Trong năm 2021, Sacombank và Bamboo Airways đã ký kết thỏa thuận hợp tác toàn diện. Bên cạnh đó, Tập đoàn FLC cũng đã có thỏa thuận hợp tác toàn diện với ngân hàng OCB trước đó.
Khi mối quan hệ giữa nhóm FLC và các nhà băng càng gắn bó, thân thiết hơn thì nợ vay ngân hàng cũng như số cổ phần BAV của Bamboo Airways mà ông Trịnh Văn Quyết và tập đoàn FLC mang đi thế chấp càng lớn.
Tập đoàn FLC vay nhiều nhất từ ngân hàng Sacombank
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021, Tập đoàn FLC có 24.065 tỷ đồng nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2021, chiếm 71% và tổng nguồn vốn. Riêng nợ vay và thuê tài chính là hơn 7.205 tỷ đồng, tăng hơn 685 tỷ đồng.
Trong đó, chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC tại ngày 31/12/2021 là Sacombank với tổng dự nợ ngắn hạn cũng như dài hạn là hơn 1.840 tỷ đồng. Đầu năm 2021, FLC không có dư nợ tại Sacombank. Tập đoàn này bắt đầu vay nợ Sacombank sau lễ ký kết hợp tác toàn diện ngày 9/4/2021 giữa Sacombank với Bamboo Airways và hệ sinh thái liên quan tới hãng hàng không này.
Chỉ đứng sau Sacombank, BIDV cũng cho FLC vay hơn 1.747 tỷ đồng, OCB (1.392 tỷ), NCB (634 tỷ), Agribank (169 tỷ). Đáng chú ý, khoản vay tại NCB đang được đảm bảo bởi 60 triệu cổ phần BAV.
Cả Tập đoàn FLC và Bamboo Airways đều do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. FLC từng là công ty mẹ sở hữu 100% vốn của Bamboo Airways và hiện nay vẫn là một cổ đông lớn.
Từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022, vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết đã dùng xấp xỉ 160 triệu cổ phần tại Bamboo Airways để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay của Tập đoàn FLC tại Sacombank.
Tập đoàn FLC và ngân hàng OCB cũng từng ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược vào ngày 19/1/2019, hoạt động tín dụng giữa hai bên tăng lên nhanh chóng sau đó. Trong năm 2021, chi phí lãi vay của FLC là 375 tỷ đồng, giảm 33% so với năm trước và tương đương 91% lợi nhuận gộp của tập đoàn.
Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết hiện đang là một hệ sinh thái đa doanh nghiệp.
Ngoài Tập đoàn FLC, các ngân hàng còn cho vay hàng trăm tỷ tại CTCP Đầu tư Kinh doanh Phát triển Bất động sản FLCHomes (FLCHomes) và nhận thế chấp một lượng lớn cổ phiếu BAV thuộc sở hữu của tập đoàn FLC và vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết.
Đáng chú ý, FLCHomes không phải là công ty con hay công ty liên kết của Tập đoàn FLC, ông Trịnh Văn Quyết cũng không trực tiếp nắm giữ chức vụ nào ở FLCHomes. Tuy nhiên, bà Bùi Hải Huyền, thành viên HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn FLC, đang là Chủ tịch của FLCHomes.
Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV mới được công bố, tại ngày 31/12/2021, FLCHomes đang vay ngân hàng hơn 710 tỷ đồng, tăng 380 tỷ so với ngày đầu năm.
Trong đó, FLCHomes vay Ngân hàng TMCP Phương Đông (Mã: OCB) 108 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động. Tài sản bảo đảm gồm các khoản tiền gửi và cổ phiếu BAV do CTCP Hàng không Tre Việt (Bamboo Airways) phát hành.
Trong số này có 5,06 triệu cổ phiếu do ông Trịnh Văn Quyết và vợ là bà Lê Thị Ngọc Diệp (vợ ông Quyết) sở hữu, và 13 triệu cổ phiếu do Tập đoàn FLC sở hữu.
Đáng chú ý, các hợp đồng tín dụng giữa được triển khai đồng loạt sau khi Tập đoàn FLC và ngân hàng OCB cũng từng ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược vào ngày 19/1/2019.
Tương tự, khoản vay của FLCHomes tại Sacombank là gần 400 tỷ đồng có thời hạn 15 năm, mục đích là bù đắp vốn tự có đã chi. Tài sản bảo đảm gồm 57,5 triệu cổ phần Bamboo Airways do ông Trịnh Văn Quyết sở hữu và toàn bộ tài sản/quyền tài sản thuộc và/hoặc liên quan đến dự án sân golf Hạ Long.
Bên cạnh đó, FLCHomes cũng vay gần 200 tỷ đồng tại Ngân hàng TMCP Quốc Dân để bổ sung vốn lưu động. Tài sản bảo đảm gồm 30 triệu cổ phiếu Bamboo Airways do vợ chồng ông Quyết – bà Diệp sở hữu và 30 triệu cổ phiếu BAV thuộc sở hữu tại Tập đoàn FLC.
Được biết, dù không còn là công ty con của tập đoàn FLC, nhưng đến ngày 1/6/2021, ông Trịnh Văn Quyết vẫn sở hữu 56,5% - tương đương 904 triệu cổ phiếu Bamboo Airways. Trong tháng 9/2021, Bamboo Airways tăng vốn lên 18.500 tỷ đồng, tuy nhiên tỷ lệ nắm giữ của ông Quyết sau khi phát hành thêm cổ phiếu không được công bố.
Năm 2017, Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết từng được xếp hạng là người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với quy mô tài sản vốn hóa đạt 58.852 tỷ đồng (hơn 2 tỷ USD), tăng tới 25.046 tỷ đồng so với năm 2016.
Thời điểm đó, ông sở hữu 318,5 triệu cổ phiếu ROS, 135,3 triệu cổ phiếu FLC và 2,6 triệu cổ phiếu ART. Đây chính là lúc thị giá ROS, ART ở thời kỳ hoàng kim của nó với mức đỉnh lần lượt vượt 166.000 đồng/cp và 22.000 đồng/cp.
Tuy nhiên từ sau năm 2018, tài sản của ông Quyết trên sàn chứng khoán giảm dần, nguyên nhân chủ yếu do thị giá cổ phiếu trượt dốc và Chủ tịch FLC cũng bán bớt cổ phần. Rơi mạnh nhất chính là ROS khi có thời điểm năm 2020 thị giá chỉ còn ngang bằng giá một cốc trà đá (2.000 đồng/cp).
Đáng chú ý, cuối năm 2017, ông Quyết từng bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước xử phạt 65 triệu đồng vì không báo cáo về việc dự kiến giao dịch bán 57 triệu cổ phiếu FLC trong khoảng thời gian 20-24/10/2017.
Cuối năm 2021, các cổ phiếu "họ FLC" hồi phục cùng sức nóng của nhóm bất động sản. Khối tài sản của ông Quyết cũng nhanh chóng tăng lên, chủ yếu từ mã FLC. Từ mức giá 5.000 đồng/cp, FLC đã vươn lên mức hơn 22.000 đồng.
Tuy nhiên, từ sau phiên 7/1/2022, đà tăng của cổ phiếu này và "họ FLC" đã bị cắt đứt khi ông Trịnh Văn Quyết lại tái diễn hành vi "bán chui" cổ phiếu.
Lần này ông Quyết bị phạt 1,5 tỷ đồng và đình chỉ 5 tháng giao dịch chứng khoán cho vụ "bán chui" cổ phiếu của mình. Kết quả mã FLC cũng tuột dốc về vùng hơn 10.000 đồng/cp. Trong những phiên gần đây, các mã cổ phiếu "họ FLC" mới dần hồi phục nhẹ.
https://soha.vn/chu-no-cua-ong-trinh-van-quyet-va-tap-doan-flc-dang-la-nhung-ngan-hang-nao-20220329121556888.htmTheo Hải Yến
Doanh nghiệp và Tiếp thị