"Một buổi trưa nọ có mấy con mèo đi qua bệnh viện, tôi vô tình so sánh bản thân mình với con mèo. Rằng tại sao con mèo còn đi lại được trên chính đôi chân của nó, còn mình thì không?", Nguyễn Ngọc Như (còn gọi là Nom Nom, 23 tuổi, quê Cà Mau) trải lòng về biến cố lớn nhất của cuộc đời trên kênh TikTok.
Những tâm sự chân thành của cô gái khuyết tật trên mạng giúp nhiều người tìm lại được niềm vui và tình yêu cuộc sống.
"Không đi được thì mình lăn"
Kể từ năm 18 tuổi, sau một vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, đôi chân Như đã không thể đi lại và cô không còn biết đến trò chơi rượt đuổi là như thế nào nữa. Giấc mơ của cô chỉ còn lại màu xám. Nhưng bốn năm sau, cô đã "lột xác thành người khác"...
Chân phải của Như có một vết sẹo dài, chúng hiện hữu ở đó sau một lần cô bị bỏng tại nhà. Chỉ một khiếm khuyết nhỏ ở chân đã khiến cô mặc cảm trong thời gian dài, đến mức đi đâu cũng mặc quần dài, mặc váy thì chọn mang vớ dài để che đi vết sẹo trên cơ thể. Nhưng với đôi chân không thể đi lại sau tai nạn bất ngờ, Như chẳng thể giấu chúng được ở đâu!
"Tôi cũng từng có ước mơ sẽ làm hướng dẫn viên du lịch, tôi thích đi đây đó, thích giao lưu với nhiều người nhưng mọi thứ đã dừng lại", cô nhớ lại ước mơ tuổi 18.
Cha mẹ không hạnh phúc, từ nhỏ Như được đưa về sống với gia đình ngoại. Hoàn cảnh gia đình đã trui rèn cho cô gái tính cách độc lập, mạnh mẽ, thậm chí có phần "ương bướng" nếu chỉ nhìn vẻ bề ngoài.
Khi cô bị tai nạn phải nhập viện, ông bà già yếu không thể chăm sóc được cho Như nhiều. Hầu hết thời gian, cô phải tự xoay xở một mình ở bệnh viện và cố gắng chiến đấu với số phận nghiệt ngã.
Ban đầu cô nghĩ chỉ cần cố gắng tập luyện, tích cực ăn uống, ngủ nghỉ đúng giờ, biết đâu một ngày nào đó sẽ đi lại được. Thế nhưng khi bác sĩ chẩn đoán tỉ lệ hồi phục chỉ 1%, Như hiểu cơ hội quá mong manh!
"Không đi lại được thì mình lăn. Mọi người xung quanh chỉ có thể động viên, giúp mình ở khía cạnh nào đó, chính bản thân mới là động lực to lớn nhất. Mình không sống cho mình thì chẳng ai có thể sống cho mình hết", Như quyết tâm.
Cô suy nghĩ và hành động tích cực hơn, tuân thủ phác đồ điều trị. Dù không biết có thể đi lại được hay không nhưng cô luôn nghe lời bác sĩ, tập vật lý trị liệu, ngủ sớm để giữ cho tinh thần thoải mái. Chỉ sau một năm, sức khỏe được cải thiện rõ rệt, cô tập làm quen với chiếc xe lăn.
"Tôi nhớ lần đầu tiên ngồi dậy được trên chiếc xe lăn kể từ sau vụ tai nạn, cảm giác thật hạnh phúc. Tôi điều khiển xe để "lăn" ra với thế giới bên ngoài", Như xúc động hồi tưởng.
... Và "lăn" đi thật xa!
Cuối năm 2019, cô gái nhỏ từ điểm cuối đất nước đánh liều bay ra thủ đô Hà Nội với quyết tâm thay đổi số phận: "Tôi phải tốt hơn, cho mọi người thấy tàn nhưng không phế".
Không bạn bè, không người thân, hành trang của cô chỉ vỏn vẹn là chiếc túi rỗng tuếch kèm địa chỉ: Trung tâm Nghị lực sống - nơi không có bất kỳ rào cản nào với người khuyết tật để giúp cô có cơ hội bình đẳng trong thị trường lao động.
Ở đó, cô được học kỹ năng công nghệ thông tin, thiết kế đồ họa. Thông thường, người khuyết tật chỉ học sáu tháng, nhưng thời điểm đó đúng dịch COVID-19 bùng phát, Như mất gần một năm để theo đuổi lớp học.
Tốt nghiệp khóa học, Như bắt đầu với công việc thiết kế hoạt hình 2D đúng chuyên môn đào tạo. Thế nhưng công việc bấp bênh, chỉ một thời gian sau Như nghỉ việc để tìm kiếm một công việc mới tốt hơn.
May mắn hồ sơ của cô được chấp thuận, một công ty nước ngoài có trụ sở tại Việt Nam chuyên cung cấp các dịch vụ và giải pháp đồ họa đã đồng ý tuyển dụng cô vào làm việc ở vị trí biên tập hình ảnh, đồ họa.
Cô được trả mức lương dao động khoảng 7 - 10 triệu đồng/tháng đủ để trang trải chi phí sinh hoạt ở Hà Nội, từ trả tiền phòng trọ, mua sắm đồ dùng thiết yếu cho bản thân.
Ở Hà Nội, Như sống một mình, tự chủ động làm tất cả mọi thứ. Trên chiếc xe lăn có đầu kéo (chẳng khác gì chiếc xe điện ba bánh - PV), mỗi ngày cô di chuyển khoảng 7km từ nhà đến công ty để làm việc.
Quãng đường cô đi làm khá xa nhưng đổi lại rất nhiều niềm vui. Không ít người đã nhận ra "Nom Nom lạc quan" trên kênh TikTok khi bất chợt gặp cô đang dừng đèn đỏ ở ngã tư đường, họ tiến đến hỏi han, trò chuyện và gửi kèm lời động viên chân thành.
Như xem công việc là niềm vui sống. Nhưng một mình mãi cũng có những ngày mỏi mệt, đã có khoảng thời gian cô bỏ việc gần nửa tháng trời chỉ nằm lì trong phòng suy nghĩ về trớ trêu của số phận.
Đồng nghiệp tá hỏa tìm đến địa chỉ nhà, mang thức ăn đến, trao cho cô cái ôm thật chặt, thậm chí là lời mắng mỏ giúp cô bình tâm lại, trở nên sáng suốt hơn.
Vậy là Như càng hiểu thêm rằng ngoài kia vẫn còn rất nhiều người tốt. Bằng cách nào đó, cô phải sống tiếp, phải làm việc nếu như cô còn muốn nếm trải thêm nhiều thú vui, thậm chí cả điều không vui trên cuộc đời này. "Phải tiếp tục sống", Như quả quyết với chính mình.
"Tôi ngoại lệ"
"Đã ngồi xe lăn, sao mang gì lắm giày?", "Chân bao giờ chạm đất đâu, sao mua nhiều quần áo như vậy?". Không ít người tò mò, thậm chí bình xét khi thấy cô gái đi xe lăn bận những bộ cánh nhiều màu sắc, thậm chí độc, lạ.
Như vẫn vui vẻ, cô không thể nào quên được giây phút hạnh phúc được xỏ đôi giày mới sặc sỡ sắc màu vào đôi chân dù lúc đó cô vẫn đang ở bệnh viện. Ở đó, người ta khen Như có đôi giày mới đẹp thế, dường như họ đã quên bẵng đi đôi chân của Như không thể đi lại được!
"Từ sau khi mình diện những bộ đồ đẹp, đôi giày mới, mọi người gặp là xuýt xoa: "Ồ, bộ đồ đẹp thế, đôi giày đẹp thế".
Tôi nhận ra những gì trên người mình là tâm điểm của sự chú ý ban đầu chứ không phải là đôi chân khiếm khuyết nữa. Khi được mặc bộ đồ đẹp, mang đôi giày đẹp, tôi cảm thấy rất tự tin. Chúng chẳng khác gì "bộ áo giáp" giúp tôi tự tin đi ra ngoài đường gặp gỡ, giao tiếp với mọi người", cô bộc bạch.
Như thử đăng những bức hình chụp của mình vào các group thời trang trên mạng xã hội. Ngay lập tức, gu thời trang độc lạ, cá tính của cô gái trên chiếc xe lăn thu hút ánh mắt nhìn của người đối diện. "Chị ơi, chị xinh lắm luôn. Em thích sự lạc quan của chị", "Cố lên chị nhé, gửi ngàn cái ôm đến chị", "Chị cười xinh lắm"...
Cơn mưa bình luận trên mạng xã hội như "viên thuốc thần kỳ" xoa dịu những khuyết thiếu số phận. Như thấy thích thú hơn trong việc chia sẻ những bức ảnh, đăng tải video trên mạng xã hội về cuộc sống thường nhật của một cô gái "lái xe lăn" đi làm, luôn nở nụ cười tươi vui, mặc bộ quần áo, chiếc váy xinh đẹp đi dạo phố, gặp gỡ bạn bè.
"Người khuyết tật thường mặc quần áo che đi những khiếm khuyết không muốn để người khác nhìn thấy. Thời trang không phải chỉ có chuẩn ba vòng phải đẹp, khuôn mặt phải xinh, tôi muốn là ngoại lệ!
Thời trang có thể dành cho một người ngồi xe lăn như tôi, giúp tôi thể hiện được tính cách ra bên ngoài. Tôi mong muốn trở thành một Fashionista!", Nguyễn Ngọc Như vui vẻ tâm sự mong muốn của đời mình.
-----------------------------
Trong căn bếp nhỏ xinh, chị di chuyển chiếc xe lăn để "lăn vào bếp". Hạnh phúc của chị là được tự tay nấu bữa ăn ngon cho cả gia đình.
Kỳ tới: Hạnh phúc của người vợ "xương thủy tinh"
Các bạn trẻ khuyết tật tưởng chừng số phận kém may mắn, đã biết tận dụng mặt tốt của mạng xã hội để làm chủ đời mình và lan tỏa tình yêu cuộc sống tốt đẹp, nghị lực vượt qua nghịch cảnh...