Sáng 1.3, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì cuộc họp báo cáo kết quả rà soát, hướng dẫn, tổ chức thực hiện bãi bỏ quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công.
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công an Nguyễn Duy Ngọc cho biết hiện có 39 thủ tục hành chính (TTHC) liên quan đến sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy, tuy nhiên, mới có 2 TTHC của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (Bộ Công thương) đã công bố. Bộ Công an đề nghị các bộ, ngành, địa phương khẩn trương rà soát sửa đổi các thông tư liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công, công bố TTHC, chỉnh sửa phần mềm, xây dựng tài liệu hướng dẫn chi tiết…
Ông Ngọc đề nghị các bộ, ngành, địa phương phải quyết tâm thực hiện nghiêm, hiệu quả luật Cư trú năm 2020, quy định bỏ sổ hộ khẩu giấy, sổ tạm trú giấy, không được buộc người dân phải đi xin xác nhận cư trú. "Các bộ, ngành, địa phương nào không thực hiện hiệu quả những nhiệm vụ trên phải chịu trách nhiệm xin lỗi dân", Thứ trưởng Ngọc nói.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Hoàng Minh Sơn cho hay ngành giáo dục đã liên thông, sử dụng cơ sở dữ liệu. Tuy nhiên, một số địa phương chưa cập nhật thông tin trẻ dưới 5 tuổi vào hệ thống Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư nên gặp những khó khăn nhất định.
Kết luận cuộc họp, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà biểu dương các địa phương đã thực hiện tốt việc giải quyết TTHC cho công dân khi bãi bỏ quy định liên quan đến việc nộp, xuất trình sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy khi thực hiện TTHC, cung cấp dịch vụ công. Tuy nhiên, vẫn còn tồn tại nhiều vấn đề khiến người dân lúng túng trong quá trình đi giải quyết TTHC khi bỏ sổ hộ khẩu, sổ tạm trú giấy. Trong đó, các bộ, ngành chưa công bố các thủ tục phải kết nối liên thông giữa Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư với cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Phần mềm liên quan còn lỗi cũng khiến người dân lúng túng khi khai báo.
Dù vậy, theo Phó thủ tướng, đây là vấn đề lớn và mới nên phải vừa làm, vừa khắc phục, giải quyết những vấn đề phát sinh như quá tải, dự báo chưa sát nhu cầu, năng lực hệ thống, đường truyền, hạ tầng lưu trữ... Nếu chỉ riêng Bộ Công an hay Bộ TT-TT sẽ không thực hiện được.
Phó thủ tướng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương từ nay đến 15.3 phải đưa ra kế hoạch cụ thể, đánh giá kỹ lưỡng về cơ sở vật chất, phần mềm quản trị của các bộ, ngành để kết nối liên thông với Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và những vấn đề pháp lý liên quan.
"Địa phương nào để xảy ra những vấn đề ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân, Chính phủ sẽ có chỉ đạo và kiên quyết xử lý. Đây là vấn đề không nên để xảy ra dù chỉ một ngày, một giờ", Phó thủ tướng nhấn mạnh.