãng phí trong các mặt hàng gia dụng không cần thiết. Chúng có vẻ nhỏ lẻ, ít tiền, song vô hình chung những thứ đó lại "ngốn" nhiều tiền nhất, biết cách tiết kiệm có thể thu lại một số tiền lớn.
2. Sử dụng tờ rơi quảng cáo thay cho tấm trải bàn
Thay vì dùng khăn trải bàn sẽ tốn chi phí để mua và vệ sinh, bà sẽ dùng tờ rơi quảng cáo thức ăn để thay thế. Như vậy sẽ tiết kiệm tiền nước, xà phòng để vệ sinh khăn trải bàn. Bà Ogasawara cho rằng việc vừa ăn và vừa xem quảng cáo thức ăn như vậy thì dù chỉ ăn cơm chan nước trà cũng cảm thấy như đang thưởng thức sơn hào hải vị.
3. Lên kế hoạch mua sắm và "lướt" đi thật nhanh
Yoko Ogasawara gợi ý mọi người nên tự đặt ra trước hạn mức số tiền nên tiêu trong một ngày, một tuần hoặc một lần đi chơi, mua sắm, phần còn lại nên được để riêng tránh vung tay quá trán.
Khi cần mua sắm, bà sẽ lên danh sách những món cần mua, sau đó đến đúng quầy lấy sản phẩm đó rồi nhanh chóng quay ra tính tiền, tránh la cà khắp nơi khiến mua sắm những thứ không có trong dự kiến.
Đây là một mẹo rất thiết thực bởi vì lý do khiến nhiều người không tiết kiệm được tiền là do họ không lên kế hoạch trước, món cần thì không mua, món không cần lại mang về. Như vậy là lãng phí tiền bạc.
Ngoài ra, bà cũng để sẵn một khoản tiền được phép sử dụng khi mua sắm để nhắc nhở bản thân không được tiêu xài bừa bãi. Những ai không dùng tiền mặt mà chỉ dùng thẻ ngân hàng khi mua sắm vẫn có thể áp dụng cách này. Bạn có thể chuyển số tiền được sử dụng vào 1 thẻ và dùng thẻ đó để mua sắm.
Đặc biệt, đến quầy thanh toán, bà Yoko còn buộc mình lựa chọn phải trả lại một món hàng trong giỏ, thói quen này giúp giảm bớt chi tiêu.
4. Không mua gia vị
Bà Yoko khẳng định chưa từng chi tiền mua một món gia vị nào. Thay vào đó, bà giữ lại những gói gia vị đi kèm với các loại thực phẩm như mì gói, Natto hay những gói sốt miễn phí từ nhà hàng. Bên cạnh đó, bà cũng sẽ phơi khô vỏ cam để làm các loại thực phẩm khác.
5. Tái chế các vận dụng
Đồ vật bà Yoko tự cải tạo
Bà Yoko cho biết bản thân luôn tận dụng những thứ đã bỏ đi mà tái sử dụng để tạo ra những đồ dùng trong gia đình. Ví dụ như dùng quần áo cũ để làm vỏ bọc ghế, hộp đựng thức ăn từ quán ăn để thay thế cho túi đựng thực phẩm. Bà cũng sử dụng chúng để đặt rau củ sơ chế thay cho đĩa. Những hộp ngũ cốc giấy đã cũ được dùng để chứa những chiếc túi nylon đã gấp gọn. Như vậy bà cũng tiết kiệm được kha khá.
6. Dùng hóa đơn để ghi chú thay cho tờ giấy note
Để tiết kiệm, bà Yoko không bao giờ vứt đi những tờ hóa đơn sau khi mua sắm mà luôn gom góp lại và kẹp chúng thành tệp nhỏ để làm giấy ghi chú, dùng ghi chép công việc hàng ngày. Vậy là bà cũng tiết kiệm được một khoản không cần thiết.
7. Pha trà trong tách và ăn cơm với nước trà
Người Nhật đặc biệt thích uống trà, đa số mọi người sử dụng ấm để pha trà và sau đó rót vào tách để uống. Tuy nhiên, bà Yoko lại pha trà trực tiếp trong tách để tiết kiệm chi phí rửa ấm. Không chỉ vậy, với lượng trà còn trong tách, bà lại tận dụng để ăn cơm. Đó là món Chazuke truyền thống của Nhật Bản, giúp bà tiết kiệm được chi phí mua thức ăn.
Thay vì dùng ấm trà như tất cả mọi người, Yoko Ogasawara sẽ đổ trực tiếp trà vào cốc. Hơn nữa, trong bữa ăn, bà cũng chỉ dùng một bát, nhằm tiết kiệm chi phí bát đĩa và nước.
8. Không rửa nồi sau khi nấu
Với bản thân bà Yoko, nồi hàng ngày có thể không cần rửa, cứ trực tiếp cho thực phẩm tươi vào và nấu chín là được. Bởi vì bà cho rằng cách làm này giống với việc ăn lẩu với các hương vị khác nhau mỗi ngày, lại vừa tiết kiệm cho chi phí rửa.
Ví dụ: ngày đầu tiên ăn thịt lợn bắp cải với tảo bẹ; Thêm thịt gà và hành lá vào nồi trong ngày hôm sau để tiếp tục nấu; Ngày thứ ba tiếp tục cho thêm thực phẩm để nấu... Tiếp tục sử dụng như thế đến khi bản thân cảm thấy nồi thật sự cần phải rửa (có khi chiếc nồi đó dùng đến 1 tuần).
Lối sống tiết kiệm đã được bà Yoko đã được duy trì suốt 40 năm qua. Bà nói tiết kiệm là triết lý giúp bà có cuộc đời thư thái, không phải gánh nợ nần. Phương châm của bà là "trẻ sống tiết kiệm, về già an nhàn".
Nhiều người cảm thấy cuộc sống tằn tiện như bà là khổ sở, hành xác. Song bà cho rằng đó là cách sống vừa bảo vệ môi trường, tài nguyên, vừa giúp bản thân có tiền tiết kiệm để làm những thứ mình thích, như đi du lịch nước ngoài.
Bà tin rằng, 1.000 yên cũng có thể tạo ra sự khác biệt nếu ta cố gắng mỗi ngày. Khi ta tối đa hóa giá trị của đồng tiền nhỏ thì sẽ tạo ra được khác biệt lớn.
Ngồn và ảnh INF và Toutiao
https://cafef.vn/bi-quyet-lam-giau-cua-thanh-tiet-kiem-nhat-ban-khien-ai-cung-phai-thot-len-kinh-ngac-tinh-toan-chi-ly-do-tung-cm-giay-ve-sinh-tham-chi-khong-rua-noi-sau-khi-nau-20220328174951459.chn
https://cafef.vn/bi-quyet-lam-giau-cua-thanh-tiet-kiem-nhat-ban-khien-ai-cung-phai-thot-len-kinh-ngac-tinh-toan-chi-ly-do-tung-cm-giay-ve-sinh-tham-chi-khong-rua-noi-sau-khi-nau-20220328174951459.chnTheo Nguyễn Hồng
Trí thức trẻ