Như thế nào là tranh chấp liên quan đến đất đai?
Dự thảo luật đất đai (sửa đổi) đã bổ sung quy định trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp liên quan đến đất đai.
Cụ thể, tại Điều 225 dự thảo, quy định: "Tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai do TAND giải quyết theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự hoặc do trọng tài thương mại giải quyết theo quy định của pháp luật trọng tài thương mại".
Trao đổi với Thanh Niên, luật sư Nguyễn Công Phú (nguyên Phó chánh tòa Kinh tế, TAND TP.HCM) cho biết, sự thay đổi này thể hiện nỗ lực của nhà làm luật và cũng phù hợp với thực tiễn.
Trong thời gian qua, không chỉ có tòa án, mà các tổ chức trọng tài thương mại ở nước ta, đã từng giải quyết nhiều vụ tranh chấp phát sinh từ hợp đồng có đối tượng là quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền với đất.
Tuy nhiên, theo luật sư Nguyễn Công Phú, dự thảo quy định vẫn chưa rõ ràng, dễ gây tranh cãi hoặc nhầm lẫn. Dự thảo và luật Đất đai hiện hành đều quy định, tranh chấp đất đai là tranh chấp về quyền, nghĩa vụ của người sử dụng đất giữa 2 hoặc nhiều bên trong quan hệ đất đai.
Dự thảo luật Đất đai không giải thích về khái niệm mới được bổ sung là "tranh chấp liên quan đến đất đai". Trong khi đó, thời gian qua vẫn có sự tranh cãi hoặc nhầm lẫn giữa khái niệm "tranh chấp đất đai" và khái niệm "tranh chấp liên quan đến quyền sử dụng đất".
Do đó, nếu cho trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp liên quan đến đất đai, thì dự thảo luật nên giải thích rõ 2 khái niệm trên.
Luật sư Nguyễn Công Phú đề xuất ở phần "giải thích từ ngữ" của dự thảo nên quy định: "Tranh chấp đất đai là tranh chấp về việc xác định người có quyền sử dụng đất hoặc về việc áp dụng các biện pháp bảo vệ quyền sử dụng đất khi quyền này bị xâm phạm. Tranh chấp liên quan đến đất đai là tranh chấp phát sinh từ hợp đồng (hoặc về quyền, nghĩa vụ phát sinh từ hợp đồng) có đối tượng là quyền sử dụng đất".
Dự thảo luật Đất đai trái với bộ luật Tố tụng dân sự?
Cũng theo luật sư Nguyễn Công Phú, Điều 470 bộ luật Tố tụng dân sự quy định, vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài mà có liên quan đến quyền đối với tài sản là bất động sản có trên lãnh thổ Việt Nam, thì thuộc thẩm quyền giải quyết riêng biệt của tòa án Việt Nam.
"Đối với các "tranh chấp đất đai" hoặc "tranh chấp liên quan đến đất đai" trên lãnh thổ Việt Nam mà có yếu tố nước ngoài, nếu luật Đất đai sửa đổi cho phép trọng tài thương mại được giải quyết, thì có mâu thuẫn với bộ luật Tố tụng dân sự hay không?", ông Phú đặt vấn đề.
Bởi trong thực tiễn đã có nhiều ý kiến khác nhau về vấn đề này. Có quan điểm cho rằng quy định trên của bộ luật Tố tụng dân sự, chỉ loại trừ thẩm quyền của tòa án nước ngoài, chứ không loại trừ thẩm quyền của trọng tài. Hoặc chỉ loại trừ thẩm quyền của tòa án và trọng tài nước ngoài, chứ không loại trừ thẩm quyền của trọng tài Việt Nam.
Thế nhưng, cũng có quan điểm cho rằng, quy định trên loại trừ thẩm quyền của cả tòa án nước ngoài và Trọng tài (không phân biệt là Trọng tài nước ngoài hay Trọng tài Việt Nam). Nghĩa là, cơ quan tài phán duy nhất ở đây phải là tòa án Việt Nam.
"Nếu cho trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết đối với các tranh chấp liên quan đến đất đai, thì theo tôi phải sửa đổi bộ luật Tố tụng dân sự hoặc có văn bản giải thích luật cho rõ ràng, tránh gây tranh cãi", luật sư Nguyễn Công Phú nhấn mạnh.
Giúp giảm tải công việc cho tòa án
Luật sư - TS Nguyễn Thị Kim Vinh (nguyên thẩm phán TAND tối cao) bổ sung thêm, căn cứ Điều 2 luật Trọng tài thương mại 2010, trọng tài thương mại có thẩm quyền giải quyết các tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại hoặc có ít nhất một bên có hoạt động thương mại.
Tuy nhiên, tại Điều 203 luật Đất đai hiện hành, quy định chỉ có tòa án mới có thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai.
"Hiện nay, đa số các trung tâm trọng tài thương mại tại Việt Nam quan ngại về thẩm quyền giải quyết của mình đối với tranh chấp thương mại có liên quan đến bất động sản", luật sư Kim Vinh thông tin.
Việc dự thảo bổ sung trọng tài là cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa các bên phát sinh từ hoạt động thương mại liên quan đến đất đai là phù hợp và thật sự cần thiết.
Theo quy định, đất đai thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý.
"Việc mở rộng phạm vi thẩm quyền của trọng tài, theo tôi cần cân nhắc kỹ lưỡng trong một nhóm giao dịch cụ thể và những loại tranh chấp nhất định. Khi có quy định cụ thể thì sẽ giảm tải bớt công việc cho tòa án", luật sư Kim Vinh phân tích.