Ngày 25/2, Liên minh châu Âu (EU) đã công bố gói trừng phạt thứ 10 nhằm vào Nga, bao gồm cả việc hạn chế xuất khẩu công nghệ.
Mỹ cũng tuyên bố vào ngày 24/2 rằng, họ sẽ mở rộng lệnh trừng phạt nhằm vào Nga, đưa thêm 22 cá nhân và 83 thực thể của nước này vào danh sách hạn chế.
Tuy nhiên, phát ngôn viên Hội đồng An ninh Quốc gia Nhà Trắng John Kirby cũng đã phải thừa nhận rằng, nền kinh tế Nga đang có dấu hiệu phục hồi và nước này đã chống đỡ được các lệnh trừng phạt quy mô lớn về kinh tế từ phương Tây.
Năng lượng và nông nghiệp là “phao cứu sinh”
Theo số liệu sơ bộ do Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang Nga công bố ngày 20/2, ngay cả khi bị phương Tây trừng phạt gần như toàn diện, GDP (tổng sản phẩm quốc nội) của Nga cũng chỉ giảm 2,1% vào năm 2022, tức là tốt hơn so với dự báo trước đây của Bộ Phát triển Kinh tế Nga và Ngân hàng Trung ương Nga rằng GDP của Nga sẽ giảm lần lượt 2,9% và 2,5% vào năm 2022, và thấp hơn nhiều so với mức 10-15% mà một số tổ chức dự đoán khi chiến sự bùng nổ vào năm ngoái.
Trang tin “Sao đỏ” của Trung Quốc trích dẫn phân tích của chuyên gia cho rằng, sở dĩ nền kinh tế Nga có thể chống đỡ được một phần là nhờ giá xuất khẩu dầu mỏ và khí đốt tự nhiên trên toàn cầu. Do bị ảnh hưởng bởi lệnh trừng phạt của phương Tây, giá của hai loại năng lượng này đã tăng mạnh, bù đắp cho lượng xuất khẩu sụt giảm. Ngoài ra, Nga đã chuyển hướng thị trường sang các quốc gia như Ấn Độ sau khi các khách hàng phương Tây hạn chế mua hàng trực tiếp do lo ngại về lệnh trừng phạt.
Theo công ty Vortexa Ltd, Ấn Độ - nhà nhập khẩu dầu mỏ lớn thứ ba thế giới - đã mua trung bình 1,2 triệu thùng/ngày từ Nga. Ảnh: Sina
Tổng thống Nga Vladimir Putin cũng chỉ ra rằng, nền nông nghiệp lớn mạnh của nước này cũng là một nhân tố quan trọng giúp duy trì khả năng phục hồi kinh tế của Nga. Theo số liệu của Cơ quan Thống kê Nhà nước Liên bang Nga, sản lượng lương thực năm 2022 của Nga đạt 153,8 triệu tấn, tăng 26,7% so với năm 2021.
Ông Putin cũng tuyên bố trong Thông điệp Liên bang hôm 21/2 vừa qua rằng: "Nông nghiệp Nga đã thu hoạch một vụ mùa kỷ lục với hơn 150 triệu tấn lương thực, trong đó có hơn 100 triệu tấn lúa mì. Trước khi kết thúc năm nông nghiệp, tức là trước ngày 30/6/2023, tổng lượng ngũ cốc xuất khẩu của chúng ta [Nga] đã tăng 55 triệu đến 60 triệu tấn."
Ngành ngân hàng: Tác động hạn chế, đã có biện pháp hóa giải
Theo trang “Sao đỏ”, kể từ khi xung đột Nga-Ukraine bùng nổ, các nước phương Tây đã thả "quả bom hạt nhân tài chính" xuống Nga, cụ thể là loại nhiều ngân hàng Nga ra khỏi hệ thống thanh toán của Hiệp hội viễn thông tài chính liên ngân hàng toàn cầu (SWIFT).
Đúng 1 năm sau khi xung đột bùng nổ, ngày 24/2/2023, các nước phương Tây lại thêm một số ngân hàng Nga vào danh sách trừng phạt; và EU cũng đã cắt đứt kết nối của hai ngân hàng Alfa-Bank và Tinkoff của Nga với hệ thống SWIFT.
Tuy nhiên, hầu hết các ngân hàng bị trừng phạt đều cho rằng, tác động của các lệnh trừng phạt chỉ ở mức hạn chế. Tinkoff cho biết, ngân hàng này đã đình chỉ giao dịch bằng đồng euro và các biện pháp trừng phạt này sẽ không ảnh hưởng đến khách hàng của họ. Tinkoff cũng đã có giải pháp cho phép khách hàng chuyển tài sản (ở nước ngoài) sang một công ty mới, không bị xử phạt trong vòng một đến ba tuần.
Nhiều ngân hàng Nga đã bị loại khỏi hệ thống thanh toán SWIFT. Ảnh: ABC
Trang tin “Sao đỏ” phân tích, dưới tác động chung của việc tăng lãi suất của Ngân hàng Trung ương Nga cũng như hoạt động ngoại thương của nước này, đồng ruble đã tăng giá trở lại sau khi giảm mạnh vào năm ngoái. Đồng ruble mạnh lên sau khi Nga yêu cầu các “quốc gia không thân thiện” phải thanh toán hợp đồng mua năng lượng bằng đồng ruble. So với tháng 12/2021, tỉ trọng của đồng ruble trong các khoản thanh toán quốc tế của Nga đã tăng gấp đôi.
Tổng thống Putin trước đây cũng từng tuyên bố rằng, ông hi vọng hợp tác với các đối tác để cùng thiết lập một hệ thống thanh toán toàn cầu ổn định và an toàn, độc lập với đồng USD và các loại tiền tệ phương Tây khác.
"Tự lực" trong khoa học công nghệ
Theo “Sao đỏ”, bên cạnh tài chính và năng lượng, các nước phương Tây cũng áp đặt các biện pháp trừng phạt nhằm vào lĩnh vực khoa học công nghệ của Nga, khiến nhiều dự án hợp tác quốc tế tại Nga bị ngưng trệ và không còn nguồn cung về trang thiết bị hiện đại. Tình thế cấp bách đã buộc Nga phải “tự lực" trong khoa học công nghệ.
Kênh truyền hình CCTV của Trung Quốc ngày 8/2 đưa tin, Tổng thống Putin đã tham dự sự kiện trao giải thưởng thường niên năm 2022 cho các nhà khoa học trẻ trong lĩnh vực khoa học và đổi mới của Nga.
Tại đây, ông Putin chỉ ra rằng: "Nga cần tạo ra hoặc nâng cấp các công nghệ then chốt của riêng mình trong lĩnh vực vi điện tử, công nghệ thông tin, giao thông vận tải, nghiên cứu và phát triển dược phẩm và vật liệu mới, cũng như các lĩnh vực quan trọng khác của đất nước trong một khoảng thời gian ngắn, vì đây là yêu cầu đảm bảo chủ quyền công nghệ, và bất kỳ sản phẩm chủ lực nào cũng phải độc lập sản xuất.”
Tổng thống Nga Putin gặp gỡ các nhà khoa học trẻ. Ảnh: Sputnik
Phó Thủ tướng Nga Dmitry Chernyshenko cũng cho biết, với sự hỗ trợ của chính phủ, lĩnh vực khoa học công nghệ Nga đã đạt được những bước phát triển. Năm ngoái, doanh thu của các công ty công nghệ Nga đã tăng 35,3%, vượt quá 2,3 nghìn tỉ ruble (khoảng 30 tỉ USD). Ngoài ra, so với năm 2021, mức lương trung bình hàng tháng trong ngành công nghệ thông tin của Nga đã tăng 16,4% và hiện đạt 124.000 ruble (khoảng 1.657 USD).
Theo trang tin “Sao đỏ”, Tổng thống Putin trước đó đã tuyên bố rằng, nếu các công ty Nga mua các giải pháp hoặc sản phẩm trí tuệ nhân tạo của các công ty công nghệ trong nước, họ sẽ được giảm thuế. Ông Putin giải thích rằng, với mỗi 1 ruble chi cho các sản phẩm này, bên mua sẽ được khấu trừ thuế 1,5 ruble.