Từ tháng 3 sẽ có thêm nhiều quy định mới chính thức có hiệu lực, đáng chú ý là việc cấp hộ chiếu gắn chip, thay đổi nhằm siết chặt quản lý đối với tiền công đức…
Cấp hộ chiếu phổ thông gắn chip từ 1-3
Kể từ ngày 1-3, Bộ Công an và cơ quan đại diện Việt Nam tại nước ngoài sẽ triển khai cấp hộ chiếu phổ thông có gắn chip điện tử (hộ chiếu gắn chip) cho công dân Việt Nam theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân Việt Nam.
Cục Xuất nhập cảnh cho biết người được cấp hộ chiếu gắn chip sẽ được phía nước ngoài ưu tiên khi xét duyệt cấp thị thực nhập cảnh. Hiện nay, trên thế giới có trên 100 quốc gia và vùng lãnh thổ sử dụng hộ chiếu điện tử.
Hộ chiếu gắn chip có tính bảo mật thông tin cao vì được lưu trữ trong con chip, rất khó sao chép thông tin.
Việc phát hành hộ chiếu điện tử không những tạo điều kiện cho người dân trong hoạt động xuất nhập cảnh mà còn phù hợp với chính phủ điện tử, tạo bước đột phá trong phát triển kinh tế - xã hội; nâng cao vị thế của hộ chiếu VN.
Theo Luật Xuất cảnh, nhập cảnh của công dân VN, người từ đủ 14 tuổi trở lên có quyền lựa chọn cấp hộ chiếu gắn chip hoặc hộ chiếu không gắn chip…
Siết việc tiếp nhận tiền tài trợ, công đức
Có hiệu lực từ ngày 19-3, Thông tư 04/2023 của Bộ Tài chính quy định chi tiết về việc tiếp nhận tiền công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đối với các tổ chức, cá nhân tổ chức lễ hội; tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích thông qua bốn phương thức.
Một là, tiếp nhận bằng phương thức chuyển khoản thông qua tài khoản tiền gửi được mở tại kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại.
Hai là, tiếp nhận tiền mặt: Cử người tiếp nhận, mở sổ ghi chép đầy đủ số tiền đã tiếp nhận. Đối với tiền trong hòm công đức (nếu có), định kỳ hằng ngày hoặc hằng tuần thực hiện kiểm đếm, ghi tổng số tiền tiếp nhận. Đối với các khoản tiền đặt không đúng nơi quy định, không phù hợp với việc thực hiện nếp sống văn minh tại di tích được thu gom để kiểm đếm hoặc bỏ vào hòm công đức để kiểm đếm chung.
Đối với số tiền mặt tạm thời chưa sử dụng thì gửi vào tài khoản mở tại kho bạc nhà nước hoặc ngân hàng thương mại. Việc này nhằm bảo đảm việc quản lý an toàn, minh bạch các khoản công đức, tài trợ cho di tích và hoạt động lễ hội đã tiếp nhận.
Ba là, tiếp nhận giấy tờ có giá: Mở sổ ghi tên giấy tờ có giá, số tiền ghi trên giấy tờ có giá, tổ chức phát hành. Tổ chức, cá nhân là chủ sở hữu hoặc được giao quản lý, sử dụng di tích chịu trách nhiệm về quản lý và sử dụng giấy tờ có giá, bao gồm thanh toán trước hạn hoặc thanh toán khi đến hạn, tùy theo yêu cầu quản lý và nguyện vọng của tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho (nếu có).
Bốn là, tiếp nhận kim khí quý, đá quý: Mở sổ ghi tên kim khí quý, đá quý và giá trị tương ứng theo tài liệu do tổ chức, cá nhân hiến, tặng cho cung cấp.
Việc quản lý tiền công đức, tài trợ ngay từ khâu tiếp nhận với các phương thức kể trên được thực hiện với mong muốn là bảo đảm tính minh bạch ngay từ khâu đầu vào…
Tăng mức bồi dưỡng cho người làm việc trong điều kiện độc hại
Theo Thông tư 24/2022 của Bộ LĐ-TB&XH, người lao động làm việc trong điều kiện có yếu tố nguy hiểm, yếu tố có hại sẽ được hưởng bồi dưỡng bằng hiện vật nếu đủ điều kiện.
Cụ thể, bồi dưỡng bằng hiện vật được tính theo định suất hằng ngày và có giá trị bằng tiền theo các mức bồi dưỡng sau: Mức 1 là 13.000 đồng, tăng 3.000 đồng so với hiện nay; mức 2 là 20.000 đồng, tăng 5.000 đồng; mức 3 là 26.000 đồng, tăng 6.000 đồng; mức 4 là 32.000 đồng, tăng 7.000 đồng.
Nguyên tắc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật là việc tổ chức bồi dưỡng bằng hiện vật phải thực hiện trong ca, ngày làm việc, bảo đảm thuận tiện, an toàn vệ sinh thực phẩm… và đặc biệt không được trả bằng tiền, không được trả vào lương (bao gồm cả việc đưa vào đơn giá tiền lương) thay cho hiện vật bồi dưỡng.
Thông tư 24/2022/TT-BLĐTBXH có hiệu lực từ ngày 1-3.