Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội quý I/2022 của Tổng Cục Thống kê công bố ngày 29/3, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân quý I/2022 so với cùng kỳ năm 2021 tăng 1,92%; CPI tháng 3/2022 tăng 1,91% so với tháng 12/2021 và tăng 2,41% so với cùng kỳ năm 2021.
Nguyên nhân khiến CPI quý I tăng do giá xăng dầu trong nước tăng 48,81% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI chung tăng 1,76 điểm phần trăm); giá gas tăng 21,04% (tác động làm CPI chung tăng 0,31 điểm phần trăm). Giá vật liệu bảo dưỡng nhà ở tăng 8,08% so với cùng kỳ năm trước do giá xi măng, sắt, thép, cát tăng theo giá nguyên nhiên vật liệu đầu vào (tác động làm CPI chung tăng 0,16 điểm phần trăm). Giá gạo tăng 1,1% so với cùng kỳ năm trước (tác động làm CPI chung tăng 0,03 điểm phần trăm) do giá gạo trong nước tăng theo giá gạo xuất khẩu và nhu cầu tiêu dùng gạo nếp và gạo tẻ ngon trong dịp Tết Nguyên đán và rằm tháng Giêng tăng cao.
Trong khi các nhóm hàng hóa khác tăng thì giá thịt heo lại có xu hướng giảm. Ảnh Thanh Hoa |
Có nhiều nhóm hàng hóa tăng giá do tác động từ xăng dầu. Trong đó, giao thông, giá vận tải hành khách bằng đường bộ tăng 0,8% so với tháng trước, nhóm nhà ở và vật liệu xây dựng tăng 1,49%. Nhóm may mặc, mũ nón, giày dép tăng 0,12% do giá xăng dầu và chi phí sản xuất tăng...
Ở chiều ngược lại, giá một số mặt hàng thực phẩm lại có xu hướng giảm 1,2% so với cùng kỳ năm trước. Giá thịt heo giảm 21,55%, mỡ ăn giảm 22,6%; theo đó giá thịt chế biến giảm 4,63%.
Lạm phát cơ bản tháng 3/2022 tăng 0,29% so với tháng trước, tăng 1,09% so với cùng kỳ năm trước. Trong quý I/2022, lạm phát cơ bản bình quân tăng 0,81% so với bình quân cùng kỳ năm 2021.
Thanh Hoa
Xem thêm: lmth.2520641a-hnam-gnat-2202-i-yuq-ipc-neihk-uad-gnax/nv.moc.enilnounuhp.www