vĐồng tin tức tài chính 365

Đưa kinh tế biển lên tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu

2022-03-30 16:44

"Vươn ra biển"

Việt Nam có đường bờ biển dài 3,260 km (chưa bao gồm các đảo) nằm ở vị trí trung tâm của khu vực Châu Á – Thái Bình Dương, kề cận luồng vận tải hàng hóa trù mật bậc nhất thế giới đi qua Biển Đông với khoảng 70.000 lượt tàu bè qua lại hàng năm. Dân số 28 tỉnh, thành phố ven biển chiếm gần 50% dân số của cả nước. Quy mô kinh tế (GDP) biển và vùng ven biển Việt Nam bình quân đạt khoảng 47 - 48% GDP cả nước, trong đó, đóng góp chủ yếu là khai thác dầu khí, hải sản, hàng hải, du lịch biển. GDP của kinh tế thuần biển đạt khoảng 20 - 22% tổng GDP cả nước.

Cụ thể, trong lĩnh vực vận tải biển có hơn 90% lượng hàng xuất nhập khẩu được vận chuyển đi và đến Việt Nam bằng đường biển. Trữ lượng dầu mỏ khoảng 4,4 tỷ thùng, được xếp thứ 28 trong các quốc gia có trữ lượng dầu mỏ xác minh trên thế giới, đứng thứ nhì ở khu vực Đông Á. Tài nguyên thuỷ, hải sản phong phú, đa dạng và có giá trị kinh tế cao. Tổng sản lượng thủy sản năm 2020 đạt 8,15 triệu tấn (khai thác 3,77 triệu tấn, nuôi trồng đạt 4,38 triệu tấn); kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành thủy sản năm 2020 đạt 8,6 tỷ USD, chủ yếu là từ khai thác, chế biến hải sản biển. Du lịch biển chiếm khoảng 70% tổng thu từ du lịch của cả nước với gần 200 điểm du lịch và nghỉ dưỡng nằm ở các vùng ven biển trải dọc từ Bắc đến Nam.  

Đưa kinh tế biển lên tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu - Ảnh 1.

Việt Nam có nhiều tiềm năng về phát triển kinh tế biển

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), nền kinh tế đại dương "mới" trong tương lai được thúc đẩy bởi sự gia tăng dân số, tăng thu nhập, tài nguyên thiên nhiên đang cạn kiệt, ứng phó với biến đổi khí hậu và các công nghệ tiên phong. Dự báo, nhiều ngành công nghiệp đại dương mới sẽ nổi lên như: Năng lượng gió, thủy triều, sóng ngoài khơi; thăm dò và khai thác dầu khí ở vùng nước cực sâu và môi trường đặc biệt khắc nghiệt; nuôi trồng thủy sản xa bờ, khai thác đáy biển.

Những công nghệ tiên phong như cảm biến hình ảnh và vật lý, công nghệ vệ tinh, vật liệu tiên tiến, phân tích dữ liệu lớn, hệ thống tự điều khiển, công nghệ sinh học, công nghệ nano và kỹ thuật đáy biển sẽ giúp mở ra không gian mới cho sự phát triển. Tiềm năng dài hạn về đổi mới, tạo việc làm và tăng trưởng kinh tế trong các lĩnh vực này đối với Việt Nam là rất ấn tượng và giàu tiềm năng.

Đến nay, ngành du lịch của Việt Nam đang từng bước phục hồi. Với việc 13 hiệp định thương mại tự do (FTA) song phương và đa phương đã có hiệu lực, hiệp định RCEP mới được ký kết, cùng các FTA đang đàm phán, Việt Nam là một trong những nền kinh tế mở so với các quốc gia khác trên thế giới, tạo ra cơ hội lớn để phát triển.

"Trong bối cảnh hiện nay, phát triển kinh tế biển nổi lên như là một động lực tăng trưởng mới, bù đắp vào sự tăng trưởng chậm lại của kinh tế nội địa. Đồng thời, cũng là giải pháp để các quốc gia gia tăng ảnh hưởng tại các vùng biển, hải đảo, đặc biệt là các khu vực có nguồn lợi hải sản, trữ lượng tài nguyên, dầu mỏ lớn, các khu vực có tranh chấp và các khu vực có các tuyến thương mại quan trọng của thế giới. Đối với 28 địa phương ven biển, kinh tế biển chính là cơ hội để tỉnh bứt phá, nắm bắt cơ hội của thời cuộc để phát triển vươn lên mạnh mẽ" - Bí thư Tỉnh ủy Phú Yên Phạm Đại Dương thông tin.

Thế kỷ XXI được coi là kỷ nguyên của đại dương, việc "vươn ra biển" đã trở thành xu thế lớn, định hướng quan trọng của các quốc gia có biển và cả quốc gia không có biển.

Biến khó khăn thành thuận lợi, "cùng làm, cùng hưởng"

Hiện nay, mặc dù dịch COVID-19 gây ảnh hưởng, làm chậm tốc độ phát triển nhưng kinh tế biển vẫn là một động lực tăng trưởng mới, là cơ hội để Việt Nam bứt phá vươn lên. Để có thể nắm bắt được cơ hội này, các địa phương ven biển cần phải phát triển kinh tế biển trên quan điểm phải gắn với phát triển bền vững, hội nhập quốc tế, tận dụng được các thành tựu của cuộc cách mạng lần thứ tư và phải tính đến các yếu tố tác động do dịch COVID-19 mang lại.

Các ngành kinh tế biển chính ở Việt Nam gồm năng lượng tái tạo biển, dầu khí, thủy hải sản, du lịch, vận tải biển, môi trường, đa dạng sinh học và các dịch vụ sinh thái. Bên cạnh đó, nước ta còn có lợi thế vượt trội so với các quốc gia trong Tiểu vùng Mekong (gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Cambodia và Việt Nam) vì có tới 4/5 hành lang kinh tế của Tiểu vùng hướng tới Việt Nam để ra Biển Đông (Theo dự án nghiên cứu do ADB tài trợ năm 2006). Những lợi thế này đưa tới cơ hội to lớn cho phát triển logistics, biến Việt Nam trở thành đầu mối logistics cho cả khu vực. 

Đưa kinh tế biển lên tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu - Ảnh 2.

Sản phẩm của nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản của Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Thời gian gần đây, có thể thấy sự dịch chuyển của kinh tế toàn cầu theo hướng hội nhập tác động trực tiếp lên chính sách phát triển của các quốc gia. Vì hàng hóa được vận tải bằng đường biển là chính nên các quốc gia có biển có lợi thế hơn hẳn các quốc gia nằm sâu trong nội địa. Tại các quốc gia có biển, vùng đất ven biển cũng có lợi thế phát triển vượt trội so với phần còn lại. Lý do cơ bản là vì ở đó hàng hóa được vận chuyển nhanh hơn, việc đi lại dễ dàng hơn, với chi phí thấp hơn.

Hiện nay, do một số nguyên nhân, cả khách quan lẫn chủ quan khiến logistics Việt Nam chưa phát triển đúng tầm, chi phí logistics còn cao, nhưng theo đánh giá của các chuyên gia thì đó chỉ lả trong ngắn hạn. Với tiềm năng và lợi thế phát triển sẵn có, logistics Việt Nam chắc chắn sẽ phát triển bùng nổ trong tương lai gần.

Có thể thấy, cơ hội phát triển diễn ra ở cả 2 chiều. Một chiều là những sản phẩm của nuôi trồng, đánh bắt thuỷ hải sản của Việt Nam sẽ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Ở chiều kia, Việt Nam sẽ đón nhận dòng vốn đầu tư quốc tế vào các ngành kinh tế biển đầy tiềm năng, tạo ra cơ hội để phát triển các ngành này về cả quy mô lẫn trình độ.

Bên cạnh đó, việc thu hút đầu tư này không chỉ diễn ra trong các ngành mà Việt Nam đã phát triển mạnh như du lịch, nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thuỷ hải sản, dầu khí, cảng biển, vận tải đường biển… mà cả các ngành mới nổi như năng lượng tái tạo, năng lượng mới… Đó là, những thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư đang tạo ra cơ hội cho chúng ta phát triển các ngành nhanh hơn, bền vững hơn.

Đưa kinh tế biển lên tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu - Ảnh 3.

Du lịch vẫn là ngành kinh tế mũi nhọn

Ngày nay, với những công nghệ trí tuệ nhân tạo, thực tế ảo… ngành du lịch biển sẽ ngày càng trở nên thú vị hơn, hấp dẫn hơn đối với du khách. Với những công nghệ như Internet vạn vật, blockchain…, việc truy xuất, đảm bảo nguồn gốc đối với thuỷ hải sản, kiểm soát môi trường sẽ đơn giản hơn. Nhờ đó, sản phẩm của chúng ta sẽ đi vào các thị trường yêu cầu cao, giá trị cao như Châu Âu, Mỹ...

Thời gian qua, Đảng, Nhà nước ban hành và tổ chức thực thi nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về quản lý tài nguyên, môi trường biển và hải đảo như Nghị quyết số 36/NQ-TW ngày 22/10/2018 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XII về Chiến lược phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045.

Nhiều chuyên gia đề xuất, để phát triển kinh tế biển bền vững nhằm hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển và giàu lên từ biển, cần có sự tham gia của các cấp, các ngành, các địa phương, doanh nghiệp và người dân theo hướng tăng cường giáo dục nâng cao nhận thức cho người dân về tầm quan trọng của việc phát triển kinh tế biển; nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước và tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế biển.

Để làm được điều này đòi hỏi phải áp dụng các giải pháp xanh đối với các ngành kinh tế biển và cấp cộng đồng. Trước những thách thức, người dân đã biết biến khó khăn thành thuận lợi bằng cách chung tay với Nhà nước và chính quyền địa phương "cùng làm, cùng hưởng" để đưa kinh tế biển lên tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu.

* Mời quý độc giả theo dõi các chương trình đã phát sóng của Đài Truyền hình Việt Nam trên TV OnlineVTVGo!

Xem thêm: mth.87123250103302202-uac-naot-av-cuv-uhk-hnart-hnac-mat-nel-neib-et-hnik-aud/et-hnik/nv.vtv

Comments:0 | Tags:No Tag

“Đưa kinh tế biển lên tầm cạnh tranh khu vực và toàn cầu”0 Comments

Submit A Comment

Name:

Email:

Blog :

Verification Code:

Announce

Tools