Khảo sát của VnExpress dọc quốc lộ 1A (quận 12), quốc lộ 13 (Bình Thạnh), Phổ Quang, Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp)... thanh long được bán đầy đường với giá 5.000-7.000 đồng một kg, dưa hấu 5.000-8.000 đồng. Đặc biệt, dưa hấu không hạt loại 1 dành cho xuất khẩu chỉ 10.000-12.000 đồng một kg.
Anh Cường, người bán trên đường Phổ Quang (Tân Bình) cho biết, hơn tuần nay, dưa hấu không hạt tại các nhà vườn Long An không có thương lái thu mua để xuất khẩu. Do đó, hai vợ chồng anh quyết định nhập về bán giúp người nông dân.
"Loại này mọi năm giá 25.000 đồng một kg, nay không xuất khẩu được nên chúng rớt giá 50%", anh Cường nói.
Theo anh này, giá thành để sản xuất ra một kg dưa hấu không hạt là 7.000-8.000 đồng một kg. Do đó, năm nay dù được mùa nhưng người trồng vẫn phải bán dưới giá thành. "Để hỗ trợ nông dân, tôi thu mua của họ với giá 8.000 đồng và vận chuyển lên thành phố bán với giá 12.000 đồng một kg", anh nói.
Tương tự, với thanh long, anh Hoàng, người bán trên đường Nguyễn Thái Sơn (Gò Vấp) cho biết, việc bán này gần như không có lời vì chi phí vận chuyển cao, trái cây dễ hư hỏng và hao hụt. "Không có lãi những tôi vẫn cố gắng bán giúp người nhà để thu được đồng nào hay đồng đó", anh Hoàng nói.
Tại Hà Nội, trên một vài con đường, nhiều đơn vị cũng rao bán thanh long, dưa hấu, mít với giá giải cứu 5.000 đồng một kg.
Anh Thành, ở Long Biên cho biết vừa bán xong lô 200 thùng chuối với giá siêu rẻ. Riêng mít và dưa hấu sẽ thông báo hỗ trợ bán tiếp khi các xe chở mít và thanh long quay đầu trong ngày mai.
"3 tháng nay, giá trái cây xuất khẩu rớt mạnh, đa phần chúng tôi mua bán để hỗ trợ tài xế và doanh nghiệp chứ lợi nhuận không bao nhiêu. Đặc biệt, mặt hàng chuối, mít chỉ bán trong 2-3 ngày, vì để lâu chúng sẽ hỏng", anh Thành nói.
Không chỉ tràn ra vỉa hè, trái cây còn được rao bán rầm rộ trên mạng với giá rẻ. Trong đó, dưa hấu được bán theo set 10 kg, giá 50.000 đồng, tức chỉ 5.000 đồng một kg, chuối thùng 10 kg, giá 60.000 đồng, thanh long 40.000 đồng một thùng.
Chị Yến ở Hà Nội cho biết, cứ vài ngày lại có xe trái cây xuất khẩu quay đầu. Mỗi đợt xe quay đầu chị lại phải bán hỗ trợ cho tài xế khoảng 100-300 thùng hàng.
Thực trạng này xảy ra do việc xuất khẩu sang Trung Quốc bị tắc nghẽn 3 tháng nay. Nhiều xe trái cây chờ thông quan quá lâu sợ hàng hỏng, buộc quay đầu bán với giá rẻ.
Lãnh đạo một doanh nghiệp xuất khẩu chuối cho biết đã quay đầu xe bán "xổ" cho các mối buôn với giá thấp hơn cả giá mua vào tại vườn.
"Sau chuyến hàng này, chúng tôi quyết định ngưng thu mua một thời gian để tìm hướng xuất khẩu mới. Bởi, tình hình xuất khẩu qua cửa khẩu bằng đường bộ khó cải thiện trong năm nay nếu Trung Quốc vẫn siết chặt theo quy định phòng Covid-19", ông nói.
Báo cáo của Hải quan cửa khẩu Lạng Sơn cho thấy, tổng số phương tiện vận chuyển hàng hóa trên địa bàn tỉnh hôm 28/3 còn tồn 1.378 xe, trong đó có 1.062 xe hoa quả, 316 xe hàng khác, tăng 50 xe so với ngày trước đó.
"Số lượng xe quay đầu đã tăng nhiều so với các ngày trước. Nếu lượng xe lên cửa khẩu còn gia tăng thì nguy cơ quay đầu sẽ còn cao hơn", lãnh đạo hải quan Lạng Sơn cảnh báo.
Trước sức ép nhiều xe hàng xuất khẩu liên tục quay đầu và "xả hàng" giá rẻ, thương lái tại các thủ phủ nông sản cũng giảm mạnh việc thu mua ở vườn. Tại Gia Lai, Phú Yên, Bình Định, Phan Thiết, Long An... lượng thương lái đến vườn mua trái cây giảm tới 50%, khiến giá rớt thảm.
Chị Phạm Thanh Mai, thương lái thu mua nông sản ở Tây Nguyên cho biết, giá dưa hấu tại vườn còn 1.500 đồng một kg nhưng chị cũng không dám lấy nhiều, mỗi đơn hàng chỉ đặt khoảng 2-3 tấn.
"Vì khách nội địa đặt hàng ít nên mấy nay tôi chuyển qua thu mua mặt hàng khoai lang. Riêng dưa hấu, thanh long chỉ mua với số lượng theo đơn đặt hàng bằng 1/10 so với mọi năm", chị Mai nói.
Tại thủ phủ thanh long Bình Thuận, Long An, các thương lái ở đây cũng khá dè dặt. "Càng ôm hàng càng chết vì khó xuất khẩu. Trong khi đó, thị trường trong nước tiêu thụ với số lượng có hạn", chị Huệ, một thương lái ở Phan Thiết cho biết.
Báo cáo của Ban quản lý khu kinh tế Đồng Đăng - Lạng Sơn cho thấy, số lượng xe thông quan qua các cửa khẩu này còn khá chậm, số lượng xe ùn ứ liên tục gia tăng. Theo nhà chức trách, tỉnh đang có dự thảo tiếp tục thông báo tạm dừng nhận hàng hóa xuất khẩu tại các cửa khẩu của tỉnh. Cho nên, doanh nghiệp xuất khẩu cần cẩn trọng khi tiếp tục đưa hàng lên cửa khẩu thông quan.
Hồng Châu