Theo Tổ chức Cà phê quốc tế (ICO), tiêu thụ cà phê toàn cầu giai đoạn 2023-2030, dự báo tăng từ 1%-2%/năm trong khi ngành cà phê Việt Nam được Công ty Nghiên cứu thị trường Euromonitor nhận định sẽ tăng trưởng ở mức gần 8% cho giai đoạn 2022-2027.
Tăng trưởng nóng
Theo nghiên cứu này, ngành cà phê Việt Nam có quy mô 10.845 tỉ đồng vào năm 2022 (khoảng 452 triệu USD) và sẽ tăng lên 15.837 tỉ đồng vào năm 2027. Việt Nam là nước sản xuất và xuất khẩu cà phê lớn thứ hai thế giới, dân số đông, dân số trẻ với văn hóa cà phê nở rộ là yếu tố thúc đẩy thị trường cà phê phát triển mạnh mẽ.
Thực tế tại Việt Nam, đặc biệt là các đô thị lớn, quán cà phê ở khắp mọi nơi, không chỉ trên đường phố, các ngõ hẻm mà tại các cao ốc văn phòng, chung cư cũng có quán cà phê với nhiều quy mô khác nhau. Nhiều chuỗi cà phê đã và đang hình thành và ngày càng chuyên nghiệp đóng vai trò quan trọng trong ngành dịch vụ ăn uống (F&B).
Các chuỗi cà phê trong nước có thể kể đến: Highlands Coffee, The Coffee House, Trung Nguyên Legend, Ông Bầu, Napoli, Phúc Long, Cộng, Katinat, Passio… Ngoài ra, các thương hiệu cà phê quốc tế cũng đổ bộ vào thị trường Việt Nam ngày càng nhiều như: Starbucks, Amazon, Wayne’s…
Các chuỗi cà phê đang bùng nổ tại Việt Nam Ảnh: AN NA
Hậu COVID-19, tận dụng thời cơ giá mặt bằng cho thuê còn rẻ và đón đầu xu hướng tiêu dùng, giải trí thay đổi sau đại dịch, nhiều chuỗi cà phê đẩy mạnh tái cấu trúc, mở rộng chuỗi lẫn làm mới nhận diện thương hiệu.
Highlands Coffee, một trong những chuỗi cà phê lâu đời tại Việt Nam và là "đứa con chung" của doanh nhân Việt kiều David Thái cùng Tập đoàn Joliibee (Phillipines) đang đẩy mạnh quy mô điểm bán. Theo công bố trên website, chuỗi này đã có 597 cửa hàng. 1/3 trong số đó (201 cửa hàng) đặt tại TP HCM, Hà Nội có 137 cửa hàng, còn lại tại một số tỉnh, thành khác. Thị trường F&B chứng kiến sự gia tăng nhanh chóng số lượng điểm bán của chuỗi này, từ 365 cửa hàng vào tháng 3-2021 lên gần 600 cửa hàng hiện tại, tức tăng gần gấp đôi trong vòng 2 năm.
Một trong những chuỗi lâu đời khác là The Coffee House. Dù trải qua gần 3 năm đại dịch khó khăn, chuỗi này vẫn duy trì được 155 cửa hàng trên 18 tỉnh, thành trên cả nước và mở rộng ra các nền tảng đặt hàng online. Đầu năm 2023, chuỗi The Coffee House ra mắt cửa hàng Signature by The Coffee House là mô hình khác biệt hoàn toàn với các cửa hàng cà phê khác trong chuỗi với định vị cao cấp và riêng biệt hơn.
Đình đám nhất phải kể đến hiện nay là chuỗi Katinat Saigon Kafe thuộc Công ty CP Café Katinat (Công ty Café Katinat), vì được xem là chuỗi cà phê có tốc độ tăng trưởng nhanh nhất từ nửa cuối năm 2022 đến nay, khi sở hữu trên 30 chi nhánh tại TP HCM, Đồng Nai, Bình Dương và Tiền Giang. Tại TP HCM, phần lớn các cửa hàng Katinat tọa lạc ở những góc đường đông đúc như Đồng Khởi, Nguyễn Du, Hàm Nghi, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Bình Trọng… Mục tiêu của Katinat là sẽ có 50 cửa hàng trong tương lai gần. Hiện, chuỗi này có mặt trong tốp 12 thương hiệu trà, cà phê nổi tiếng ở Việt Nam.
Trong khi đó, Starbucks, chuỗi cà phê hàng đầu của Mỹ, sau 11 năm có mặt tại Việt Nam đã có hơn 70 cửa hàng. Dù tốc độ mở không quá nhanh nhưng cũng thuộc nhóm thương hiệu cà phê có số lượng cửa hàng và doanh thu lớn tại Việt Nam.
Thương hiệu Café Amazon VietNam (Thái Lan) với điểm nhấn là không gian ốc đảo tươi mát, giá bình dân từ 65.000 đồng/món trở xuống cũng đang có nhiều lợi thế phát triển. Mới chính thức có mặt tại Việt Nam từ tháng 10-2021, đến nay, Café Amazon đã có 15 cửa hàng tại TP HCM cùng 4 cửa hàng tại Đồng Nai, Bến Tre, Trà Vinh, Tiền Giang.
Giữa tháng 2 vừa qua, thị trường F&B Việt Nam đón nhận thêm 1 thương hiệu cà phê "siêu đắt" của Nhật Bản là %Arabica khai trương cửa hàng đầu tiên tại trung tâm quận 1, TP HCM. Thương hiệu này thông báo đang thi công quán thứ 2 cũng tại TP HCM trước khi mở rộng thêm nhiều địa phương khác như: Hà Nội, Hội An (Quảng Nam), Phú Quốc (Kiên Giang).
Vai trò quan trọng
Theo số liệu của Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam (Vicofa), năm 2022, lượng cà phê nhân được sử dụng chế biến và tiêu thụ nội địa đạt khoảng 16% sản lượng toàn ngành. Đây là một con số khích lệ khi tỉ lệ tiêu thụ nội địa bình quân 10 năm qua của toàn ngành dưới mức 10%.
Theo ông Nguyễn Nam Hải, Chủ tịch Vicofa, mục tiêu của Việt Nam là nâng tỉ lệ cà phê nội địa lên 25%-30%, tương đương với các nước sản xuất cà phê lớn trên thế giới là Brazil, Indonesia.
Theo khảo sát gần đây nhất, bình quân lượng cà phê tiêu thụ của Việt Nam là 2 kg/người/năm, còn thấp hơn nhiều so với các nước như: Mỹ 4,2 kg/người/năm, Brazil 5,8 kg/người/năm, Phần Lan 12 kg/người/năm… nên tiềm năng tăng trưởng còn lớn.
Vicofa dự báo sản lượng cà phê nhân chế biến nội địa dự kiến tiếp tục tăng trong những năm tới do sự ra đời của nhiều nhà máy chế biến cà phê, đặc biệt là cà phê hòa tan. Các quán, chuỗi cà phê trong nước có dấu hiệu phục hồi và mở rộng, nhất là các đô thị lớn. Ngoài cà phê rang xay thì cà phê hòa tan tiêu thụ nội địa cũng đang tăng trưởng tốt do các doanh nghiệp phát triển được kênh thương mại điện tử.
Theo chuyên gia về ngành cà phê Nguyễn Quang Bình, sự phát triển của các chuỗi cà phê trong nước những năm gần đây đã góp phần quan trọng trong việc nâng cao chất lượng cà phê Việt. "Để tạo được nét riêng cho sản phẩm, các chuỗi cà phê có tiếng trong nước thường có tiêu chuẩn thu mua cao hơn đi kèm giá cao hơn so với cà phê thương mại giao dịch trên sàn. Sự cạnh tranh thu mua đã góp phần tăng giá cà phê trong nước" - ông Bình nhận xét.
Xu hướng cà phê nguyên chất
Trước đây, do thói quen tiêu dùng, cà phê Việt Nam được độn nhiều loại ngũ cốc như: bắp, đậu nành… nên sử dụng cà phê nhân làm nguyên liệu không nhiều. Tuy nhiên, những năm gần đây, xu hướng sử dụng cà phê nguyên chất ngày càng phát triển, kéo theo việc gia tăng sử dụng nguyên liệu cà phê nhân. Đặc biệt, cà phê nhân đã khử caffeine cũng là một trong những sản phẩm tiêu biểu của ngành cà phê chế biến Việt Nam. Năm 2022, Việt Nam đã xuất khẩu 26.000 tấn cà phê khử caffeine, trị giá gần 77 triệu USD.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 2-3
Xem thêm: mth.8575032220303202-nel-gnad-coun-gnort-gnourt-iht-teiv-ehp-ac-irt-aig-gnan/et-hnik/nv.moc.dln