Thông tin trên được công bố tại tọa đàm về Ứng dụng ChatGPT trong quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp: Cơ hội và Thách thức do Sở TT-TT, Sở KH-CN, Đại học Quốc gia TP.HCM và Thành Đoàn TP.HCM tổ chức sáng 1.3.
Ông Lâm Đình Thắng, Giám đốc Sở TT-TT TP.HCM, cho biết sau khi ra mắt tháng 11.2022, thì 2 tháng sau ChatGPT đã đạt khoảng 100 triệu người dùng, tạo nên một cơn sốt trên toàn cầu. Một khảo sát 1.000 doanh nghiệp được công bố ngày 25.2 vừa qua cho thấy khoảng 48% số công ty đã ứng dụng ChatGPT vào công việc.
Ở lĩnh vực quản lý nhà nước, ông Thắng cho hay, nhiều ý kiến cho rằng ChatGPT có thể ứng dựng vào hỗ trợ cung cấp dịch vụ công cho công dân hay hỗ trợ cơ quan chức năng trong việc ra quyết định. Tuy nhiên, ChatGPT cũng đặt ra những thách thức tiềm ẩn, thách thức cho quản lý nhà nước, như việc đảm bảo tính minh bạch, chính xác và an toàn thông tin, hoặc việc kiểm soát và giải quyết các tranh chấp hay xung đột có liên quan đến ChatGPT.
"Cách tiếp cận chúng tôi đề nghị là nhanh chóng nhưng bình tĩnh, thận trọng; xem xét một cách khoa học, tận dụng những lợi thế và xác định những rủi ro để có biện pháp phòng tránh", ông Thắng nói.
Hỏi khó ChatGPT: siêu thông minh nhưng có lúc 'ngớ ngẩn'?
PGS-TS Đinh Điền, Giám đốc Trung tâm Ngôn ngữ học tính toán, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên TP.HCM, cho rằng có thể ứng dụng ChatGPT để tạo câu trả lời cho những câu hỏi phổ biến của cơ quan hành chính, giúp tiết kiệm công sức cho công chúng và nhân viên hành chính.
Để làm được điều này, nhân viên hành chính phải rành, hiểu và làm chủ được ứng dụng này bởi không phải lúc nào cũng trả lời đúng. "Công cụ này chỉ mang tính hỗ trợ, tham khảo chứ không nên phụ thuộc vào nó", ông Điền nói thêm.
Cũng tại tòa đàm, Sở TT-TT TP.HCM đặt hàng nghiên cứu ứng dụng ChatGPT vào 4 lĩnh vực. Đầu tiên là ứng dụng ChatGPT hỗ trợ thành phố nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ. Cụ thể, ứng dụng ChatGPT vào dịch vụ công trực tuyến, trả lời tiến độ giải quyết thủ tục hành chính; và ứng dụng ChatGPT vào Tổng đài 1022 nhằm ghi nhận và trả lời kiến nghị của người dân, doanh nghiệp.
Thứ 2 là ứng dụng ChatGPT trong việc hỗ trợ cho lãnh đạo thành phố, như xây dựng hệ thống trợ lý ảo, đăng ký và kiểm tra lịch làm việc, tóm tắt hồ sơ, tài liệu.
Thứ 3, thành phố cũng đặt hàng ứng dụng ChatGPT làm trợ lý ảo học tập phục vụ cho giảng viên, thầy, cô giáo, học sinh trên địa bàn. Cuối cùng là nghiên cứu cơ chế bảo mật, quản lý dữ liệu trong việc sử dụng ChatGPT.