Năm 2021, người dân dồn vào siêu thị chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (hơn 75%) - Ảnh: QUANG ĐỊNH
Sau một năm nhiều biến động vì ảnh hưởng của dịch COVID-19, Saigon Co.op đặt mục tiêu tăng tốc phát triển mạng lưới trong năm 2022 song song đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số trong hoạt động bán lẻ.
Thực tế buộc bản thân Saigon Co.op cũng phải thay đổi để tăng sức cạnh tranh, cùng đối tác phát triển, cả hệ thống cần tập trung nguồn lực để cách tân nội tại ở tất cả hoạt động vận hành. Đây là mục tiêu quan trọng để tạo nền tảng tăng tốc trong năm 2022 và các năm tiếp theo với chủ đề "Vượt khó, Cách tân - Thị phần giữ vững".
Ông Nguyễn Anh Đức (tổng giám đốc Saigon Co.op)
Kênh online tăng 5 lần trong dịch bệnh
Kết thúc năm 2021, doanh số của Saigon Co.op đạt 30.671 tỉ đồng. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, công tác phát triển mạng lưới cũng bị ảnh hưởng nặng nề, chỉ phát triển thêm được gần 40 điểm bán mới gồm Co.opmart, Co.opFood, Co.opSmile, Cheers và Finelife.
Mạng lưới hệ thống cũng có những thay đổi khi các chuỗi mô hình bán lẻ nhỏ cũng tập trung rà soát, đóng cửa những điểm bán không hiệu quả và ngưng hợp tác với các Co.opFood nhượng quyền. Lý do: các đối tác không đáp ứng các điều khoản cam kết trong hợp đồng.
Tuy vậy, điểm sáng đáng chú ý là doanh số các kênh online như App SGC, Coop Online, App liên kết tăng trưởng tốt trong giai đoạn cao điểm dịch bệnh, cao hơn 5 lần so với trước giãn cách. Đây là nỗ lực rất lớn trong giai đoạn giãn cách xã hội, việc vận chuyển, điều phối hàng hóa gặp nhiều khó khăn. Không những vậy, chi phí cho phòng chống dịch của Saigon Co.op tăng rất cao.
Ông Nguyễn Anh Đức - tổng giám đốc Saigon Co.op - cho biết số tăng trưởng của thương mại điện tử đáng ra có thể tăng trưởng cao hơn nữa, nhưng kết quả cũng cho thấy hệ thống đã dồn sức và nỗ lực rất nhiều cho quá trình chuyển đổi số từ số hóa trong quản trị doanh nghiệp, kinh doanh đến bán hàng.
Quá trình này diễn ra ở Saigon Co.op được thực hiện theo cách thức riêng, phù hợp với nhân lực, tài chính và lưu ý đến cả khách hàng, đối tác.
"Chúng tôi thực hiện chuyển đổi số theo ưu tiên của từng bộ phận cũng là sự liệu cơm gắp mắm với chi phí riêng, phù hợp hoàn cảnh. Như hiện nay, Saigon Co.op đang chuyển đổi liên quan đến công tác tự động hóa nhập liệu và vận hành logistics. Còn trong thương mại điện tử, chúng tôi phát triển kênh bán hàng nhằm kéo sự gần gũi hơn offline và online, tăng trải nghiệm mua sắm cho người dân, chứ không hẳn kéo toàn bộ khách offline lên online" - ông Anh Đức giải thích.
Thực tế, trong năm 2021, dù khách hàng dồn vào siêu thị rất đông khiến các điểm bán của Saigon Co.op luôn trong tình trạng quá tải nhưng siêu thị lại gồng mình chịu lãi âm...
Người dân chủ yếu mua thực phẩm tươi sống (hơn 75%), trong khi đây là ngành hàng có tỉ lệ lãi thấp nhất, chưa kể siêu thị đang bù lỗ chi phí tìm gom nguồn hàng, vận tải, kiểm dịch, hao hụt... đối với nhóm hàng hóa này.
Thay đổi để tăng sức cạnh tranh
Bước sang năm 2022, Saigon Co.op dự báo sẽ còn đối mặt với không ít khó khăn, thách thức. Thị trường bán lẻ Việt Nam tiếp tục thu hút sự thâm nhập của các tập đoàn bán lẻ nước ngoài, sự chuyển dịch trong cơ cấu bán lẻ Việt Nam từ loại hình thương mại truyền thống sang hiện đại diễn ra sâu sắc, hoạt động đầu tư góp vốn, mua bán và sáp nhập giữa các nhà bán lẻ trong và ngoài nước diễn ra liên tục, làm thay đổi cấu trúc và cục diện của ngành bán lẻ.
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam được dự báo có nhiều bước tiến đột phá và tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng cao nhờ vào những cải tiến vượt bậc, đặc biệt là dưới áp lực chuyển đổi số từ đại dịch COVID-19.
Bên cạnh đó, tâm lý và xu hướng tiêu dùng thay đổi; tính trách nhiệm với cộng đồng và bảo vệ môi trường trở thành xu thế của thời đại, tạo động lực cho sự phát triển bền vững và gây dựng niềm tin của khách hàng.
Một số mục tiêu kinh doanh chính gồm phấn đấu tăng doanh số 4,5% so với năm 2021, mở mới từ 3-5 trung tâm thương mại, đại siêu thị trên cơ sở cân nhắc kỹ thời điểm khai trương và hiệu quả đầu tư.
Bên cạnh đó, hệ thống cũng dự kiến mở từ 80 - 100 điểm bán lẻ nhỏ và kiên quyết đóng cửa hoặc chuyển đổi mô hình các điểm bán không hiệu quả. Để đạt được những mục tiêu trên, Saigon Co.op sẽ tập trung vào việc số hóa - điện toán hóa; Kho bãi và logistics; Thương mại điện tử; Tinh chuyển, chấn chỉnh các hoạt động...
Theo ông Bùi Tá Hoàng Vũ, giám đốc Sở Công thương TP.HCM, Saigon Co.op đã nhận diện được những thách thức mới của thị trường bán lẻ và sẵn sàng để tăng trưởng tốt hơn trong năm 2022. Với bối cảnh hiện nay, khi hành vi của người tiêu dùng cũng như phương thức mua sắm đã thay đổi đáng kể, nhà bán lẻ cũng phải thay đổi để đáp ứng nhu cầu mới đó.
Dịch bệnh cũng đặt ra sự bức thiết của chuyển đổi số. Bởi nếu không chuyển đổi số, không thay đổi trong quản lý, tổ chức thì nhà bán lẻ sẽ mất lợi thế rất lớn. Bên cạnh kênh bán hàng truyền thống, Saigon Co.op cần tiếp tục đầu tư thương mại điện tử với hệ thống dữ liệu, khách hàng đã xây dựng được trong năm qua.
Từ dịch bệnh cũng bộc lộ ra một số vấn đề cho thấy tầm quan trọng của tổ chức quản lý chuỗi cung ứng hàng hóa, logistics. Làm sao tối ưu hóa, chủ động được nguồn cung, giảm chi phí... những yêu cầu này không chỉ ý nghĩa trong dịch bệnh mà còn là sự phát triển bền vững của doanh nghiệp lâu dài.
"Con người, đội ngũ nhân sự là thế mạnh của Saigon Co.op với 18.000 cán bộ, công nhân viên, tất cả đã phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo trong giai đoạn khó khăn của năm 2021. Đây là tài sản lớn và rất đáng trân trọng", ông Vũ nhấn mạnh.
Đóng góp quan trọng, ý nghĩa cho hoạt động chống dịch của TP.HCM
Cao điểm dịch, Saigon Co.op vẫn nỗ lực cung cấp suất ăn cho các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, điểm tiêm chủng, chốt trạm - Ảnh: HỒNG CHÂU
Trong bối cảnh thiếu hụt nhân sự do dịch, nhưng Saigon Co.op vẫn nỗ lực tối đa để phục vụ cung cấp suất ăn cho các khu cách ly tập trung, bệnh viện dã chiến, điểm tiêm chủng, chốt trạm... đây cũng là một trong các nhiệm vụ trọng tâm thành phố giao, tổng số suất ăn trong giai đoạn cao điểm dịch có lúc tăng lên hơn 46.000 suất ăn/ngày.
Saigon Co.op cũng hỗ trợ kịp thời 1.000 "Túi an sinh" gồm các thực phẩm thiết yếu, trị giá 200.000 đồng/phần đến công đoàn viên công đoàn, người lao động bị ảnh hưởng COVID-19 vượt qua khó khăn, đảm bảo lực lượng lao động tiếp tục sản xuất, kinh doanh cùng doanh nghiệp.
TTO - Nhiều nhà bán lẻ lớn đã hoàn tất điều chỉnh các mặt hàng theo mức giá mới nhờ giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) xuống 8% theo nghị định 15/2022 của Chính phủ về chính sách miễn, giảm thuế kể từ ngày 1-2.
Xem thêm: mth.87950928003302202-2202-man-gnort-cot-gnat-es-el-nab/nv.ertiout