Hãng tin AFP ngày 30-3 dẫn thông tin từ Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết Triều Tiên đã làm giả vụ phóng Hwasong-17, tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) có biệt danh "tên lửa quái vật", vào tuần trước.
Theo cơ quan này, vụ phóng Hwasong-17 vào ngày 24-3 trên thực tế có khả năng là loại tên lửa đạn đạo xuyên lục địa mà Bình Nhưỡng từng phóng vào năm 2017.
Trước đó, hôm 25-3, hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) cho biết nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã ra lệnh và trực tiếp chỉ đạo vụ phóng thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 vào ngày 24-3.
Triều Tiên tuyên bố đã bắn thử thành công tên lửa Hwasong-17 vào ngày 24-3. Ảnh: KCNA
Tuy nhiên, theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, chính quyền Seoul và Washington đã kết luận rằng vụ phóng thực ra là những cảnh quay Hwasong-15, loại ICBM cũ hơn và nhỏ hơn đã được Bình Nhưỡng bắn thử vào tháng 11-2017.
"Mỹ và Hàn Quốc đã xác định rằng loại tên lửa được Triều Tiên bắn vào ngày 24-3 thực chất là một chiếc Hwasong-15" - quan chức Bộ Quốc phòng Hàn Quốc tuyên bố.
Theo các quan chức Washington và Seoul, việc đưa ra thông tin giả về vụ phóng hôm 25-3 có thể là một nỗ lực của Bình Nhưỡng để bù đắp cho vụ phóng thất bại vào sáng ngày 16-3, khi một tên lửa mà các nhà phân tích cho rằng đó mới thực sự là Hwasong-17 bị phát nổ ngay sau khi phóng.
Ngay sau Triều Tiên công bố hình ảnh và video vụ phóng hôm 24-3, các chuyên gia đã xem xét kĩ chi tiết về ánh sáng, thời tiết và các khía cạnh khác của hình ảnh vụ phóng mà Bình Nhưỡng công bố, nhiều nhà phân tích cho rằng thực sự vụ phóng đã diễn ra vào thời gian khác.
"Nhiều bằng chứng trực quan cho thấy Triều Tiên đang tìm cách gây hiểu lầm và ngụy tạo hoàn toàn về vụ thử thành công Hwasong-17" - NK Pro, một trang web ở Seoul, Hàn Quốc, chuyên nghiên cứu tình hình ở Triều Tiên, cho biết.
Nhiều nhà phân tích cũng cảnh báo rằng Triều Tiên nhiều khả năng sẽ phóng vệ tinh do thám quân sự và tiến hành các vụ thử đầu đạn hạt nhân chiến thuật vào cuối năm nay, AFP đưa tin.