Tiếng rao đêm dưới ánh đèn đường khuya khoắt - Ảnh: TÂM LÊ
Khi mọi người đã đi ngủ, nhiều người vẫn cố bán hàng rong vào ban đêm, chủ yếu là đồ ăn như xôi, ngô, bánh bao, bánh mì, bánh giò.
Đạp xe hàng rong tới 3-4h sáng
Ngồi làm việc trong đêm khuya, tôi luôn nghe thấy tiếng rao đêm quen thuộc của người bán hàng rong. "Ai bánh bao nóng đê... Ai xôi khúc, xôi lạc, đậu đen không?". Rồi tiếp đến "Ai bánh mì nóng giòn, bánh giò đây...".
Nghe tiếng rao khiến người không đói mà bụng cũng thấy cồn cào, có khi lại thấy lòng thương người bán rong. Hà Nội cũng như những thành phố lớn khác, luôn có những người dân "lấy đêm làm ngày".
Họ làm việc, vui chơi cho tới khuya, bụng đòi nạp thêm năng lượng là lúc họ chờ đợi tiếng rao đêm. Có người muốn ăn nhanh lẹ, ăn nóng, tiết kiệm thì một gói xôi, một cái bánh bao đã đủ ấm dạ.
Để phục vụ thực khách về đêm, đã có nhiều hàng quán, khu phố ăn đêm được mở ra khắp nơi. Lại thêm nhiều xe quà vặt có bếp nấu hiện đại đứng ở các góc phố, phục vụ bánh mì trứng chiên tại chỗ, ngô xào, trứng luộc. Nhưng nhờ sự tiện lợi di chuyển trên các ngõ ngách của con phố, xe hàng rong vẫn được nhiều người chờ đợi.
"Có nhà ở góc hồ, đợi tôi mang xôi đến cho cả nhà ăn đêm. Toàn bộ nhân viên quán karaoke ở ngay cạnh cũng hẹn xôi, tôi có nhiều khách quen như thế lắm" - chị Thủy, người bán xôi ở khu Hồ Đắc Di, quận Đống Đa, Hà Nội, cười nói.
Riêng ở khu vực Hồ Đắc Di, tôi gặp tới ba người bán xôi lạc, bánh khúc. Một số xe hàng bán nước uống, ngô xào, bánh mì trứng, xúc xích, đứng một chỗ ở các góc đường.
Chị Thủy cho biết những chiếc xe bán đồ ăn thường về trước 12h đêm, còn xe bán bánh bao, bán xôi như chị sẽ đi đến tận 3-4hsáng.
Người sống với nghề bán hàng rong đêm thì ban ngày ngủ, chiều dậy soạn sửa đồ tới 9h tối bắt đầu ngày làm việc mới. Có người làm ngày, đêm tranh thủ bán thêm, nhưng không đi thâu đêm như người bán chuyên nghiệp.
Chiếc xe bán xôi trông rất đơn giản, một thúng xôi buộc phía sau yên xe, trên đầu xe lắp một cái loa chạy bằng pin hoặc ắc quy loại nhỏ. Chiếc loa đã được cài đặt sẵn tiếng rao, bán gì rao nấy.
"Quan trọng nhất là bảo quản thúng xôi lúc nào cũng nóng hổi, thơm ngon thì người ta sẽ chờ mình đến hoặc gọi điện hẹn mua" - chị Thủy cho biết.
Bộ loa được chị Thủy mua cách đây 7 năm với giá 200.000 đồng, bây giờ được bán với giá 500.000 đồng.
"Loa giúp tôi khỏe hơn vì không mất nhiều sức, tiếng rao vang xa và có thể vượt được cửa cách âm hiện đại ngày nay" - chị Thủy cười nói.
Đi bán hàng rong chỉ đi xe đạp là thuận tiện, xe chầm chậm đi trên phố để chờ người mua. Đi xe máy vừa chạy vụt nhanh, vừa tốn xăng vì phải chạy liên tục nhiều vòng.
Xe bánh bao trông có vẻ nặng nhọc, cồng kềnh hơn xe bán xôi. Người bán phải gia cố được nồi hấp bánh bao trên xe, để vừa đi vừa hấp bánh cho nóng. Có người dùng một nồi hấp, có người dùng hai nồi gắn hai bên gác baga xe. Bán đến sáng bánh bao vẫn nóng hôi hổi, chỉ có điều người bán phải nghỉ nhiều lần vì xe nặng, đạp mệt hơn.
Mỗi xe hàng rong đêm sẽ chọn một số khu vực để bán hàng, nơi có nhiều người vui chơi như công viên, bờ hồ, quán hát; nơi những người trẻ làm việc qua đêm ở văn phòng, hoặc anh xe ôm, chị lao công, bác bảo vệ...
Xe xôi lạc, bánh khúc của chị Thủy thường đi từ Ngã Tư Sở, qua Chùa Bộc, lên Hồ Đắc Di. Xe bánh bao của anh Thọ đi Thái Hà, hồ Hoàng Cầu, đường Láng, rạp chiếu phim Quốc gia...
"Mỗi ngày đi 4-5 tiếng, hết sớm thì về sớm, mệt thì đứng nghỉ rồi lại đi tiếp" - anh Thọ cười cho biết.
Bạn xe ôm là khách hàng thường xuyên của chị Thủy - Ảnh: TÂM LÊ
Mưu sinh dưới ánh đèn đường
Thi thoảng tôi đi làm về khuya, nghe tiếng rao lại gần và dáng người đạp xe liêu xiêu giữa phố vắng hiện ra. Đó có thể là một người đàn ông hoặc một phụ nữ hao gầy, còng lưng đạp xe dưới ánh đèn đường.
Hơn 23h, ở một ngã tư của phố Xã Đàn - Kim Liên, tiếng rao xôi, bánh khúc của chị Hường đã văng vẳng một vùng. Đi hết vòng, chị lại dựng xe ở nơi có nhiều người qua lại, vừa để nghỉ chân, vừa chờ khách tiện đường về mua.
Chiếc nón lá quen thuộc, chiếc xe đạp cũ kỹ chở thúng xôi phía sau hòa lẫn với đêm tối nhập nhòe. Mỗi lần khách tới mua, chị Hường dỡ tấm lót ủ xôi, tay thoăn thoắt, vài giây chị đã lấy đúng loại xôi khách cần mua.
Quê chị Hường ở Tế Tiêu, Mỹ Đức, Hà Nội. Chị thuê nhà trọ bán xôi trên phố đã hơn 10 năm, ban đầu chị bán ngày được vài tuần thì có người nói bán đêm được hơn, chị chuyển sang bán đêm từ đấy.
"Dịch giã suốt, tôi mới đi bán được mấy ngày, khách ít lắm. Trong tết thì bán cố mãi tới ngày 29 mới nghỉ, năm nay mong hết dịch để bán cho dễ" - chị Hường tâm sự thêm mình để hai con ở quê với chồng, hôm nào nhớ hoặc nhà có việc chị lại đón xe buýt về quê.
"Ai cũng muốn làm việc ban ngày cho khỏe, nhưng ai bán đêm được đỡ hơn thì lại ngủ ngày làm đêm. Nghề này hôm nào mưa gió thì không có nơi trú chân, khách cũng không muốn ra đường. Lúc đó phải đạp xe đến từng cửa nhà, chỗ làm bán cho họ. Bán lâu năm, thức đêm nhiều thành quen rồi" - chị Thủy, người bán hàng rong đêm lâu nhất tôi gặp.
Chị kể mình đã có hơn 30 năm dọc ngang trên các con phố của Hà Nội.
Năm nay đã 55 tuổi, chị Thủy theo những người trong làng đi bán rong từ thời trẻ. Làng của chị ở huyện Chương Mỹ ngoại thành Hà Nội, phần lớn bà con rủ nhau đi bán hàng rong. Mỗi người một việc, người bán hoa quả, người bán xôi, bán bông tăm, đồ gia dụng.
Ban đầu, chị Thủy bán bánh mì rong, cứ đội thúng bánh mì đi bán suốt đêm. Chị nói ngày trước vất vả hơn nhưng bán hàng lại đắt khách hơn bây giờ.
"Ngày xưa có đêm tôi bán 2-3 thúng bánh mì, đi một loáng là bán xong một thúng. Khi đó chưa có nhiều hàng quán ăn đêm như bây giờ, hàng bán online cũng chưa có. Giờ bọn trẻ ăn gì thì gọi Grab vài phút là có, món ăn cũng đủ loại" - chị Thủy trải lòng.
Khách của chị hiện nay chủ yếu lại chính là những bạn trẻ chạy Grab, chị lao công, nhân viên bán quần áo, bảo vệ. Mùa dịch vừa qua, chị bán kém hơn hẳn vì người dân ngại ra đường và tránh tiếp xúc với người bán hàng rong. Người bán hàng cũng nghỉ nhiều, không còn đông như trước, có người phải chuyển nghề.
Nay đã là bà ngoại của 5 cháu, nhưng chị Thủy vẫn chưa nghỉ được vì thu nhập chính của gia đình vẫn là thúng xôi của chị. Chị còn đang chữa trị bệnh u tuyến giáp, đã phẫu thuật được 10 năm nhưng hằng tháng vẫn phải tái khám và uống thuốc mỗi ngày.
Buổi sáng chị ngồi bán ăn sáng ở Ngã Tư Sở, buổi tối đi bán rong khắp phố của các quận Đống Đa, Hai Bà Trưng, Thanh Xuân. Hàng xôi giúp chị Thủy nuôi được 4 người con, nếu ở quê không buôn bán thì điều này chẳng dễ dàng.
Chào chị Thủy, tôi xuôi về phố Tây Sơn, lại gặp anh Thọ, quê Nam Định, hay bán bánh bao đêm nơi này. Cứ 10h tối, xe của anh lại dựng dưới tòa nhà ở ngã tư Thái Hà, Chùa Bộc. Anh mang theo một cái điếu cày, tranh thủ làm một hơi cho tỉnh ngủ để bắt đầu đêm làm việc mới.
Dáng người anh Thọ gầy nhom, chiếc xe hàng nặng trịch với hai chiếc nồi hấp cao bằng đầu người. Anh rời quê lên Hà Nội đã gần 10 năm, làm đủ nghề trước khi chuyển sang bán hàng rong. Cứ dồn được ít tiền, anh lại gửi về quê cho hai con nhỏ và vợ.
Trên con phố khuya, tôi tìm đường nhanh để về nhà vùi vào chăn ấm, trong khi người bán hàng rong vẫn còng lưng đạp xe tìm khách. Tiếng rao khắc khoải, vang vọng vào màn đêm lạnh giá.
"Nghề này chủ yếu người ở quê lên, chịu khó mới làm được. Mỗi tháng tiết kiệm lắm cũng được vài triệu gửi về nuôi con, dịch thế này việc làm khó khăn" - anh Thọ cho biết thêm có người 60 tuổi vẫn đi bán, có người chăm người ốm trong bệnh viện cũng tranh thủ đi bán kiếm thêm vài đồng.
Hà Nội giờ cái gì cũng đắt đỏ, người nghèo nào mà không phải tranh thủ làm thêm ngày, thêm đêm.
TTO - Thời đại kinh tế phát triển, máy móc đã thay thế phần lớn sức người, nhưng gánh hàng rong vẫn kẽo kẹt giữa phố xá hiện đại.
Xem thêm: mth.25761359103302202-iad-med-tous-gnav-gnav-oar-gneit-iouc-yk-gnor-gnah-iod-mihc-ion/nv.ertiout