Thông thường, những câu từ của Warren Buffett trong bức thư gửi cổ đông thường niên được “mổ xẻ” rất kỹ càng. Nhưng ở năm nay, ông lại không tiết lộ quá nhiều chi tiết. Đây là một trong những bức thư có nội dung ngắn nhất từ trước đến nay của ông và có những ý tưởng khá mới. Ông chỉ tiết lộ một chút rằng: “Kết quả đầu tư khả quan của chúng tôi trong năm nay đến từ rất nhiều quyết định đúng đắn, cứ 5 năm mới có 1 lần.”
Thực ra, với cụm từ “kết quả đầu tư khả quan”, Buffett đang tỏ ra khiêm tốn. Các cổ phiếu mà tập đoàn đầu tư của ông sở hữu - Berkshire Hathaway, đã ghi nhận tỷ suất sinh lời 3.787.464% trong gần 6 thập kỷ ông điều hành. Việc chỉ có 12 quyết định giúp tạo ra thành tích như vậy là điều rất đáng chú ý.
Nhìn chung, các nhà đầu tư gặp khó khăn trong việc tìm hiểu chi tiết về những khoản đầu tư này, nhưng cựu giám đốc quỹ phòng hộ - Marc Rubinstein, đã đưa ra một số phân tích.
Đứng top đầu trong số đó phải kể đến thương vụ thâu tóm National Indemnity - vốn tạo ra động lực cho mảng kinh doanh bảo hiểm, đóng góp khoảng 1 nửa tổng tài sản của Berkshire. Có trụ sở cách Berkshire chỉ vài dãy nhà ở Omaha, Buffett đã mua lại công ty này vào năm 1967 với giá 8,6 triệu USD, cùng với đó là 1 danh mục đầu tư nội bộ lãi 174.000 USD vào năm 1967. Cuối năm 1968, năm đầu tiên mà Buffett sở hữu, danh mục trên báo lãi 1,76 triệu USD.
Thương vụ thâu tóm này đã “thổi lửa” cho “mối tình” của vị tỷ phú với nguồn tiền mặt tự do (float), tức là phí bảo hiểm của khách hàng và Berkshire giữ chúng cho đến khi khách hàng gửi yêu cầu đòi bồi thường và được chấp thuận. Người viết tiểu sử về Buffett - tác giả Alice Schroeder, nhận định rằng, đối với một người như vị tỷ phú, việc dùng tiền của người khác để đầu tư trong khi ông là người nhận lãi, thì là một việc quá hấp dẫn.
Nguồn tiền mặt tự do tăng cao vì hầu hết các hợp đồng bảo hiểm đều yêu cầu khách thanh toán trước phí bảo hiểm và các công ty thường mất thời gian để tiếp nhận, sau đó mới giải quyết các yêu cầu bồi thường. Trong khi đó, các công ty bảo hiểm cũng có thể sử dụng khoản tiền đó để đầu tư vì lợi ích của chính họ. Theo chia sẻ của Buffett trong bức thư năm 1995, khoản tiền “miễn phí” này đã thúc đẩy hiệu quả hoạt động của Berkshire.
Báo cáo thường niên mới nhất của Berkshire cũng có đề cập đến việc này. Tại Berkshire Hathaway Primary Group, hơn 1 nửa số yêu cầu bồi thường được thanh toán sau hơn 1 năm kể từ khi khách gặp sự cố. Trong một trường hợp, công ty con của Berkshire - National Indemnity, đã nhận được các yêu cầu bồi thường từ năm 2017 với giá trị 10,2 tỷ USD nhưng đến nay mới thanh toán 2,7 tỷ USD.
Trong những năm qua, “thông qua các thương vụ thâu tóm, vận hành và đổi mới”, Berkshire đã củng cố thêm “kho” tiền mặt tự do của mình. Từ 39 triệu USD vào năm 1970, tổng giá trị nguồn tiền mặt tự do của tập đoàn hiện ở mức 164 tỷ USD. Chỉ riêng trong năm ngoái, khoản tiền này tăng thêm 17 tỷ USD, một phần nhờ việc mua lại 2 công ty bảo hiểm là Alleghany và Geico.
Buffett đã dành ít nhất 25 năm để theo dõi Geico trước khi “xuống tiền” mua 1/3 cổ phần của công ty vào năm 1976. Trong 10 năm tiếp theo, khoản nắm giữ trong doanh nghiệp này đã chiếm 1 nửa danh mục đầu tư cổ phiếu niêm yết của ông.
Năm 1995, ông sở hữu hoàn toàn Geico. Công ty bảo hiểm này không chỉ đóng góp 3 tỷ USD vào “kho” tiền mặt tự do của Berkshire mà còn kiếm đậm nhờ kết quả của những thương vụ thẩm định. Dù năm ngoái thua lỗ do các yêu cầu bồi thường tăng lên, lợi nhuận mảng thẩm định đã lên tới 19,8 tỷ USD, con số không tệ với một thương vụ thâu tóm tốn khoảng 2,4 tỷ USD.
Trong khi đó, các thương vụ thâu tóm tương tự lại cho ít kết quả tích cực hơn. Năm 1998, Berkshire mua lại General Re Corp., công ty có khoản tiền mặt tự do 14 tỷ USD nhưng lại mang theo rất nhiều vấn đề. Trong bức thư năm 2002, Buffett nói rằng công ty trên đã “mắc sai lầm nghiêm trọng về tính toán mức giá của sản phẩm họ đang bán.”
Các khoản đầu tư xanh của Berkshire vào lĩnh vực tái bảo hiểm những năm trước đó cũng không có thành tích đáng chú ý, càng làm nổi bật những rủi ro trong việc sử dụng nguồn tiền mặt tự do.
Tuy nhiên, một quyết định quan trọng đã giúp tập đoàn của vị tỷ phú giải quyết những khó khăn này. Đó là tuyển dụng Ajit Hain, ông hiện là phó chủ tịch điều hành mảng bảo hiểm của Berkshire. Phó chủ tịch Charlie Munger cho biết tại cuộc họp thường niên năm 2005 rằng nhờ ông Hain, Berkshire đã mang về hàng chục tỷ USD trong mảng tái bảo hiểm, thậm chí còn tốt hơn nhiều so với những thành tích trước đó.
Việc tuyển dụng Jain cùng các thương vụ mua lại National Indemnity và Geico là một trong số “12 quyết định thực sự đúng đắn” mà Buffett đã đưa ra. Những quyết định khác cũng quan trọng không kém nhưng được đưa ra theo cách đan xen, ví dụ như việc vị huyền thoại đầu tư mua cổ phiếu Coca-Cola, một phần trong đó được nắm giữ thông qua khoản tiền mặt tự do của Geico.
Tham khảo Bloomberg