TP.HCM dù vừa trải qua thời gian khó khăn do ảnh hưởng của dịch COVID-19. Thế nhưng tình hình mua bán bất động sản đã sôi động trở lại. Trên các trang mua bán bất động sản có hàng trăm tin rao bán nhà đất với giấy tờ pháp lý là “công chứng vi bằng”, dù các cơ quan chức năng đã cảnh báo nhiều về vấn đề này.
Giao dịch này chủ yếu đối với nhà đất chưa có giấy tờ hợp lệ với giá rẻ khoảng một nửa so với nhà đất chuyển nhượng đúng quy định pháp luật. Với việc mua nhà đất ở hình thức này, người mua có thể bị mất trắng.
Nhà ba tầng giá chưa đến 2 tỉ đồng
Theo Nghị định 08/2020, các văn phòng thừa phát lại không được lập vi bằng ghi nhận sự kiện để chuyển quyền sử dụng đất. Sở Tư pháp TP.HCM cũng đã có văn bản nhắc tất cả văn phòng thừa phát lại trên địa bàn TP về vấn đề này. Tuy nhiên, thực tế chuyện rao bán nhà qua hình thức vi bằng vẫn diễn ra.
Vào các trang mạng mua bán nhà đất tìm kiếm nhà đất giá rẻ sẽ ra hàng trăm kết quả với những căn nhà có diện tích 30-70 m2, mặt tiền đường rộng hơn 4 m ở quận 12, huyện Hóc Môn, huyện Bình Chánh nhưng chỉ có giá khoảng vài trăm triệu đồng, được rao bán qua hình thức vi bằng.
Trong vai một người mua nhà, PV được một người tên G (chuyên môi giới bất động sản) giới thiệu là môi giới nhà đất và hiện nay anh có hơn 10 căn nhà được chủ gửi bán. Những căn nhà được chủ gửi bán có diện tích khoảng 24-40 m2, diện tích sử dụng gần 100 m2 nhưng giá rất rẻ, chưa đến 2 tỉ đồng.
Với mong muốn tìm căn nhà có ba phòng ngủ, hẻm xe hơi với giá dưới 2 tỉ đồng, PV được cò G dẫn đến một con hẻm trên đường Bùi Công Trứ, phường Thạnh Xuân, quận 12 để xem. Căn nhà được cò G giới thiệu là nhà liền kề, với hơn 20 căn được xây dựng kết cấu giống nhau và sử dụng chung con hẻm rộng khoảng 3 m.
Các hộ dân tại hẻm 171 đường TX 52, phường Thạnh Xuân, quận 12, TP.HCM xót xa khi mua giấy tờ nhà qua vi bằng, sau đó dãy nhà này đã bị cưỡng chế tháo dỡ phần xây sai phép. Ảnh: MINH TÂM
Một căn nhà được rao bán qua “công chứng vi bằng” trên một trang mạng vào ngày 29-3. Ảnh: N.HIỀN
Vi bằng không có giá trị trong việc chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Ảnh: HỮU ĐĂNG
Theo cò G, căn nhà ở đây có diện tích 3,5 x 11 m, ba tầng, sân thượng với diện tích sử dụng hơn 100 m2, được chủ bán với giá 1,295 tỉ đồng. “Về mặt pháp lý, những căn nhà này có sổ chung và đã được hoàn công. Trước đây các chủ cũ mua qua hình thức vi bằng, hiện nay chỉ cần chờ vài tháng sẽ tách sổ ra cho từng người đứng tên luôn” - cò G nói.
Tuy nhiên, khi xem giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất mà cò G cung cấp thì dãy nhà trên do một người khác đứng tên trong giấy chứng nhận. Dãy nhà được xây dựng với diện tích hơn 700 m2 là nhà cấp ba. Trong giấy chứng nhận chỉ thể hiện đây là một căn nhà chứ không phải nhiều căn như hiện trạng thực tế.
Tương tự, tại huyện Hóc Môn cũng có rất nhiều thông tin rao bán những căn nhà với diện tích hơn 40 m2, ba lầu, diện tích sử dụng hơn 100 m2 với kết cấu căn nhà rất sang trọng. Tuy nhiên, những căn nhà này lại được rao bán qua hình thức vi bằng.
Nhà bị cưỡng chế, đất cầm ngân hàng
Cả năm nay, 16 hộ dân đang sinh sống tại hẻm 171 đường TX 52, phường Thạnh Xuân, quận 12 vẫn chưa hết xót xa vì những căn nhà mà họ mua ở đã bị chính quyền địa phương cưỡng chế tháo dỡ phần xây trái phép. Còn phần đất, theo thông tin đã bị ngân hàng thông báo phát mại bởi chủ đất đã lấy giấy chứng nhận đi thế chấp và đã vi phạm hợp đồng vay.
Theo bà NTH, một người dân sống tại địa chỉ hẻm 171 đường TX 52, cho biết năm 2019 bà mua căn nhà ở địa chỉ trên, diện tích hơn 30 m2, gồm một trệt, hai lầu, bán với giá 1,5 tỉ đồng.
Lúc mua, bà H chỉ lập vi bằng việc giao nhận tiền giữa hai bên, theo hứa hẹn với chủ bán thì chờ vài tháng sẽ được tách từng sổ riêng.
Thế nhưng tháng 6-2019, khi bà vừa chuyển về ở thì đến tháng 8-2019, ngân hàng đến dán thông báo sẽ thu hồi, phát mại khu đất này.
Ngoài ra, Thanh tra Sở Xây dựng, UBND phường Thạnh Xuân cũng đưa quyết định cưỡng chế tháo dỡ bởi căn nhà này xây dựng sai giấy phép.
Liên quan đến khu nhà xây sai phép ở địa chỉ tại hẻm 171 đường TX 52, phường Thạnh Xuân thì sáng 5-3-2021, cơ quan chức năng đã xuống cưỡng chế tháo gỡ phần xây dựng không phép. Nguyên do là khu nhà trên được chủ đất xin giấy phép xây dựng nhà ở riêng lẻ với thiết kế một trệt, hai lầu. Tuy nhiên, khi xây dựng thì lại chia thêm nhiều cửa và xây thêm nhiều cầu thang. Vì thế, cơ quan chức năng phải cưỡng chế những phần xây sai giấy phép được cấp.
Tương tự, tại đường TX 52, khu phố 4, phường Thạnh Xuân cũng xảy ra tình trạng chủ đất xây dựng sai phép, phân ra nhiều căn để bán thông qua hình thức vi bằng hoặc giấy tay.
ông LVT, một người dân sống tại khu vực này, cho biết: “Khu vực này có hơn 10 căn nhà, được ông T chủ đất bán cho người dân bằng giấy tay hoặc vi bằng. Khi bán, ông T hứa vài tháng sẽ làm thủ tục tách thửa và cấp sổ cho từng người. Tuy nhiên, giấy tờ nhà đâu chẳng thấy, chỉ thấy phường ra thông báo cưỡng chế đập những cầu thang và bít cửa. Giữa tháng 4-2021, phường đã xuống thực hiện lệnh cưỡng chế. Người dân nơi đây chỉ biết dựng tạm lại cửa để tiếp tục sinh sống ở đây chứ không còn nơi nào để đi”.
Câu chuyện xót lòng này đã cũ nhưng bài học cho những người mua nhà qua hình thức vi bằng thì vẫn còn nguyên giá trị.•
Địa phương dựng bảng cảnh báo đến người dân Đối với việc xử lý những công trình xây sai phép, chức năng của phường chỉ là đơn vị phối hợp cùng các cơ quan liên quan thực hiện việc cưỡng chế. Ngoài ra, tại các công trình xây sai phép, phường cũng đã tuyên truyền để người dân tránh mua nhà đất thông qua hình thức lập vi bằng bởi sẽ có rất nhiều rủi ro. Cụ thể, phường đã gắn bảng cảnh giác đề nghị người dân không mua nhà ba chung là chung giấy chứng nhận, chung giấy phép xây dựng và chung số nhà để tránh nguy cơ rủi ro. Ông NGUYỄN TIẾN ĐẠT, Chủ tịch |