“Vinamilk tại sao lại cứ lao đầu liên tục như vậy, xin chuyên gia cho nhận định về mã cổ phiếu này”, một khán giả đặt câu hỏi đến CEO Passion Investment Lã Giang Trung trong chương trình Khớp lệnh ngày 28/3.
Nhắc đến Vinamilk, chắc hẳn nhiều cổ đông ngậm ngùi. Bắt đầu từ năm 2021, Vinamilk liên tục giảm giá và kết thúc phiên giao dịch sáng ngày 23/3/2022 vừa qua chỉ còn 76.600 đồng/cổ phiếu, tương đương mức giá hồi cuối tháng 3/2020. Như vậy, sau 2 năm Covid, Vinamilk đã quay về vạch xuất phát, dù VN-Index tăng gấp hơn 2 lần.
Việc liên tục giảm giá còn khiến Vinamilk ra khỏi top 10 doanh nghiệp lớn nhất trên sàn chứng khoán, dù cách đây 2 năm là doanh nghiệp lớn thứ 4 thị trường.
Từ tình huống của Vinamilk, ông Trung bật mí cách giúp các nhà đầu tư đánh giá nhanh một cách cơ bản bất kỳ một cổ nào trên thị trường chứng khoán. Hiện vốn hoá của Vinamilk là khoảng 157.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế năm 2021 là khoảng 10.600 tỷ đồng.
“Chúng ta nhìn thấy từ năm 2016 đến giờ, lợi nhuận sau thuế đi ngang quanh mức 10.000 tỷ đồng. Vinamilk đang có vốn hoá khoảng 150.000 tỷ, lợi nhuận sau thuế là 10.000 tỷ thì P/E vào khoảng 15 lần. Giá Vinamilk giảm trong mấy năm vừa rồi không phải vì Vinamilk kinh doanh kém đi mà vì thị trường định giá lại doanh nghiệp. Trước đây Vinamilk tăng trưởng rất tốt từ 20-30% mỗi năm thì có lúc thị trường định giá P/E trên 20 lần. Việc lợi nhuận của doanh nghiệp không tăng trưởng khiến thị trường giảm định giá xuống và giá cổ phiếu giảm mặc dù hoạt động kinh doanh vẫn ổn dù không tăng trưởng”, ông Lã Giang Trung phân tích.
Vinamilk liệu về mức giá bao nhiêu?
“Tôi có chia sẻ quan điểm đầu tư của tôi với cổ phiếu không còn tăng trưởng lợi nhuận thì P/E đâu đó khoảng 6-7 lần là hấp dẫn để đầu tư. Đối với quan điểm của tôi, thì Vinamilk là một doanh nghiệp tốt, quản trị doanh nghiệp tốt, tài chính tốt, thì tôi có thể chấp nhận mức P/E khoảng 8 lần. Tương đương mức vốn hoá khoảng 80.000 tỷ đồng, nghĩa là tôi có thể chấp nhận mức giá bằng một nửa lúc này”, CEO Passion Investment chia sẻ thêm.
Theo chuyên gia này, thông qua chỉ số P/E nhà đầu tư có thể hiểu phần nào định giá doanh nghiệp mà chưa cần đi sâu. P/E có thể hiểu là giá bạn phải trả cho lợi nhuận bạn nhận được. Nếu giả sử chúng ta sở hữu được 100% công ty này. Ví dụ công ty có vốn hoá 10.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 1.000 tỷ đồng thì P/E là 10, thì cần 10 năm chúng ta mới thu hồi được vốn. Nếu vẫn công ty 10.000 tỷ đồng này đem về 2.000 tỷ đồng lợi nhuận thì P/E là năm và chúng ta chỉ mất 5 năm để thu hồi vốn. Chỉ số này rất đơn giản, trực quan và dễ. Nếu P/E càng thấp với giả định lợi nhuận không đổi thì thu hồi vốn càng nhanh.
“Nếu bây giờ đi mua cổ phiếu Vinamilk, tôi cảm giác nó vẫn là bộ phim hay nhưng chúng ta mua giờ chưa chiếu và phải chờ đợi rất mệt mỏi. Giống như việc 9h tối mới chiếu phim và chúng ta đi mua lúc 9h sáng đã đi mua trong khi có rất nhiều phim khác lúc 10h, 12h tự nhiên thấy mọi người hú hét trong rạp và mình không được xem vì tiền đấy mình đã mua Vinamilk lúc 9h tối rồi. Nên chúng ta cân nhắc 9h chiếu phim thì 8h chúng ta mua vé thì lúc đấy cũng đỡ chờ đợi mệt mỏi hơn.”, host Hoàng Nam ví von thêm.
http://tintuc.vdong.vn/03/1292049.htmMộc An
Theo Trí Thức Trẻ