Ngày 29/3, Cơ quan điều tra Bộ Công an ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can với ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch hội đồng quản trị Công ty CP Tập đoàn FLC, để điều tra tội thao túng thị trường chứng khoán.
Cơ quan điều tra đã áp dụng biện pháp bắt bị can để tạm giam, đồng thời ra lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc của Chủ tịch FLC Trịnh Văn Quyết để phục vụ điều tra. Viện Kiểm sát nhân dân tối cao đã phê chuẩn các quyết định và lệnh trên.
Kinh doanh đa ngành
Nhìn lại bức tranh kinh doanh của Tập đoàn FLC trong năm vừa qua, theo báo cáo tài chính hợp nhất quý IV/2021 doanh nghiệp công bố, lũy kế cả năm 2021, doanh thu thuần của Tập đoàn đạt gần 6.772 tỷ đồng và lãi sau thuế đạt 83,6 tỷ đồng, lần lượt giảm 50% và 73% so với năm 2020.
So với kế hoạch kinh doanh 15.250 tỷ đồng doanh thu và 880 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, FLC mới thực hiện được 45% chỉ tiêu doanh thu và vỏn vẹn 9,5% chỉ tiêu lợi nhuận năm đề ra trước đó..
Tổng tài sản doanh nghiệp tính đến cuối năm ghi nhận giảm 10,7% so với hồi đầu năm về mức 33.787 tỷ đồng. Trong đó, tiền và tương đương tiền giảm mạnh 85,5% về còn xấp xỉ 176 tỷ đồng. Song khoản chứng khoán kinh doanh tăng từ 3,7 tỷ đồng lên hơn 264,7 tỷ đồng đầu tư vào 3 mã AMD, HAI và KLF; riêng mã HAI chiếm 260 tỷ đồng.
Trong "năm Covid-19" thứ hai tại Việt Nam, FLC đã khởi công nhiều dự án trọng điểm, thiết lập đường bay thẳng tới Mỹ cùng nhiều đường bay nội địa mới, đẩy mạnh hoạt động xã hội.
Trong lĩnh vực bất động sản, dù ảnh hưởng của dịch bệnh nhưng FLC vẫn đã triển khai hàng loạt dự án như khởi công giai đoạn 2 FLC Quảng Bình, khu du lịch nghỉ dưỡng sinh thái cao cấp FLC Hà Giang, quần thể nghỉ dưỡng và đô thị sinh thái FLC Gia Lai, ra mắt dự án FLC Eo Gió Quy Nhơn...
Bên cạnh đó, FLC tiếp tục để lại dấu ấn với hàng chục sản phẩm đa dạng tích hợp các dịch vụ về hàng không, lưu trú, sân golf..., cùng chuỗi hoạt động kích cầu, quảng bá, xúc tiến du lịch sôi nổi tại nhiều thị trường lớn trải dài từ Bắc vào Nam như Hà Nội, Thanh Hóa, Quảng Ninh, Bình Định.
Theo ông Trịnh Văn Quyết, Chủ tịch FLC, năm 2021 các doanh nghiệp đã vững vàng hơn nhiều về tâm thế và nguồn lực khi đối phó với đại dịch. Cụ thể với FLC, tập đoàn đã kích hoạt tinh thần thời chiến trên toàn hệ thống, để ngay cả trong giãn cách bộ máy cũng không "đứng im". Doanh nghiệp tận dụng khoảng thời gian này để chuẩn bị hàng loạt sản phẩm, dịch vụ "đo ni đóng giày" cho các nhu cầu mới của thị trường.
Theo người đứng đầu FLC, đây cũng là cơ hội để doanh nghiệp có thể nhìn sâu hơn vào các vấn đề của bộ máy.
"Đâu đó có lỗ hổng thì đây là thời điểm tái cấu trúc, rà soát những vấn đề quản trị, vận hành, chi phí, hoàn thiện những gì đang vướng, đang thiếu. Để ngay mở cửa trở lại chúng ta có thể phục hồi với tốc độ nhanh nhất trên tất cả các lĩnh vực", ông Quyết từng chia sẻ.
Mặc dù vậy, trong năm, Tập đoàn FLC và bản thân ông Trịnh Văn Quyết đã nhiều lần bị Ủy ban Chứng khoán Nhà nước "sờ gáy" vì những hành vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và thị trường chứng khoán hay hành vi công bố thông tin sai lệch tại doanh nghiệp cũng như trên thị trường.
Hơn 24.000 tỷ đồng nợ phải trả
Dù rằng được cho là đã cố gắng vượt qua đại dịch để đạt được những kết quả kinh doanh như trên nhưng doanh nghiệp này vẫn đang ghi nhận nhiều khoản nợ tổng cộng lên tới hơn 24.000 tỷ với khoản lãi phải trả hàng năm lên đến cả nghìn tỷ đồng.
Tập đoàn FLC (MCK: FLC) đang có 24.065 tỷ đồng nợ phải trả tại thời điểm 31/12/2021. Trong đó bao gồm các khoản vay ngắn hạn, nợ dài hạn đến hạn trả, vay trung dài hạn và trái phiếu.
Tổng dư nợ của FLC chiếm 18,3% tổng nguồn vốn tại ngày cuối năm, cao gấp 2,5 lần nguồn vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp. Đa phần nợ của FLC là các khoản người mua trả tiền trước và phải trả ngắn hạn, dài hạn.
Riêng nợ vay và thuê tài chính là hơn 7.205 tỷ đồng, tăng hơn 685 tỷ đồng so với hồi đầu năm ngoái. Tổng nợ vay ngân hàng chỉ khoảng 6.200 tỷ đồng, chiếm gần 26% nợ phải trả. Trong năm 2021, chi phí lãi vay của FLC là 375 tỷ đồng, giảm 33% so với năm trước và tương đương 91% lợi nhuận gộp của tập đoàn.
Chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC tại ngày 31/12/2021 là Ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (MCK: STB) với tổng nợ là hơn 1.840 tỷ đồng. Xếp ở vị trí thứ 2 là Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV, MCK: BID) với 1.747 tỷ đồng. Tiếp sau là Ngân hàng TMCP Phương Đông (MCK: OCB) với dư nợ cho vay gần 1.400 tỷ đồng.
Trong đó, chủ nợ lớn nhất của Tập đoàn FLC cuối năm 2021 là Sacombank với tổng dư nợ ngắn hạn cũng như dài hạn là hơn 1.840 tỷ đồng. Đầu năm 2021, FLC không có dư nợ tại Sacombank. Tập đoàn này bắt đầu vay nợ Sacombank sau lễ ký kết hợp tác toàn diện ngày 9/4/2021 giữa Sacombank với Bamboo Airways và hệ sinh thái liên quan tới hãng hàng không này.
Cả Tập đoàn FLC và Bamboo Airways đều do ông Trịnh Văn Quyết làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. FLC từng là công ty mẹ sở hữu 100% vốn của Bamboo Airways và hiện nay vẫn là một cổ đông lớn.
Dù không còn là công ty con của tập đoàn FLC, nhưng đến ngày 1/6/2021, ông Trịnh Văn Quyết vẫn sở hữu 56,5%, tương đương 904 triệu cổ phiếu Bamboo Airways. Trong tháng 9/2021, Bamboo Airways tăng vốn lên 18.500 tỷ đồng, tuy nhiên tỉ lệ nắm giữ của ông Quyết sau khi phát hành thêm cổ phiếu không được công bố.
Trên báo cáo tài chính riêng của tập đoàn mẹ, FLC cho biết tỉ lệ nắm giữ tại Bamboo Airways của hãng đến cuối năm 2021 đã giảm về 21,7%, thấp hơn thời điểm tháng 6/2021.
Từ tháng 10/2021 đến tháng 1/2022, vợ chồng ông Trịnh Văn Quyết đã dùng xấp xỉ 160 triệu cổ phần tại Bamboo Airways để làm tài sản thế chấp cho các khoản vay của Tập đoàn FLC tại Sacombank.
Tiếp tục đứng sau Sacombank, BIDV và OCB là Ngân hàng Quốc dân (NCB) với 634 tỷ đồng, Agribank với 169 tỷ đồng. Đáng chú ý, khoản vay tại NCB đang được đảm bảo bởi 60 triệu cổ phần BAV.
Nợ dài hạn đến hạn trả vào cuối năm 2022 của FLC cũng ghi nhận là 506 tỷ đồng, tăng gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái. Điều này đặt ra áp lực trả nợ không nhỏ đối với doanh nghiệp trong năm 2022. Trong đó, 3 chủ nợ chính lần lượt là BIDV Quy Nhơn (228 tỷ đồng), BIDV Đồng Bằng Sông Cửu Long (175,5 tỷ đồng) và Agribank Đông Gia Lai (60 tỷ đồng).
Phía FLC lý giải rằng đây đều là những khoản vay từ những năm trước đầu tư dự án, thế chấp tài sản hình thành từ vốn vay. Trong đó, BIDV Quy Nhơn cấp tín dụng dài nhất với thời hạn 192 tháng.
Huy động vốn qua kênh trái phiếu
Ngoài chủ nợ là các ngân hàng, FLC còn huy động vốn qua kênh trái phiếu, bao gồm trái phiếu ngắn hạn và trái phiếu dài hạn với tổng giá trị lên đến 1.018 tỷ đồng tính đến cuối tháng 12/2021. Có 2 ngân hàng đứng ra phát hành trái phiếu cho FLC là OCB, NCB và công ty chứng khoán MBS.
Hai khoản phát hành trái phiếu lớn của FLC trong năm 2021 được diễn giải là để phục vụ cho việc đầu tư vào dự án Khu đô thị du lịch sinh thái FLC Sầm Sơn (giai đoạn 2) và dự án Khu đô thị Tropical City 1 tại phường Hà Khánh, Hạ Long, Quảng Ninh (giai đoạn 1).
Cụ thể, ngày 29/9/2021, Tập đoàn FLC thông bố đã huy động xong 150 tỷ đồng trái phiếu riêng lẻ với kỳ hạn 2 năm, đáo hạn vào ngày 30/8/2022.
Sau đó 1 tháng, Doanh nghiệp tiếp tục đưa ra thông báo công bố kết quả phát hành thành công lô trái phiếu trị giá 430 tỷ đồng, kỳ hạn 3 năm, đáo hạn vào ngày 4/10/2024.
Như vậy, ngoài chủ nợ chính là các Ngân hàng với hơn 500 tỷ đồng nghĩa vụ nợ gốc đến hạn trong ngắn hạn thì FLC còn nghĩa vụ thanh toán trái phiếu đến hạn 150 tỷ đồng cũng trong năm 2022. Bên cạnh đó là nhiều khoản phải trả ngắn hạn, dài hạn của doanh nghiệp chiếm phần lớn trong tổng nợ chưa được liệt kê.