Tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ trên 12 tuổi tại Hà Nội - Ảnh: NAM TRẦN
Chiều 31-3, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tập huấn tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi. Theo thống kê của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, số trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi của 63 tỉnh/thành phố là 11.809.740 trẻ.
Chiến dịch tiêm chủng sẽ được triển khai tại trường học, các cơ sở tiêm chủng cố định, điểm lưu động, tiêm cho nhóm 11 tuổi (lớp 6) trước, sau đó hạ thấp độ tuổi. Các địa phương triển khai cuốn chiếu theo số lượng vắc xin được phân bổ.
Trẻ sẽ được tiêm loại vắc xin nào, phản ứng sau tiêm ra sao?
Theo PGS.TS Dương Thị Hồng - phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương, trẻ từ 5 đến dưới 12 tuổi sẽ được tiêm hai loại vắc xin là vắc xin Comirnaty (Pfizer/BioNTech COVID-19 vắc xin) và vắc xin Spikevax (Moderna COVID-19 vắc xin).
Vắc xin Pfizer tiêm cho trẻ em từ 5 đến dưới 12 tuổi có hàm lượng là 10mcg, bằng 1/3 hàm lượng so với liều dùng cho người từ 12 tuổi trở lên (không sử dụng vắc xin của người lớn để tiêm cho trẻ 5-11 tuổi).
Theo bà Hồng, với vắc xin Pfizer, phản ứng thường gặp nhất ở nhóm tuổi này là: đau tại vị trí tiêm (> 80%); kiệt sức (> 50%); đau đầu (> 30%); đỏ và sưng tại vị trí tiêm (> 20%); đau cơ và ớn lạnh (> 10%).
Không tiêm Moderna cho trẻ 5 tuổi
Vắc xin Moderna tiêm cho trẻ từ 6 đến dưới 12 tuổi cùng loại vắc xin Moderna dùng cho người lớn và bằng 1/2 liều người lớn (tương đương 0,25ml). Không tiêm vắc xin Moderna cho trẻ 5 tuổi.
Với vắc xin Moderna, các phản ứng bất lợi được báo cáo nhiều nhất ở trẻ nhóm tuổi này sau liệu trình tiêm cơ bản là: đau tại vị trí tiêm (98,4%); mệt mỏi (73,1%); đau đầu (62,1%); đau cơ (35,3%); ớn lạnh (34,6%); nôn mửa (29,3%); sưng đau ở nách (27%); sốt (25,7%); ban đỏ tại vị trí tiêm (24%); sưng tại vị trí tiêm (22,3%); đau khớp (21,3%).
Theo bà Hồng, trong nhiều báo cáo của các nước đã triển khai tiêm vắc xin COVID-19 cho trẻ chưa ghi nhận tình trạng phản ứng sau tiêm dẫn đến viêm cơ tim, viêm màng tim ở cả hai loại vắc xin.
Ngoài ra, Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương hướng dẫn không tiêm trộn vắc xin cho trẻ, 2 mũi tiêm cách nhau 4 tuần.
Theo dõi và xử lý sau tiêm chủng cho trẻ
Khi đưa trẻ đi tiêm chủng, cần có phụ huynh đi cùng, theo dõi phản ứng sau tiêm cho trẻ, đặc biệt là trẻ 5 tuổi. Phụ huynh cùng trẻ theo dõi tại điểm tiêm chủng 30 phút, tiếp tục theo dõi trẻ 28 ngày sau tiêm, đặc biệt trong vòng 7 ngày đầu.
Khi trẻ có những biểu hiện mệt bất thường, nôn, tiêu chảy, tím tái, khó thở, phát ban hoặc nổi mẩn đỏ hoặc tím tái, sốt cao liên tục trên 38,5 độ và không đáp ứng thuốc hạ sốt, cha mẹ cần liên hệ cơ sở y tế ngay.
Lưu ý trong 3 ngày đầu sau tiêm, luôn có người hỗ trợ trẻ 24/24 giờ, tránh vận động mạnh.
Trẻ mắc COVID-19 bao lâu có thể tiêm vắc xin COVID-19?
TS.BS Lê Kiến Ngãi, Bệnh viện Nhi trung ương, cho biết theo khuyến cáo của các chuyên gia hiện nay, trẻ mắc COVID-19 sau 3 tháng có thể tiêm vắc xin COVID-19, liên quan đến thời gian kháng thể tồn lưu và thời gian trẻ hồi phục sức khỏe.
"Tuy nhiên, trên thực tế có những trẻ sau mắc COVID-19 hồi phục rất nhanh, các dấu hiệu hoàn toàn bình thường. Đặc biệt trong bối cảnh dịch bệnh lây nhiễm cao, trì hoãn tiêm cho trẻ có thể dẫn đến nguy cơ lây nhiễm cao.
Chúng ta có thể giao cho cơ sở tiêm chủng quyết định tiêm cho trẻ tùy thuộc vào tình trạng của trẻ, xem xét từng cá thể, cân nhắc lợi ích - nguy cơ có thể tiêm sớm hơn ngay sau khi trẻ khỏi bệnh. Với những trẻ có hội chứng viêm đa cơ quan, trẻ hoàn toàn phục hồi mới tiêm vắc xin cho trẻ", ông Ngãi cho hay.
TTO - Ngày 27-3, Bộ Y tế đã có thông báo chính thức vắc xin ngừa COVID-19 cho trẻ em sẽ về Việt Nam vào tuần tới và sẽ triển khai tiêm chủng ngay từ tuần thứ 2 của tháng 4, ngay khi các thủ tục kiểm định và chứng nhận xuất xưởng của vắc xin hoàn tất.