Chiều 28-2, Đại sứ quán Na Uy tại Việt Nam và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức hội thảo Na Uy - Việt Nam: Cơ hội hợp tác trong lĩnh vực nuôi trồng thủy sản.
Theo Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao Na Uy Erling Rimestad, xuất khẩu thủy sản Na Uy đứng thứ hai trên thế giới và Việt Nam đứng thứ ba.
"Chúng ta đang là những quốc gia xuất khẩu thủy sản hàng đầu nhưng không vì thế mà trở thành đối thủ cạnh tranh với nhau, thực tế là chúng ta bổ sung, hỗ trợ cho nhau. Na Uy xuất khẩu các loài như cá hồi, cá tuyết, cua hoàng đế và tôm từ biển. Việt Nam là nhà cung cấp lớn cá tra và tôm nuôi" - ông Erling Rimestad nói.
Thực trạng khai thác, nuôi trồng thủy sản của Việt Nam: Tài nguyên cạn kiệt - nuôi trồng là tất yếuĐỌC NGAY
Dẫn số liệu từ Hội đồng Thủy sản Na Uy, ông Erling Rimestad ví xuất khẩu thủy sản của Na Uy tương đương với 40 triệu bữa ăn mỗi ngày trong năm, được phục vụ ở gần 150 quốc gia.
"Tôi không biết có bao nhiêu bữa ăn trong số đó được phục vụ ở Việt Nam, nhưng tôi biết rằng Việt Nam có mức tiêu thụ hải sản cao nhất thế giới, với 37kg mỗi người mỗi năm. Người Na Uy cần cố gắng theo cho kịp, bởi chúng tôi chỉ ăn 19,5kg mỗi năm. Chúng ta nên ăn nhiều hải sản hơn" - ông Erling Rimestad chia sẻ.
Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến nhấn mạnh phát triển hiệu quả, bền vững ngành công nghiệp nuôi biển là một trong những định hướng then chốt của Việt Nam trong những thập kỷ tới.
"Hội thảo là cơ hội tuyệt vời để hai bên cùng thảo luận, trao đổi và cụ thể hóa các cơ hội hợp tác mà Việt Nam và Na Uy đã đề cập trong Ý định thư - tăng cường và phát triển hợp tác trong ngành công nghiệp nuôi biển" - ông Tiến nói.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Đình Luân đề nghị Na Uy hỗ trợ chuyên gia xây dựng chính sách, quy hoạch, bảo vệ môi trường trong nuôi biển quy mô công nghiệp. Xây dựng tiêu chuẩn/quy chuẩn, định mức kinh tế kỹ thuật nuôi biển công nghiệp phù hợp với điều kiện của Việt Nam.
"Tổ chức diễn đàn đầu tư để kêu gọi các nhà đầu tư của Na Uy vào nuôi biển tại Việt Nam và liên kết hỗ trợ các doanh nghiệp nuôi biển tại một số tỉnh trọng điểm như Khánh Hòa, Kiên Giang, Quảng Ninh.
Hỗ trợ xây dựng thương hiệu nuôi biển Việt Nam theo kinh nghiệm phát triển sản phẩm cá hồi của Na Uy và đào tạo nghề cho phát triển nuôi biển công nghiệp tại Việt Nam…" - ông Luân kiến nghị.
Ông Nguyễn Hoài Nam, phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết năm 2022 xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Na Uy đạt khoảng 10 triệu USD nhưng ở chiều ngược lại Việt Nam đã chi 260 triệu USD để nhập khẩu thủy sản.
Do đó, Việt Nam mong muốn Na Uy tạo điều kiện để có nhiều hơn nữa sản phẩm thủy sản của Việt Nam được xuất sang.
"Nuôi trồng thủy sản biển, Việt Nam vẫn còn một số bất cập về cơ sở hạ tầng, con giống, thức ăn và đặc biệt là công nghệ nuôi nên năng suất và hiệu quả kinh tế chưa cao. Đề nghị Na Uy hỗ trợ ngành nuôi biển của Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt mong muốn Na Uy hỗ trợ công nghệ và kỹ thuật nuôi biển" - ông Nam kiến nghị.
Nguồn thủy hải sản đánh bắt tự nhiên đang ngày càng cạn kiệt và giá bán tăng cao, dẫn đến thị trường đang ngày càng ưu tiên sử dụng các chủng loại từ nuôi trồng, thậm chí nhiều sản phẩm nuôi trồng đang thắng thế gần như tuyệt đối.