Nhà đầu tư và các trader đều giận dữ, thanh khoản "bốc hơi" – đây là một thị trường mà nhiều nhà đầu tư kỳ cựu miêu tả là "đã sụp đổ". Đã 3 tuần từ khi giao dịch niken bị tạm dừng trên Sàn Giao dịch Kim loại London (LME) sau khi giá tăng đột biến 250%. Dù giao dịch đã được nối lại nhưng thị trường vẫn ở trạng thái… tê liệt.
Khi cuộc khủng hoảng diễn ra, những lời buộc tội cũng bắt đầu xuất hiện. Nhà đầu tư đang chuẩn bị khởi kiện, còn LME và Cơ quan Quản lý Tài chính (FCA) có thể sẽ tiến hành các cuộc điều tra. Cho đến nay, vẫn chưa rõ bên nào đã vi phạm các quy tắc. Trong khi đó, việc làm sáng tỏ mọi thông tin, nguyên nhân của sự cố này có thể mất vài tháng hoặc vài năm.
Dưới đây là danh sách "tóm tắt" về những bên đóng vai trò chính trong đợt "short squeeze" gây chấn động thị trường hàng hóa.
Trọng tâm của cuộc khủng hoảng này là doanh nhân Xiang Guangda – ông chủ của Tsingshan Holding, là công ty sản xuất thép không gỉ và niken lớn nhất thế giới. Nhà tài phiệt này được mệnh danh là "Big Shot" trong giới hàng hóa của Trung Quốc. Ông đã xây dựng vị thế bán khống lớn với niken trên sàn LME, khi đặt cược rằng việc nguồn cung từ công ty của ông tăng sẽ khiến giá giảm. Khi giá niken tăng mạnh do ảnh hưởng của xung đột Nga – Ukraine, Tsingshan đã gặp khó khăn để thanh toán các đợt margin call và tạo ra đợt "short squeeze".
Việc các bên khai thác sử dụng hợp đồng phái sinh để chốt giá sản xuất trong tương lai không phải là điều bất thường. Tuy nhiên, vị thế của Xiang lại lớn một cách… không bình thường, khi lúc đỉnh điểm ông nắm giữ tới khoảng 1/8 trong số các hợp đồng niken chưa được thanh toán trên LME.
Tsingshan cũng là một doanh nghiệp từng thực hiện nhiều giao dịch. Năm 2019, doanh nghiệp này cũng "vướng" vào một đợt short squeeze khác nhưng lại ở "bờ bên kia": Tsingshan rút ra một lượng niken tồn kho lớn ở các kho của LME, khiến giá tăng vọt hơn 50% trong vài tháng. LME sau đó đã xem xét về giao dịch này nhưng không đưa ra hành động nào khác.
Ở lần này, Xiang "xây dựng" được một nhóm "đồng minh" thông qua công ty của mình. Tshingshan đã bán các sản phẩm niken của mình theo cách mà các trader và người mua cũng có vị thế bán khống lớn trên sàn LME. Điều này làm tăng thêm thiệt hại trên thị trường khi giá tăng đột biến.
Bên mua: VW, Glencore và các quỹ phòng hộ
Trong khi Xiang là một nhà đầu tư bán khống lớn, thì ở "phía bên kia" không có nhà đầu tư nhỏ lẻ nào bị đổ lỗi cho việc đẩy giá lên cao hơn. Nhưng một số nhà đầu tư khác nắm giữ những vị thế mua khá lớn, phần nào giúp đà tăng của niken càng thêm mạnh.
Hãng sản xuất ô tô Volkswagen là một trong những bên mua vào lớn nhất trên thị trường niken, với hơn 100.000 tấn, theo nguồn tin thân cận. Vị thế này là hợp đồng tương lai kéo dài 9 năm này, đóng vai trò là một "hàng rào" phòng hộ cho niken – thành phần chính trong pin xe điện.
Trader và nhà khai thác Glencore là một trong những bên nắm giữ vị thế mua trong dài hạn khác. Thậm chí, công ty này có lúc đã kiểm soát hơn 1 nửa số hàng tồn kho hiện có trong các kho của LME. Vị thế của Glencore trên LME phần lớn là bán khống – họ sử dụng sàn này để phòng hộ rủi ro giá đối với loại kim loại mà họ vận chuyển đi khắp thế giới. Tuy nhiên, Glencore mua hàng tồn kho của LME để chuyển niken từ các kho trao đổi cho khách hàng của mình sau khi chi phí tăng cao, điều này khiến cước vận chuyển từ châu Á sang châu Âu và Mỹ đắt hơn nhiều.
Cuối cùng là các quỹ phòng hộ. Họ bị thu hút bởi niken khi đặt cược vào cuộc cách mạng mang tên xe điện và gần đây là mối lo ngại về tình trạng gián đoạn nguồn cung của Nga. Nhìn chung, các quỹ này đã nâng mức đặt cược giá tăng với niken lên mức cao kỷ lục vào ngày 18/2 – 1 tuần trước khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Vị thế ròng của các quỹ này tương đương với khoảng 250.000 tấn niken.
Các ngân hàng: JPMorgan và các doanh nghiệp khác
Trong thời gian đợt short squeeze xảy ra, quy mô Xiang tiếp xúc với thị trường phần nào giảm bớt bởi ông mở rộng vị thế bán khống thông qua khoảng 10 ngân hàng và nhà môi giới. Ngoài ra, trong khi ông trực tiếp nắm giữ khoảng 30.000 tấn trong vị thế bán khống trên LME, thì con số này vẫn chưa bằng 1/5 tổng quy mô 150.000 tấn thông qua các ngân hàng và nhà môi giới.
Phần lớn số niken ở trên được nắm giữ trong các vị thế OTC, được thực hiện bởi các ngân hàng by JPMorgan Chase & Co., BNP Paribas SA, Standard Chartered Plc và United Overseas Bank Ltd. Theo Bloomberg, JPMogarn nắm giữ khoảng 50.000 tấn niken trong vị thế bán khống thông qua các giao dịch OTC.
Ngân hàng này đã có mối quan hệ thân thiết với Tsingshan trong nhiều năm. Trong đợt short squeeze năm 2019, JPMorgan nằm trong số các ngân hàng đã hỗ trợ tài chính cho việc mua vào niken của công ty Trung Quốc này. Họ đã kiếm được khoảng 100 triệu USD từ giao dịch niken trong năm đó.
Sàn LME
Sàn giao dịch có tuổi đời 145 năm đã bị các nhà đầu tư chỉ trích nặng nề vì phản ứng mà họ đưa ra trong cuộc khủng hoảng này Ban đầu, LME cho phép thị trường mở cửa trở lại sau khi giá tăng 66% vào tháng 7/3, khiến một trong những nhà môi giới của Tsingshan lỡ hạn thanh toán yêu cầu ký quỹ. Sau 7 giờ hỗn loạn, LME đình chỉ giao dịch niken, hủy bỏ toàn bộ giao dịch trong sáng ngày 8/3 khi giá tăng gấp đôi.
LME nói rằng nếu họ cho phép các giao dịch tiếp tục diễn ra, một số công ty môi giới trong ngành kim loại sẽ sụp đổ. Nhiều người trong ngành tin rằng, sàn này đã có bước đi đúng đắn. Song, hậu quả của quyết định này lại là chiếc phao cứu sinh cho Tsingshan và các ngân hàng cung cấp dịch vụ cho họ với khoản tiền vài tỷ USD.
Song, chính việc mất kiểm soát từ trước đó của LME trong việc cho phép giao dịch tái khởi động vào ngày 8/3 đã dẫn đến những tranh cãi. Hơn nữa, LME không nhận thức rõ về quy mô và tính hệ thống trong vị thế của Tsingshan cho đến thời điểm nó "vỡ tung".
Các cơ quan quản lý
FCA – cơ quan quản lý LME, thường cho phép các sàn đưa ra quyết định lớn. Một số nhà bình luận đã kêu gọi về việc FCA nên đặt ra giới hạn để ngăn chặt tình trạng một trader đóng vai trò quá lớn trên thị trường.
Trong khi đó, các nhà quản lý đã công khai thừa nhận rằng họ đang nhận thấy "bóng tối" trên thị trường hàng hóa. Khi Ủy ban Chính sách Tài chính của NHTW Anh họp hồi đầu tháng 3, họ lưu ý rằng điều quan trọng là phải đánh giá khả năng ảnh hưởng giữa biến động của thị trường hàng hóa và hệ thống tài chính một ở quy mô lớn hơn. Tuy nhiên, theo một bản tóm tắt về cuộc thảo luận, việc đánh giá rủi ro trở nên khó khăn hơn vì những vấn đề không rõ ràng trên thị trường phái sinh hàng hóa.
http://tintuc.vdong.vn/03/1294406.htm