Chiều 29-3, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có buổi làm việc với Tỉnh ủy Đồng Tháp về thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước về phát triển kinh tế - xã hội, kinh tế tập thể, hợp tác xã.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc
Báo cáo với Chủ tịch nước, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong cho biết năm 2021, việc thực hiện mục tiêu kép "vừa phòng chống dịch vừa phát triển kinh tế - xã hội" đạt được nhiều kết quả quan trọng, bảo vệ và giảm thiểu thấp nhất tác động của dịch Covid-19 đến sức khỏe và tính mạng người dân, đảm bảo an sinh xã hội, nhanh chóng tái mở cửa kinh tế ngay khi dịch Covid-19 được kiểm soát.
Riêng trong quý I năm 2022, tình hình kinh tế - xã hội tiếp tục chuyển biến tích cực, khởi sắc; phục hồi trên hầu hết lĩnh vực, hướng tới cả năm hoàn thành đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra.
Về phát triển hợp tác xã, tính đến đầu năm 2022, toàn tỉnh có 214 hợp tác xã (tăng 67% so với thời điểm 31-12-2001). Trong đó, có 209 hợp tác xã đang hoạt động, tổng số thành viên khoảng 55.000 người, vốn điều lệ trên 240 tỉ đồng, vốn hoạt động trên 1.100 tỉ đồng.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tham quan Cánh đồng sản xuất lúa tiên tiến tại Hợp tác xã Mỹ Đông 2, huyện Tháp Mười
Ông Lê Minh Hoan – Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - mong muốn qua chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch nước tại Đồng Tháp, sẽ có những chính sách mới, góp phần nâng tầm nhìn, chiến lược mới cho kinh tế tập thể.
"Từ hiệu quả của mô hình Hội quán, hợp tác xã cho thấy, manh mún, nhỏ lẻ là cái bẫy của ngành nông nghiệp; chỉ có hợp tác, liên kết là con đường dẫn đến thành công và phát triển bền vững.
Phát triển hợp tác xã không chỉ vì mục tiêu là mang lại thu nhập cao, mà còn nâng cao năng lực quản trị, cách thức tổ chức, hình thành thói quen làm nông sản sạch, bảo vệ môi trường, thói quen mua chung, bán chung, dùng chung…" - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp Lê Quốc Phong trình bày kiến nghị
Tại buổi làm việc, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp đề xuất trung ương tiếp tục quan tâm ưu tiên nguồn vốn đầu tư phát triển hạ tầng giao thông trên địa bàn, đặc biệt là các tuyến cao tốc; kiến nghị thành lập "Trung tâm đầu mối nông sản và thuỷ sản nước ngọt vùng Đồng Tháp Mười".
Bên cạnh đó, kiến nghị trung ương chấp thuận nâng cấp cửa khẩu quốc tế Thường Phước thành cửa khẩu quốc tế đường bộ, đường sông; cặp cửa khẩu Thường Phước (Đồng Tháp) - KohRoKa (Prây-veng) được bổ sung vào Nghị định thư vận tải đường bộ giữa hai nước Việt Nam và Campuchia…
Về phát triển kinh tế tập thể, Đồng Tháp kiến nghị trung ương xem xét, ban hành Nghị quyết mới về phát triển kinh tế tập thể; nghiên cứu, xem xét tách quy định về phát triển hợp tác xã nông nghiệp thành một quy định riêng để tiến dần đến ban hành luật về hợp tác xã nông nghiệp...
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bày tỏ sự phấn khởi khi Đồng Tháp không ngừng phát triển, diện mạo nông thôn thay đổi tích cực, hạ tầng đô thị phát triển, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 1,36%...
Đáng chú ý, việc cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của Đồng Tháp liên tục đứng trong tốp dẫn đầu cả nước thông qua PCI, trong đó có nhiều tập đoàn kinh tế lớn đã và đang tìm hiểu đầu tư tại địa phương.
Đồng Tháp cũng làm tốt công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 một cách quyết liệt, tinh thần trách nhiệm cao. Tình hình an ninh, trật tự an toàn xã hội ổn định; công tác xây dựng Đảng được quan tâm, đoàn kết trong Đảng, uy tín của Đảng trong dân ngày càng được nâng cao.
Bên cạnh ghi nhận những kiến nghị của tỉnh Đồng Tháp, Chủ tịch nước cũng chỉ rõ tỉnh này vẫn còn nhiều khó khăn, như: Quy mô kinh tế còn nhỏ, sức cạnh tranh còn thấp, đội ngũ doanh nghiệp còn ở mức nhỏ và vừa, thu hút FDI chưa nhiều, cơ sở hạ tầng còn hạn chế, nhất là hạ tầng kết cấu, công nghiệp chế biến còn ít...
Chủ tịch nước và các thành viên đoàn công tác chụp ảnh lưu niệm với lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp
Chủ tịch nước đề nghị Đồng Tháp tiếp tục đặt mục tiêu phấn đấu cao hơn, là tỉnh tiên phong, đi đầu khu vực ĐBSCL trên các mặt. Muốn vậy, tỉnh cần hoàn thiện quy hoạch tỉnh đảm bảo khoa học, lâu dài gắn với quy hoạch vùng; tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới, phát triển thêm ngành hàng mới, chú trọng ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất.
Về phát triển kinh tế tập thể, Chủ tịch nước nhấn mạnh đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng nhằm mang lại giá trị, lợi ích tốt cho xã viên, nông dân. Chủ tịch nước đề nghị tiếp tục nghiên cứu và nhân rộng mạnh mẽ mô hình hợp tác xã kiểu mới tại Đồng Tháp; phát huy tinh thần tự chủ, liên kết, hợp tác; khuyến khích người dân tham gia Hội quán; tập trung phát triển về kinh tế số (trước mắt là lĩnh vực nông nghiệp), kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế đô thị.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tin tưởng với tinh thần đoàn kết, sáng tạo, phát huy chủ trương chung của Đảng và nhà nước, Đồng Tháp – Đất Sen hồng sẽ tiếp tục gặt hái nhiều thành quả quan trọng và phát triển trong thời gian tới.
Chủ tịch nước thăm các mô hình kinh tế tập thể và hợp tác xã
Sáng cùng ngày, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã đến thăm một số mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã điển hình trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp.