Xuất nhập hàng hóa tại một doanh nghiệp FDI phía Nam - Ảnh: D.S.
Hàng nghìn điều kiện kinh doanh được rà soát và bãi bỏ, nhiều thủ tục hành chính được đơn giản và cắt bỏ. Môi trường đầu tư kinh doanh đã thông thoáng hơn, nhưng tại sao nhiều doanh nghiệp vẫn kêu vướng?
Một điều dễ nhận thấy là tinh thần cải cách thể hiện rất rõ ở các văn bản cấp trên như luật, pháp lệnh, nghị định. Nhưng thực tế, khi các quy định ấy đi vào cuộc sống thì phải thông qua hướng dẫn của thông tư, thậm chí phải giải thích ở công văn.
Chất lượng của thông tư sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của những cải cách.
Lấy ví dụ, một thông tư quy định về mẫu hồ sơ mời thầu mua sắm hàng hóa, trong đó nội dung về "kết quả hoạt động tài chính", "nộp báo cáo tài chính từ năm... đến năm..." được hướng dẫn "ghi số năm yêu cầu, thông thường từ 3 - 5 năm trước năm có thời điểm đóng thầu.
Ví dụ: từ năm 2012 đến năm 2014. Trong trường hợp này, nhà thầu phải nộp báo cáo tài chính của các năm 2012, 2013, 2014".
Với nội dung hướng dẫn này, những doanh nghiệp mới thành lập hoặc có số năm hoạt động dưới 3 năm sẽ không được tham gia vào gói thầu mua sắm. Điều này đặc biệt bất lợi cho các doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghệ thông tin vì có nhiều doanh nghiệp mới thành lập.
Nội dung hướng dẫn tại thông tư trên tưởng là rất nhỏ, rất kỹ thuật nhưng lại tạo ra điều kiện loại bỏ rất nhiều doanh nghiệp có tiềm năng và khiến cho hoạt động đấu thầu trở nên kém cạnh tranh hơn.
Thông tư là loại văn bản có tính chất hướng dẫn thi hành các quy định trong văn bản cấp cao hơn. Trong nhiều trường hợp không thể không có thông tư, nhưng có nhiều trường hợp các vấn đề có thể giải quyết ở văn bản cấp nghị định trở lên mà không cần thiết phải quy định đến thông tư.
Nhìn một cách tổng thể trong hệ thống pháp luật hiện nay, có thể nhận thấy có nhiều thông tư ban hành mà không được ủy quyền bởi nghị định, luật. Ở một số ngành và lĩnh vực, việc áp dụng pháp luật bị lệ thuộc quá lớn vào quy định tại thông tư.
Doanh nghiệp gần như không biết đến quy định tại luật, nghị định mà chỉ tra cứu tất cả vấn đề ở thông tư.
Thực trạng trên đưa đến rất nhiều quan ngại và hệ lụy. Bởi các quy định tại thông tư được ban hành theo quy trình nội bộ, thể hiện ý chí chủ quan của cơ quan ban hành mà thiếu vắng sự giám sát của các cơ quan khác nhau.
Những quy định tác động lớn đến doanh nghiệp (điều kiện kinh doanh, thủ tục hành chính, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp...) được ban hành theo quy trình này sẽ khó đảm bảo chất lượng, từ đó ảnh hưởng đến cả môi trường kinh doanh.
Đáng nói hơn, quy trình kiểm soát chất lượng của thông tư hiện nay gần như không hiệu quả.
Đơn cử, từ năm 2005 đến nay, luật đã cấm thông tư ban hành điều kiện kinh doanh, thậm chí Luật đầu tư 2014 còn quy định tuyên bố hết hiệu lực của các thông tư ban hành điều kiện kinh doanh kể từ sau ngày 1-7-2016.
Nhưng không khó để tìm thấy thông tư ban hành điều kiện kinh doanh sau năm 2016 và các thông tư này vẫn đang được áp dụng mà không có cơ quan nào tuyên bố hết hiệu lực.
Đã đến lúc chúng ta cần nhìn nhận một cách nghiêm túc về chất lượng của loại văn bản này và có cơ chế kiểm soát hiệu quả để đảm bảo cho các chính sách tiến bộ, cải cách thực sự đi vào cuộc sống.
TTO - Thông tư chiếm 68% tổng số văn vản quy phạm pháp luật được ban hành, trung bình mỗi luật hiện có 25,8 thông tư, và 1,9 thông tư liên tịch hướng dẫn. Nhiều điều kiện kinh doanh đang được cài vào thông tư để “làm khó” doanh nghiệp.
Xem thêm: mth.88942147013302202-noh-ax-av-ut-gnoht-neyuhc-uac/nv.ertiout