"Kỳ lân" đầu tiên lên sàn chứng khoán
Ngày 5/1/2023, 35,8 triệu cổ phiếu VNZ của CTCP VNG chính thức niêm yết lần đầu trên tràn UpCoM với giá tham hiếu 240.000 đồng/cổ phiếu, vốn hoá 8.600 tỷ đồng, tương đương 360 triệu USD - thấp hơn nhiều so với mức định giá tỷ USD mà doanh nghiệp này được cho là muốn nhắm đến khi thực hiện IPO tại Mỹ.
Công ty cổ phần VNG được thành lập và hoạt động tại Việt Nam từ ngày 9/9/2004. Kể từ ngày thành lập cho đến nay, VNG đã có những bước phát triển vượt bậc, từ một công ty chuyên về trò chơi trực tuyến đầu tiên tại Việt Nam (với tên gọi ban đầu là VinaGame), cho đến hiện nay đã trở thành một trong những công ty công nghệ, giải trí, dịch vụ internet, sản xuất phần mềm hàng đầu tại Việt Nam.
VNG tập trung chủ yếu vào games, nền tảng kết nối, thanh toán điện tử, tiêu biểu như Zalo, Zing MP3, ZaloPay, VNG Cloud… Ngoài ra, VNG cũng đang đầu tư mạnh tay cho trí tuệ nhân tạo (AI) và các xu hướng công nghệ, startup giàu tiềm năng.
CTCP VNG được xem là "kỳ lân" đầu tiên của Việt Nam. Năm 2014, VNG được World Startup Report định giá 1 tỷ USD. Đến năm 2019, VNG được quỹ đầu tư Temasek của chính phủ Singapore định giá ở mức 2,2 tỷ USD.
Cơ cấu cổ đông của doanh nghiệp gồm cổ đông lớn nhất là VNG Limited - thành lập ở quần đảo Cayman (lãnh thổ hải ngoại của Anh ) giữ 49%. Tiếp đến là CTCP công nghệ BigV giữ 19,83%. Cuối cùng là ông Lê Hồng Minh - nhà sáng lập, cựu chủ tịch nắm giữ 9,84%.
Với số cổ phần VNG này, ngay khi công ty lên sàn, ông Lê Hồng Minh đã “chen chân” vào Top 120 người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam với khối tài sàn gần 850 tỷ đồng, xếp trên nhiều nhân vật tiếng tăm như thiếu gia Đỗ Vinh Quang của nhà bầu Hiển, khối tài sản ước tính 835 tỷ đồng và ông Nguyễn Như So của Dabaco với khối tài sản 824 tỷ đồng.
Kết quả kinh doanh xuống dốc
Về bức tranh tài chính, tại quý IV/2022, VNG ghi nhận doanh thu đạt 2.036 tỷ đồng, tăng 5,8% so với cùng kỳ. Cùng chiều, lợi nhuận gộp công ty tăng 19% so với cùng kỳ lên 917,47 tỷ đồng, nhưng mảng doanh thu tài chính lại ghi nhận giảm 51,8%, tương ứng giảm 29,8 tỷ đồng về 27,78 tỷ đồng.
Mức chi phí tài chính của quý này lên 42,06 tỷ đồng, đạt ngưỡng 50,28 tỷ đồng, cùng với chi phí bán hàng và chi phí quản lý doanh nghiệp đều tăng lần lượt 4% và 22% đã khiến cho kết quả kinh doanh của VNG chịu lỗ 547 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 267 tỷ đồng.
Theo bản giải trình, mức lỗ tăng lên do do các công ty trong nhóm tiếp tục thúc đẩy hoạt động quảng cáo cho các sản phẩm mới, sản phẩm chiến lược, đầu tư mở rộng và phát triển các thị trường mới như Mỹ La Ting, các nước Ả Rập, châu Phi. Ngoài ra, chi phí khác tăng cao do ghi nhận lỗ từ thanh lý tài sản (máy chủ, linh kiện, phụ tụng và thiết bị công nghệ thông tin), loại bỏ một số sản phẩm trò chơi không đạt kết quả trong hoạt động như kế hoạch dẫn đến sụt giảm lợi nhuận so với cùng kỳ năm trước.
Luỹ kế cả năm 2022, VNG ghi nhận doanh thu đạt 7.800 tỷ đồng, tăng nhẹ 2% so với cùng kỳ và ghi nhận lỗ 1.315 tỷ đồng, so với cùng kỳ chỉ lỗ 70 tỷ đồng, tức giảm 1.245 tỷ đồng
Tại ngày 31/12/2022, tổng tài sản của VNG giảm nhẹ xuống 9.092 tỷ đồng. Trong đó, khoản mục tiền và tương đương tiền tăng 6% lên 2.615 tỷ đồng, cùng các khoản đầu tư nắm giữ đáo hạn giảm 82% về 465 tỷ đồng.
Đáng chú ý, chi phí xây dựng dài hạn dở dang tăng gấp 5 lần lên 1.039 tỷ đồng; đầu tư vào công ty liên kết tăng 4,5 lần lên hơn 1.230 tỷ đồng, trong đó, VNZ đã đầu tư vào Tiki Global hơn 510 tỷ đồng, vào Dayone hơn 138 tỷ đồng, đầu tư Rocketeer với 33 tỷ đồng, Ecotruck gần 81 tỷ đồng, Beijing Youtu 35,3 tỷ đồng...
Tính đến cuối năm 2022, lỗ lũy kế từ việc đầu tư của VNG đã lên tới 643 tỷ đồng. Trong đó, khoản lỗ lũy kế VNG phải gánh từ Tiki đã bằng đúng với số tiền đầu tư vào công ty này là 510 tỷ đồng. Các khoản đầu tư khác vào Telio, Funding Asia, và Ecotruck cũng đều ghi nhận lỗ.
Ngoài ra, VNG còn ghi nhận khoản lỗ của cổ đông không kiểm soát 457 tỷ đồng. Thời điểm 31/12, khoản đầu tư của VNG vào Zion - đơn vị sở hữu ví điện tử Zalo Pay ghi nhận hơn 2.963 tỷ đồng, tăng 1.082 tỷ đồng sau một năm. Hiện tại, công ty đang nắm giữ 69,98% cổ phần của Zion.
Về cơ cấu nợ, nợ phải trả của VNG tăng 29% lên 3.758,4 tỷ đồng, chiếm tỉ trọng lớn nhất là nợ ngắn hạn với 2.755 tỷ đồng, còn khoản vay nợ dài hạn tăng 130% lên hơn 590 tỷ đồng.
Kỷ lục vô tiền khoáng hậu
Mặc kết quả kinh doanh xuống dốc cổ phiếu VNZ từ lúc lên sàn đã liên tục tăng thẳng đứng. Chỉ sau 1 phiên đầu tiên giảm sàn, cổ phiếu của VNG đã “khởi nghiệp” trên sàn UPCoM từ phiên thứ 2 với khối lượng cổ phiếu giao dịch tăng lên 11.234 cổ phiếu/phiên.
Ngay sau đó, dòng tiền ồ ạt kéo vào đã đẩy VNZ lên mức kịch biên độ 3 phiên liên tiếp, trong đó khối lượng khớp lệnh bình quân 5.900 cổ phiếu/phiên.
Từ ngày 6/2 – 15/2, 8 phiên giao dịch liền nhau đều trong trạng thái tăng kịch trần đã đẩy giá cổ phiếu VNZ lên ngưỡng 1.358.700 đồng/cổ phiếu, với tổng khối lượng giao dịch trong phiên là 134.000 đơn vị và khối lượng dư mua giá trần 5.337 đơn vị. Ước tính sau 8 phiên trần liên tiếp, cổ phiếu VNZ đã tăng hơn 300% trong vòng 8 phiên liên tiếp.
Cổ phiếu của công ty game này đã phá kỷ lục “vô tiền khoáng hậu” trên thị trường chứng khoán Việt Nam khi chạm đến mức giá trên 1 triệu đồng/cổ phiếu.
Trong đó, phiên ngày 10/2, VNZ đã tăng trên 130.000 đồng/cổ phiếu, vượt mặt cổ phiếu BMC của CTCP Khoáng sản Bình Định đạt được hồi tháng 5/2007 - thậm chí con số này cao hơn hầu hết thị giá cổ phiếu trên sàn chứng khoán Việt Nam.
Việc tăng “nóng” 8 phiên liên tiếp đã mang về cho VNG số vốn hoá 35.000 tỷ đồng, tương đương 1,25 tỷ USD, gấp gần 4,3 lần thời điểm chào sàn. Mức vốn hoá này giúp VNZ lên vị trí top 6 cổ phiếu có vốn hoá lớn nhất trên sàn UPCoM (xếp sau một số công ty như Lọc hoá dầu Bình Sơn, Hàng tiêu dùng Masan hay Tổng công ty cảng hàng không Việt Nam).
Nếu so sánh với sàn HoSE, vốn hoá của VNZ đã vượt qua một số ngân hàng như TPBank, SHB, MSB hay một số công ty như PNJ, REE, POW.
Sau phiên giao dịch ngày 15/2, cổ phiếu VNZ bỗng chốc quay đầu giảm kịch sàn, thậm chí 14 phiên liền sau đều không có giao dịch, chính thức phá chuỗi tăng trần 11 phiên liên tiếp kể từ khi niêm yết.
Thị giá VNZ tính đến hết ngày 1/3 chỉ còn 900.000 đồng/cổ phiếu, tăng gấp 4 lần kể từ khi niêm yết, ghi nhận là cổ phiếu đắt nhất trên sàn chứng khoán nếu xét về thị giá.
Trước đó, năm 2017, VNG dự định niêm yết trên sàn cổ phiếu Nasdaq của Mỹ, đến năm 2021 tờ Bloomberg có nhắc đến kế hoạch này với ước tính giá trị khoảng 2-3 tỷ USD. Tuy nhiên, VNZ lại bất ngờ chuyển hướng niêm yết trên sàn chứng khoán UPCoM (biên độ giao dịch 15%), vốn có tiêu chuẩn thấp hơn sàn HoSE (biên độ giao dịch 7%).