Thời điểm 31 tuổi, giọng ca chính của nhóm nhạc rock The Rolling Stones, Mick Jagger cho biết mình sẽ giải nghệ vào năm 45 tuổi. Ấy vậy mà gần nửa thế kỷ sau, Jagger, dù đã bước sang tuổi 78, vẫn tiếp tục theo đuổi nghiệp ca hát. Quyết tâm thời trẻ của ông dần bị lãng quên, theo tờ The Guardian.
Câu chuyện của Mick Jagger dường như có vẻ xa lạ với đa số thế hệ trẻ ngày nay - những người đang theo đuổi trào lưu nghỉ hưu sớm. Ngay ở độ tuổi 25-30, họ, trong đó có những ngôi sao nổi tiếng, đã chọn gác lại sự nghiệp, dừng lo nghĩ quá nhiều về vật chất và bắt đầu sống một cuộc sống của riêng mình.
Trào lưu nghỉ hưu sớm
Ngôi sao quần vợt Australia Ash Barty là một minh chứng điển hình. Giữa tháng 3, thông tin cô gái trẻ này tuyên bố giải nghệ ở tuổi 25 đã khiến dư luận không khỏi ngỡ ngàng. Người ta thắc mắc về động lực thực sự trong quyết định bồng bột của Barty - tay vợt đang trong giai đoạn đỉnh cao nhất của sự nghiệp với vị trí số một đơn nữ thế giới.
Ngôi sao quần vợt Australia Ash Barty tuyên bố giải nghệ
Tờ The Guardian trích lời Barty cho biết thành công đã không mang lại cho cô sự thỏa mãn. "Một phần trong tôi chưa hài lòng và cảm thấy mình chưa hoàn thành tốt. Bây giờ chính là lúc để tôi theo đuổi những giấc mơ khác", Ash Barty nói.
Theo tay vợt người Anh Emma Raducanu, kế hoạch nghỉ hưu sớm của Barty minh chứng cho "sự ưu tiên các mục tiêu cá nhân". Quan điểm này nhận được phần lớn sự đồng tình của người trẻ. Đa số đều liên tưởng ngay tới câu chuyện của “người nhện” Tom Holland - người từng cân nhắc từ bỏ nghiệp diễn để trở lại với niềm đam mê khiêu vũ.
Brandon, một blogger người Mỹ cũng cho biết bản thân đã tiết kiệm đủ tiền để nghỉ hưu ở độ tuổi 30. Anh tin rằng thị trường việc làm hiện đại với đầy những bất ổn đã khiến nhiều lao động trẻ thay đổi lối suy nghĩ.
"Hãy nhìn vào sự sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu và bong bóng dotcom. Thế hệ chúng tôi nhận thức rất rõ, rằng công việc văn phòng 8 tiếng/ ngày sẽ không thể mang lại sự đảm bảo về tài chính", anh nói.
The Guardian cũng trích dẫn câu chuyện của Joe Olson, một giáo viên quyết định nghỉ hưu ở tuổi 29 sau khi đã tiết kiệm được một số tiền kha khá. Anh chia sẻ bạn bè mình cũng thường nói về các giá trị đích thực của cuộc sống thay vì cứ mãi theo đuổi vật chất: "Chúng tôi đều đồng tình rằng ngoài công việc, cuộc sống này còn rất nhiều điều thú vị khác nữa”.
“Người nhện” Tom Holland từng cân nhắc từ bỏ nghiệp diễn để trở lại với niềm đam mê khiêu vũ
Olson cũng cho biết nhận thức rõ ràng hơn về tầm quan trọng của sức khỏe tinh thần cũng là một trong những lý do khiến thế hệ trẻ ngày nay thay đổi quan niệm sống.
"Nghỉ hưu sớm không có nghĩa là buông xuôi hay bỏ cuộc. Chúng tôi chỉ không còn quan tâm nhiều đến tiền bạc nữa. Chúng tôi muốn một cuộc sống cân bằng hơn, hạnh phúc hơn".
Tại Hàn Quốc, phong trào nghỉ hưu sớm và độc lập tài chính cũng đang lan rộng trong bối cảnh nhiều người trẻ phải vật lộn với rủi ro thất nghiệp, vị trí không ổn định và chi phí sinh hoạt cao do đại dịch. Họ theo đó quyết định từ bỏ công việc và chuyển sang đầu tư để tích lũy tài sản cho tương lai.
Vào tháng 3 năm 2021, Investment and Securities đã khảo sát 2.536 người dân Hàn Quốc trong độ tuổi từ 25 đến 39 về việc nghỉ hưu sớm. Kết quả cho thấy rằng 65,9% đều mong muốn sớm có thể từ bỏ công việc hiện tại.
‘Chủ nghĩa nhiệt thành’ hay lối sống buông bỏ?
Theo Eliza Filby, cựu giảng viên lịch sử tại King's College London, việc nhiều người nổi tiếng về hưu sớm hoặc không hài lòng với sự thành công của chính mình đã cho thấy một xu hướng mới đang diễn ra bên trong thế hệ trẻ.
"Họ đang tiếp thu 'chủ nghĩa nhiệt thành' mới bằng việc sống theo cách của riêng mình. Đối với nhiều người trẻ ngày nay, những gì họ đang làm đôi khi không phản ánh con người thật", bà Eliza Filby nói.
Almuth McDowall, giáo sư tâm lý học tại trường Birkbeck thì cho rằng dịch COVID-19 đã trở thành động lực khiến nhiều người lựa chọn tạm dừng công việc hiện tại để định hướng lại cuộc sống: “So với các thế hệ trước, giới trẻ hiện nay đã hy sinh 2 năm thanh xuân của mình vì đại dịch. Họ đang suy nghĩ lại về cuộc đời và đưa ra những quyết định táo bạo”, giáo sư nhận định.
"Người trẻ giờ biết mình không thể mua được nhà, xe hơi và dần dần cũng không muốn làm những thứ đó nữa. Họ hài lòng với việc đi thuê nhà", nhà tâm lý học Sherridan Hughes cho biết, trong bối cảnh vật giá leo thang đang trở thành rào cản ngáng đường thế hệ trẻ tại Mỹ đạt được thành tựu tài chính đầu tiên trong cuộc đời: mua nhà.
Ngoài ra, theo Cary Cooper, giáo sư tâm lý học tại Manchester (Anh), dịch COVID-19 cũng đã chứng minh được rằng làm việc linh hoạt là hoàn toàn có thể và điều này càng khiến nhiều người trẻ từ bỏ công việc văn phòng gò bó.
"Các công ty đang phải tranh giành để thu hút và giữ chân nhân sự. Nhưng giới trẻ ngày nay không còn muốn chịu đựng một môi trường làm việc sẽ hủy hoại cuộc sống của mình", ông Cooper nói.
Theo: The Guardian
Vũ Anh
Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị