Ngày 30-3, ĐH Quốc gia Singapore tổ chức phiên thứ hai của buổi hội thảo đánh giá 40 năm thành tựu của Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 (UNCLOS) với nhiều nội dung bàn về tác động và ảnh hưởng của văn kiện này lên hoạt động của các quốc gia thuộc Đông Nam Á.
An ninh - ổn định Đông Nam Á gắn liền UNCLOS
Theo hầu hết các học giả tham gia sự kiện, các vùng biển tại khu vực Đông Nam Á là những tuyến đường thông tin liên lạc trên biển trọng yếu bởi tiếp giáp với Thái Bình Dương và Ấn Độ Dương, đồng thời là đầu mối kết nối truyền thông và thương mại quốc tế. Các mối đe dọa an ninh phi truyền thống như cướp biển và đánh bắt cá trái phép đang ngày càng gây ra các tác động tiêu cực, ảnh hưởng đến các tuyến đường chiến lược này, bên cạnh những vấn đề luôn nóng như tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông. Hạn chế về kỹ thuật, công nghệ cũng gây cản trở cho việc chia sẻ thông tin và phối hợp hành động giữa các quốc gia trong khu vực.
Tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông hồi tháng 10-2021.
Ảnh: REUTERS
Cựu Phó Thủ tướng Singapore - GS Shunmugam Jayakumar nhấn mạnh trong nỗ lực đối phó với các thách thức như vậy, Đông Nam Á cần áp dụng triệt để hơn nữa các nền tảng pháp lý đã được quốc tế công nhận, nhất là UNCLOS, bên cạnh các văn kiện pháp lý đã được các bên liên quan nhất trí như Tuyên bố ứng xử giữa các bên ở Biển Đông (DOC).
“Thái độ thiện chí, nỗ lực và chủ động hợp tác tăng cường xây dựng và củng cố lòng tin của các nước trong và ngoài khu vực cũng là cách tiếp cận phù hợp để duy trì hòa bình, an ninh và ổn định ở Đông Nam Á nói chung và Biển Đông nói riêng” - ông Jayakumar chia sẻ.
Trong khi đó, GS Tommy Koh thuộc ĐH Quốc gia Singapore còn chia sẻ thêm rằng các nước trong khu vực cần vượt lên trên sự khác biệt về chính trị - kinh tế và tiến tới thiết lập các mô hình phát triển, quản lý biển chung phù hợp và tuân thủ nghiêm chỉnh luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS. Các nước Đông Nam Á cũng được khuyến cáo hợp tác xây dựng lòng tin trong một số lĩnh vực chuyên môn như nghiên cứu khoa học biển và tìm kiếm cứu nạn.
Tranh chấp biển cần giữ trong khuôn khổ UNCLOS
Bàn thêm về vấn đề tranh chấp chủ quyền biển ở Đông Nam Á, đặc biệt là ở Biển Đông, các học giả cho rằng dù đa phần các quan sát về tình hình ở đây đều phủ màu sắc bi quan, song thái độ như vậy là đã bỏ qua thực tế các nước Đông Nam Á có văn hóa tuân thủ luật pháp quốc tế.
Ông Jayakumar nhận định dù đánh giá từ phương diện nào, luật pháp vẫn là một công cụ hữu ích cho các quốc gia nhỏ để bảo vệ lợi ích của họ. Bằng việc áp dụng các văn kiện như UNCLOS hoặc Hiến chương Liên Hợp Quốc, các quốc gia thành viên có nghĩa vụ giải quyết tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình như đàm phán, dàn xếp khu vực, trọng tài quốc tế hoặc tòa án. Không giống như Hiến chương Liên Hợp Quốc, UNCLOS tiến thêm một bước và quy định các phương pháp chi tiết để giải quyết xung đột trên biển cho các bên trong Chương XV. Nói chung, sự đồng ý của các quốc gia được đặt ở trung tâm của tất cả cơ chế giải quyết tranh chấp.
“Toàn bộ tình hình ở Biển Đông có thể được phân loại thành các loại pháp lý cụ thể, có thể được giải quyết riêng theo luật trong đó, các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc mâu thuẫn đối với các đặc điểm hàng hải ngoài khơi và phải tôn trọng việc phân định ranh giới trên biển của các nước duyên hải. Yêu sách đường lưỡi bò mà Trung Quốc dùng để tuyên bố chủ quyền hàng hải bao gồm 80% Biển Đông đã bị Tòa Trọng tài bác bỏ trong vụ kiện giữa Philippines và Trung Quốc năm 2016” - ông Jayakumar nói.
Ngoài ra, những quốc gia có tuyên bố chủ quyền trên Biển Đông còn có một công cụ thuận tiện để giải quyết những bất đồng trong khu vực, đó là ASEAN. Môi trường thân thiện và hợp tác của ASEAN có thể tốt hơn cho việc đàm phán giữa các quốc gia tranh chấp có liên quan. Bên cạnh đó, theo Điều 23 của Hiến chương ASEAN, các quốc gia thành viên có thể yêu cầu chủ tịch hoặc tổng thư ký ASEAN cung cấp các văn phòng hòa giải.
“Bằng cách nương vào UNCLOS và các văn kiện quốc tế khác, các nước Đông Nam Á sẽ tăng thêm trọng lượng trên bàn đàm phán với Bắc Kinh. Nó là một khả năng để giúp các nước này đạt được những áp lực nhất định khiến Trung Quốc phải xem xét lại các hoạt động phi pháp của mình trên Biển Đông” - ông Jayakumar kết luận.•
Là một văn kiện pháp lý đa phương đồ sộ, bao gồm 320 điều khoản và hơn 1.000 quy phạm pháp luật, nhiều nước đã kỳ vọng UNCLOS sẽ mở đầu cho một trật tự pháp lý quốc tế mới đối với tất cả vấn đề về biển và đại dương, bao gồm cả đáy biển và lòng đất dưới đáy biển. Philippines phản đối vụ suýt va chạm tàu Trung Quốc Cố vấn an ninh quốc gia Philippines Hermogenes Esperon ngày 29-3 thông báo nước này đã gửi công hàm ngoại giao phản đối Trung Quốc liên quan đến vụ tàu hải cảnh của Bắc Kinh di chuyển gần tàu Philippines gây nguy cơ va chạm, theo hãng tin Reuters. “Có thể sẽ có những phản bác nhưng chúng tôi, là một quốc gia, sẽ bảo vệ quyền chủ quyền và chủ quyền của mình tại khu vực. Chúng tôi đã tuyên bố rằng đó là một phần lãnh thổ của chúng tôi” - ông Esperon nói về bãi cạn Scarborough tranh chấp tại Biển Đông, nơi vụ việc xảy ra. Theo Reuters, đây là công hàm mới nhất trong số hơn 200 công hàm ngoại giao mà Philippines đã sử dụng để phản đối Trung Quốc. Lực lượng tuần duyên Philippines hôm 27-3 cáo buộc việc tàu hải cảnh Trung Quốc “hoạt động ở khoảng cách gần” ở Biển Đông đã “hạn chế” sự di chuyển của một tàu Philippines chạy gần đó. |