Chuyển giao công nghệ và đầu tư vùng nuôi trồng cá nóc
Chiều ngày 28/3, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Phùng Đức Tiến đã gặp gỡ đại diện Tập đoàn Mitsui Suisan Nhật Bản. Đây là tập đoàn thương mại tổng hợp lớn nhất Nhật Bản với bề dày lịch sử hình thành và phát triển hơn 400 năm, kinh doanh trong rất nhiều lĩnh vực, từ khai khoáng, bán lẻ cho đến sản xuất, kinh doanh lương thực, thực phẩm…
Tại buổi gặp mặt, bà Vương Thuỳ Linh, đại diện Tập đoàn Mitsui bày tỏ nguyện vọng được phát triển dự án nuôi trồng cá nóc tại Việt Nam bởi nhiều vùng biển của nước ta có điều kiện tự nhiên phù hợp với sự sinh trưởng của loài cá này. Địa điểm Tập đoàn đề nghị Bộ NN-PTNT cho xây dựng vùng nuôi trồng là tại Côn Đảo (Bà Rịa-Vũng Tàu).
Bà Linh cho biết, tại Nhật Bản, nhu cầu đối với sản phẩm từ cá nóc của thị trường Nhật Bản hiện nay là khoảng 15 đến 20 nghìn tấn mỗi năm, chủ yếu phục vụ ngành dược và các chế phẩm dược liệu. Tuy nhiên, đây cũng là loại cá được người tiêu dùng Nhật Bản ưa thích bởi giàu chất dinh dưỡng và hương vị rất thơm ngon, đặc biệt là loài cá nóc hổ.
Cá Nóc Hổ là một trong hơn 100 loài cá Nóc ăn được, phổ biến nhất ở Nhật Bản, giới sành ăn coi đây là sơn hào hải vị. Chính vì thế, giá cá Nóc Hổ lên tới 40.000 Yen (tương đương khoảng 7 triệu đồng).
Từ những tiềm năng như vậy, đại diện Mitsui Suisan đánh giá cao hiệu quả kinh tế của dự án khi cung cấp thêm thông tin, một con cá nóc thành phẩm, có cân nặng từ 1,2 đến 2 kg, nếu xuất sang Nhật Bản có thể thu được từ 3,8 đến 4 triệu đồng.
Mitsui Suisan cũng đã tiến hành trao đổi và nhận được sự đồng thuận từ phía Bộ Nông nghiệp Nhật Bản về dự án nuôi trồng và nhập khẩu cá Nóc tại Việt Nam. Tuy nhiên, còn tồn tại một số vướng mắc về cơ chế, chính sách cần khắc phục như, Việt Nam đang cấm nuôi trồng loài cá này, Bộ Nông nghiệp Nhật Bản cũng yêu cầu phía Mitsui phải đảm bảo đầy đủ các tiêu chuẩn về nuôi trồng và chế biến tương tự như tại Nhật Bản để giảm thiểu độc tính.
Thay mặt Bộ NN-PTNT, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến hoan nghênh các doanh nghiệp đầu tư vốn và chuyển giao công nghệ về Việt Nam, tuy nhiên, với loài cá có độc tính cao như cá Nóc cần hết sức thận trọng. Thứ trưởng giao các ban ngành liên quan rà soát kỹ lại các văn bản pháp luật và quy định có liên quan để đảm bảo môi trường kinh doanh cho nhà đầu tư.
Thứ trưởng cũng đề nghị phía Mitsui Suisan Nhật Bản thành lập văn phòng đại diện tại Việt Nam và xây dựng một đề án phát triển chi tiết trên cơ sở tham khảo ý kiến từ các Bộ chuyên môn như Bộ Y tế; Tài Nguyên và Môi trường.
Tương lai nào cho ngành nuôi trồng cá Nóc tại Việt Nam?
Trao đổi với Người Đưa Tin bên lề hội nghị, PGS.TS Phan Thị Vân - Viện trưởng Viện Nghiên cứu Nuôi trồng Thủy sản I cho biết, có đến hơn 120 loài cá Nóc khác nhau trên toàn thế giới, Việt Nam có khoảng 66 loài và trong đó, 40 loài có khả năng gây độc tố. Cá nóc được đánh giá là loài có độc tố đứng thứ 2 chỉ sau loài ếch độc phi tiêu vàng.
“Chất độc tetrodotoxin có trong nội tạng, da, cơ bụng, túi tinh và đặc biệt là trong trứng cá mạnh hơn Cyanua nhiều lần. Đây là một chất độc thần kinh rất mạnh được tạo thành bởi các vi khuẩn cộng sinh trên cá, có thể gây ra tình trạng liệt cơ, suy hô hấp thậm chí là tử vong nếu không được cứu chữa kịp thời”.
Nhiều vụ ngộ độc dẫn đến chết người do sử dụng cá nóc khiến Chính phủ Việt Nam phải ban hành lệnh cấm khai thác, kinh doanh, chế biến các sản phẩm từ loài cá này từ năm 2003.
Tuy nhiên, không thể phủ nhận hoàn toàn những giá trị kinh tế do loài cá này mang lại nên giai đoạn 2004 đến 2016, Chính phủ giao Bộ NN-PTNT triển khai xây dựng đề án thí điểm khai thác, thu gom xuất khẩu cá Nóc sang thị trường Hàn Quốc trên địa bàn 5 tỉnh là Hải Phòng; Khánh Hòa; Phú Yên; Bà Rịa- Vũng Tàu và Kiên Giang nhưng kết quả cũng không mấy khả quan khi đến năm 2018, có đến 4 trên 5 tỉnh thành đề nghị dừng triển khai.
Việc Mitsui Nhật Bản cam kết chuyển giao công nghệ chiết tách và đầu tư dự án nuôi trồng cá Nóc tại Việt Nam có thể đem đến nhiều tín hiệu tích cực cho ngành nuôi trồng loài thủy sản giá trị kinh tế cao này trong tương lai.