Phương Tây đồng lòng ở G20
Phương Tây kêu gọi các quốc gia G20 tiếp tục gây áp lực lên Nga để chấm dứt một cuộc xung đột mà họ cho là đã gây bất ổn cho thế giới.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói với cánh nhà báo sau phiên họp kín: "Chúng ta phải tiếp tục kêu gọi Nga chấm dứt chiến sự và rút quân khỏi Ukraine vì hòa bình quốc tế và ổn định kinh tế".
"Thật không may, cuộc họp này một lần nữa bị hủy hoại bởi cuộc chiến vô cớ và phi lý của Nga chống lại Ukraine", ông Blinken cho biết.
Quan điểm của ông được Đức, Pháp, Hà Lan ủng hộ.
Ngoại trưởng Đức Annalena Baerbock cho biết: "Một thành viên G20 đã ngăn 19 thành viên còn lại tập trung nỗ lực vào những vấn đề mà G20 được lập ra để hướng tới".
Theo phái đoàn Đức, bà Baerbock đã đề nghị thẳng với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov tại cuộc họp: "Ông Lavrov, tôi yêu cầu ông quay trở lại thực hiện đầy đủ Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược New START và nối lại đối thoại với Mỹ".
Trước đó, trong thông điệp liên bang ngày 21-2, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã tuyên bố Nga tạm thời ngưng tham gia Hiệp ước cắt giảm vũ khí tấn công chiến lược New START.
Theo ông Putin, Mỹ không tuân thủ các điều khoản đã được ký kết và đang sử dụng chính hiệp ước này như một công cụ để làm suy yếu nước Nga.
Ông cáo buộc các tên lửa mang đầu đạn hạt nhân của Mỹ và các đồng minh NATO đang nhắm vào Nga, đồng thời quan ngại về dự án phát triển các loại vũ khí mới của phương Tây.
Tổng thống Nga yêu cầu Bộ Quốc phòng nước này đảm bảo sẵn sàng cho việc thử nghiệm hạt nhân của Nga nếu phía Mỹ tiến hành một hoạt động như vậy.
Ông Putin cũng cáo buộc phương Tây có liên quan trực tiếp đến các nỗ lực tấn công các căn cứ không quân chiến lược của nước này.
Nga phản pháo: "G20 bị biến thành trò hề"
Ngoại trưởng Nga Lavrov cũng thẳng thừng "bật" lại các luận điểm của phương Tây: "Một số phái đoàn phương Tây đã biến các nội dung trong chương trình nghị sự G20 thành trò hề, muốn đổ trách nhiệm về những thất bại kinh tế của họ cho Liên bang Nga".
"Phương Tây gây trở ngại cho việc xuất khẩu nông sản của Liên bang Nga", ông Lavrov nói thêm.
Ông cáo buộc phương Tây "chôn vùi một cách đáng xấu hổ" sáng kiến ngũ cốc ở Biển Đen, vốn nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp của Ukraine từ các cảng phía nam, theo Hãng thông tấn RIA Novosti.
Theo Hãng tin Reuters, một quan chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Ngoại trưởng Antony Blinken và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov có cuộc nói chuyện gần 10 phút bên lề cuộc họp G20 ở New Delhi ngày 2-3.
Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Nga phản bác rằng không có cuộc đàm phán hay gặp gỡ gì giữa hai ngoại trưởng bên lề G20.
Khai mạc hội nghị, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi kêu gọi các ngoại trưởng tìm tiếng nói chung về các vấn đề toàn cầu.
"Các vị họp vào thời điểm có sự chia rẽ sâu sắc trên toàn cầu. Chúng ta không nên cho phép những vấn đề mà chúng ta không thể giải quyết cùng nhau cản trở những vấn đề chúng ta có thể làm", ông Modi nói.
Ấn Độ giữ chức chủ tịch luân phiên của G20 năm nay và kêu gọi tìm kiếm giải pháp ngoại giao cho chiến sự Nga - Ukraine.
G20 là diễn đàn của 19 nền kinh tế hàng đầu thế giới và Liên minh châu Âu (EU).
Ngày 25-2, Bộ trưởng Tài chính Đức Christian Lindner cho biết "thật đáng tiếc" khi Trung Quốc chặn tuyên bố chung của nhóm G20 có nội dung lên án chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraine.
Xem thêm: mth.78032558120303202-02g-ihgn-ioh-o-uc-gnoud-hnim-tom-agn/nv.ertiout