Không chỉ dư luận người dân, tại cuộc làm việc với UBND tỉnh Phú Yên và các đơn vị liên quan ngày 28-2 Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Văn Thắng cũng đã bức xúc khi ban quản lý dự án và các nhà thầu cho hay giá vật liệu xây dựng thông thường được tỉnh Phú Yên công bố cao hơn hai tỉnh lân cận, có trường hợp giá báo thực tế cho nhà thầu còn cao hơn giá niêm yết.
"Được thì mua, không thì thôi"!
Ông Lê Quyết Tiến - quyền cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng, Bộ Giao thông vận tải - cho biết qua rà soát, so sánh giá một số vật liệu ở Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa thì thấy có sự chênh lệch giá tương đối lớn.
"Ví dụ đá 1cm x 2cm Bình Định công bố giá 243.000 đồng/m3, Phú Yên công bố 459.000 đồng/m3; cấp phối đá dăm Bình Định công bố 127.000 đồng/m3 nhưng Phú Yên 299.000 đồng/m3; cát Bình Định có giá 95.000 đồng/m3, còn Phú Yên là 190.000 đồng/m3;
đất Bình Định công bố 30.000 đồng/m3, còn Phú Yên là 120.000 đồng/m3", ông Tiến cho hay.
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thắng đặt vấn đề Phú Yên là tỉnh còn khó khăn, công trình xây dựng chưa nhiều, vì sao Sở Xây dựng lại công bố giá vật liệu xây dựng "một trời một vực" so với các địa phương xung quanh và giá bán thực tế bên ngoài còn cao hơn giá niêm yết.
Ông Thắng đề nghị: "Dứt khoát UBND tỉnh, công an, thanh tra phải vào cuộc nếu thấy có bất thường".
Theo ông Lê Quốc Dũng - phó tổng giám đốc Ban quản lý dự án 7 thuộc Bộ Giao thông vận tải (chủ đầu tư đoạn cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong qua Phú Yên), giá cát theo dự toán khoảng 255.000 đồng/m3 (tính cả phí vận chuyển), nhưng qua khảo sát của nhà thầu thì giá cát thực tế ở Phú Yên khoảng 345.000 đồng/m3.
Đại diện một nhà thầu làm đoạn cao tốc Chí Thạnh - Vân Phong cho biết ông đi khảo giá hai mỏ cát gần sông Đà Rằng ở tỉnh Phú Yên thì đều được phía chủ mỏ "trả lời miệng" là cao hơn giá niêm yết khá nhiều.
"Tôi có đề nghị là họ báo giá cụ thể bằng văn bản, có đóng dấu để chúng tôi có cơ sở làm các thủ tục liên quan thì họ không chịu, chỉ nói mua được thì mua, không thì thôi", vị này cho hay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Đồng - phó giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Phú Yên - cho biết theo Luật giá thì giá vật liệu xây dựng thông thường không phải do Nhà nước quản lý, can thiệp mà do thị trường quyết định.
Hằng tháng, các chủ mỏ gửi báo giá về Sở Xây dựng để sở này tổng hợp công bố công khai. "Giá mỗi mỏ một khác là vì vị trí khác nhau, chi phí khai thác và sản xuất khác nên có sự chênh lệch. Ví dụ như ở Phú Yên chỉ có một, hai mỏ đất được cấp phép khai thác thì chủ mỏ nâng giá cao lên so với các tỉnh có nhiều mỏ đất cùng khai thác", ông Đồng nói.
Về thông tin giá bán cát xây dựng thực tế cao hơn giá công bố, ông Đồng cho hay: "Tỉnh đã tổ chức kiểm tra nhưng không phát hiện vi phạm. Chủ mỏ chứng minh bằng việc đưa ra các hóa đơn xuất bán bằng với giá đã công bố.
Chúng tôi đã nói với nhiều nhà thầu là nếu có chứng cứ chủ mỏ nào bán vượt giá niêm yết thì cung cấp, chúng tôi sẽ xem xét, vi phạm thì kiến nghị Sở Tài nguyên và Môi trường rút giấy phép khai thác ngay. Tuy nhiên, không ai đưa ra được chứng cứ gì thì không có cơ sở pháp lý để xử lý được".
Đã lập đoàn thanh tra về giá
Theo ông Đồng, chủ mỏ không thể đưa ra mức giá cao ngất ngưởng được vì đây là cơ sở để tính thuế, còn nếu họ bán cao hơn giá niêm yết mà trốn thuế thì có thể bị xử lý hình sự.
Trong khi đó, ông Tạ Anh Tuấn - chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên - cho hay giá đất, cát, đá của Phú Yên đã cao hơn các tỉnh lân cận trước khi làm dự án đường cao tốc, dù tỉnh không thiếu trữ lượng.
"Dù đây là mặt hàng không phải Nhà nước quản lý về giá, nhưng trong trường hợp đặc biệt thì sẽ đưa vào đối tượng quản lý về giá và buộc phải bán đúng giá cam kết, kê khai", ông Tuấn nói.
Ông Lê Tấn Hổ - phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Phú Yên - nói rằng khi biết dự án đường cao tốc qua tỉnh này, nhận thấy các mỏ vật liệu của tỉnh theo quy hoạch cũ có quy mô nhỏ, manh mún, xa vị trí làm dự án nên đã chỉ đạo lập quy hoạch mỏ quy mô lớn hơn, gần với dự án hơn để giảm giá thành, đẩy nhanh tiến độ và giảm ảnh hưởng đến hệ thống giao thông khác.
Tuy nhiên, trong giai đoạn đầu của dự án, trong khi các mỏ quy hoạch mới chưa hoàn tất thủ tục để cho các nhà thầu làm dự án trực tiếp khai thác, thì phải sử dụng từ nguồn mua lại của các chủ mỏ đang khai thác hiện nay.
"Chúng tôi cũng thấy giá vật liệu xây dựng thông thường ở Phú Yên cao nên UBND tỉnh đã lập đoàn thanh tra về giá, sắp tới sẽ tiến hành. Tỉnh cũng sẽ lập đoàn đi các tỉnh để tham khảo làm lại giá.
Ngay tuần tới, UBND tỉnh mời hai sở Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường, địa phương có mỏ đang khai thác, các ban quản lý dự án đường cao tốc và các chủ mỏ để làm việc, đảm bảo cam kết bán đúng giá niêm yết", ông Hổ nói.
Theo ông Đặng Ngọc Anh - giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Phú Yên, nhằm đảm bảo nguồn vật liệu xây dựng thông thường làm đường cao tốc Bắc - Nam, tỉnh Phú Yên đã giới thiệu 28 điểm mỏ để hai ban quản lý dự án sử dụng.
Trong số này có sáu mỏ cát, hai mỏ đất và sáu mỏ đá còn hiệu lực khai thác; dự kiến trong tháng 3-2023 có ba mỏ vật liệu xây dựng quy mô lớn được cấp phép cho các nhà thầu khai thác, các mỏ còn lại hoàn thiện thủ tục cấp phép trong thời gian tiếp theo.
Giá vật liệu xây dựng thông thường tại Phú Yên tháng 1-2023
* Cát: 4/6 mỏ công bố giá, thấp nhất 170.000 đồng/m3, cao nhất 225.000 đồng/m3.
* Đá: 7/8 mỏ công bố giá, thấp nhất 250.000 đồng/m3, cao nhất 444.000 đồng/m3.
* Đất: 2/3 mỏ công bố giá, thấp nhất 120.000 đồng/m3, cao nhất 129.000 đồng/m3.
Nguồn: Sở Xây dựng Phú Yên
Ngày 1-3, Bộ Giao thông vận tải tiếp tục báo cáo, đề xuất gia hạn khai thác các mỏ đất đắp làm dự án cao tốc Phan Thiết - Vĩnh Hảo qua Bình Thuận.
Xem thêm: mth.51021543220303202-aig-mal-ib-oc-cot-oac-gnoud-ueil-tav/nv.ertiout