Tín dụng không bị áp lực cũ dồn sang
Trao đổi với phóng viên Báo Đầu tư Chứng khoán, ông Nguyễn Thanh Tùng, Tổng giám đốc Vietcombank cho rằng, con số tín dụng tháng 1 và tháng 2/2023 sẽ không nói lên được nhiều điều. Thứ nhất, năm nay, Tết Dương lịch và Tết Nguyên đán gần nhau, thời gian làm việc ngắn, nên khách hàng không vay mượn nhiều. Thứ hai, câu chuyện liên quan đến tính chu kỳ. Cuối năm trước, khách hàng thường vay mượn nhiều, đầu năm mới sẽ tập trung trả nợ và tạm thời không vay nữa.
“Do đó, tăng trưởng tín dụng đầu năm nếu có giảm so với cuối năm trước là điều bình thường và tỷ lệ giảm này cũng sẽ không có nhiều ý nghĩa. Nếu so sánh tín dụng đầu năm 2022 tăng mạnh, chúng ta cần phải nhìn lại thời điểm cuối năm 2021 có nhiều yếu tố khiến tín dụng dồn sang năm 2022. Trong khi đó, cuối năm 2022, Ngân hàng Nhà nước cung ứng đủ hạn mức tăng trưởng (room) tín dụng, nên không bị áp lực dồn sang đầu năm 2023. Thị trường đang vận hành bình thường, theo đúng nhu cầu”, ông Tùng nói.
Ông Nguyễn Hưng, Tổng giám đốc TPBank cho biết, so với các năm trước, năm 2022 có mức tăng trưởng tín dụng đột biến ngay từ đầu năm, thực chất do tính thời vụ vào cuối năm 2021, nhu cầu rất lớn trong khi không còn room tín dụng, khiến việc vay vốn dồn sang đầu năm 2022. Tuy nhiên, năm 2023 lại rất khác, bởi đến cuối năm 2022, khi hệ thống được bổ sung room tín dụng, thì việc sử dụng phần bổ sung đó cũng rất ít và đến đầu năm 2023 có room tín dụng mới, nhưng nhu cầu trên thị trường rất yếu.
Ông Trần Ngọc Báu, Giám đốc điều hành WiGroup (đơn vị chuyên cung cấp dữ liệu kinh tế - tài chính Việt Nam) nhận xét hoạt động cho vay của toàn ngành ngân hàng tăng trưởng 3,4% trong các tháng cuối năm 2022 (so với quý III), sau khi Ngân hàng Nhà nước nới room tín dụng cho một số ngân hàng. Tuy vậy, nếu so với cùng kỳ các năm trước, thì mức tăng khoản mục cho vay khách hàng vẫn tương đối thấp. Bởi lẽ, dư địa cho vay không còn nhiều, vì phần lớn tín dụng đã được hấp thụ trong 6 tháng đầu năm 2022 và gần 70% các khoản vay mới là các khoản vay ngắn hạn.
Bà Trần Thị Khánh Hiền, Giám đốc Khối Phân tích, Công ty Chứng khoán VNDIRECT cho hay, tín dụng chỉ tăng thêm khoảng 5% từ cuối tháng 6 đến cuối tháng 12/2022 (6 tháng đầu năm 2022 tăng 9,5%), chậm lại rõ rệt khi ổn định kinh tế vĩ mô vẫn là ưu tiên hàng đầu của Chính phủ trong năm 2022 và kể cả năm 2023 - 2024.
Báo cáo tài chính năm 2022 các ngân hàng đã công bố cho thấy, phần lớn tín dụng được hấp thụ trong 6 tháng đầu năm 2022 và đây cũng là yếu tố hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng cả năm của các ngân hàng đều đạt chỉ tiêu cơ quan quản lý giao.
Cụ thể, trong khối ngân hàng thương mại cổ phần có vốn nhà nước chi phối, dư nợ tín dụng năm 2022 của Vietcombank vượt mốc 1 triệu tỷ đồng (1,15 triệu tỷ đồng), tăng 19% so với năm 2021. Trong đó, tín dụng bán buôn tăng 18,5%, tín dụng bán lẻ tăng 19,4%.
Tính đến 31/12/2022, dư nợ tín dụng tại VietinBank đạt 1.280.000 tỷ đồng, tăng 12,1%; dư nợ tín dụng của BIDV đạt 1,5 triệu tỷ đồng, tăng 12,65% (năm 2021 tăng 11,8%), đảm bảo giới hạn Ngân hàng Nhà nước giao (12,7%).
Trong khối các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân, VPBank ghi nhận tín dụng tăng trưởng gần 31% tại ngân hàng mẹ trong năm 2022. Động lực tăng trưởng chính đến từ hai khối chiến lược là khách hàng cá nhân (RB) và khách hàng doanh nghiệp nhỏ và vừa (SME), tăng 37%.
Dư nợ tín dụng của Techcombank tính đến cuối năm 2022 tăng 14,5% so với cuối năm 2021, theo đúng chỉ tiêu của Ngân hàng Nhà nước cấp. Trong cơ cấu tín dụng của ngân hàng hợp nhất, dư nợ cho vay khách hàng cá nhân tăng 40,1% và chiếm 49,1% danh mục; dư nợ cho vay khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ tăng 7,3%, đạt 69.400 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2022, quy mô tín dụng của MB tăng 25% so với năm 2021. Tại VIB, dư nợ tín dụng đạt 233.920 tỷ đồng, tăng 14,5%, theo hạn mức Ngân hàng Nhà nước cho phép.
Tín dụng quý I/2023 dự báo tăng dưới 5%
Đầu năm 2023, các ngân hàng có room tín dụng mới, nhưng nhu cầu trên thị trường rất yếu.
Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, tín dụng trong năm 2022 ước tăng 14,5%, con số này thấp hơn định hướng tăng trưởng tín dụng 15,5 - 16% được điều chỉnh vào đầu tháng 12/2022.
Phó thống đốc thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, trên cơ sở kết quả tín dụng tăng 14,17% của năm 2022, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán định hướng tăng trưởng tín dụng của năm 2023 là 14 - 15%, nhưng sẽ điều chỉnh phù hợp với diễn biến và tình hình thực tế.
“Ngân hàng Nhà nước thông báo và định kỳ rà soát, xem xét điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 đối với từng tổ chức tín dụng trên cơ sở tình hình hoạt động, năng lực tài chính và khả năng tăng trưởng tín dụng lành mạnh”, ông Tú nói.
Ông Nguyễn Hưng chia sẻ: “Trong giai đoạn hiện nay, TPBank chủ yếu cho vay các doanh nghiệp, tập trung vào sản xuất, xuất nhập khẩu vẫn tương đối tốt. Còn thị trường vay mua nhà, mua xe, người dân đang khá thận trọng. Chưa kể, khi thị trường bất động sản không được tốt, nhiều người dân và các ngành khác liên quan cũng bị ảnh hưởng. Theo đó, nhu cầu tín dụng sẽ kém đi. Tôi dự kiến, trong quý I/2023, mức tăng tín dụng của toàn ngành cũng như của TPBank dưới 5%”.
Bà Khánh Hiền dự báo, tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống sẽ chậm lại và đạt khoảng 12% trong năm 2023, do thị trường bất động sản kém khả quan, tăng trưởng xuất khẩu giảm tốc và lãi suất cao. Các chủ đầu tư sẽ gặp khó khăn trong việc huy động vốn khi thị trường trái phiếu doanh nghiệp trầm lắng và lãi suất tăng cao, ảnh hưởng đến nhu cầu vay mua nhà. Xuất khẩu, một trong những trụ cột tăng trưởng chính của Việt Nam, sẽ giảm tốc, ước tăng 9,5% trong năm 2023 (năm 2022 tăng 14%). Hơn nữa, các doanh nghiệp sẽ tạm thời ngưng mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh trong bối cảnh lãi suất tăng cao và nhu cầu tiêu dùng suy yếu.
Ngoài ra, theo bà Hiền, lạm phát dự kiến sẽ ở mức cao. Mặc dù lạm phát toàn cầu đã có dấu hiệu đạt đỉnh, nhưng lạm phát tại Việt Nam có thể duy trì mức cao do mức tăng tiền lương 20,8% có hiệu lực từ tháng 7/2023 và sự tăng giá ở các dịch vụ như y tế, vận tải công cộng...
“Cuối cùng, căng thẳng thanh khoản cũng là một nguyên nhân làm chậm lại đà tăng trưởng tín dụng. Vào cuối quý III/2022, các ngân hàng đều ghi nhận chỉ số dư nợ tín dụng/vốn huy động (LDR) tăng mạnh, một số ngân hàng gần chạm ngưỡng quy định (85%)”, bà Hiền nói.
Trong diễn biến có liên quan, bà Hiền cho rằng, sẽ có sự phân hóa về room tín dụng năm 2023 giữa các ngân hàng. Ngân hàng Nhà nước sẽ ưu tiên các ngân hàng thương mại có cơ cấu tín dụng lành mạnh (tỷ trọng cho vay các phân khúc rủi ro như bất động sản và trái phiếu doanh nghiệp thấp và/hoặc tỷ trọng cho vay bán lẻ cao), tham gia cơ cấu lại các tổ chức tài chính yếu kém, chất lượng tài sản lành mạnh, tỷ lệ an toàn vốn cao và quản trị rủi ro tốt.