Ngày 3-3, Đoàn giám sát của Quốc hội đã làm việc với Sở Y tế TP.HCM về việc huy động, quản lý và sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng chống dịch; thực hiện chính sách về y tế cơ sở, y tế dự phòng.
"Hôm nay một giá, mai một giá"
Tại buổi làm việc ông Nguyễn Văn Vĩnh Châu - phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM - đã báo cáo về kết quả thực hiện các công tác trên cũng như nhiệm vụ trọng tâm của ngành y tế trong thời gian tới.
Về việc mua sắm thiết bị y tế, các cơ quan, đơn vị đã chủ động triển khai công tác mua sắm trang thiết bị để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch COVID-19; việc mua sắm đảm bảo theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và thực hiện tiết kiệm, hiệu quả trong đấu thầu mua sắm trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế.
Tuy nhiên, việc mua sắm còn gặp những khó khăn như: Dịch COVID-19 lần đầu tiên xuất hiện trên thế giới, diễn biến của dịch phức tạp, khó lường, nguy hiểm đến tính mạng của nhân dân, nên việc lập dự toán kinh phí cho phòng chống dịch chưa sát với thực tế…
Bên cạnh đó, việc mua sắm thuốc, vật tư, hóa chất, trang bị y tế trong thời gian dịch bệnh xảy ra có nhiều khó khăn như hàng hóa khan hiếm, nhà cung cấp cung ứng nhỏ giọt, nhiều nhà cung cấp không hoạt động, giá cả tăng nhanh...
Việc lấy báo giá của các nhà cung cấp cũng gặp khó do giãn cách xã hội. Nhiều mặt hàng, dịch vụ chỉ có 1 đến 2 nhà cung cấp trên toàn quốc nên không thể đủ 3 báo giá.
Việc tìm các công ty thẩm định giá cũng rất khó khăn do dịch bệnh phức tạp, các đơn vị này từ chối, không phản hồi.
Do giá cả biến động rất nhanh nên khi xây dựng xong dự toán chuyển sang quy trình mua sắm, giá đã giảm xuống, không còn phù hợp để mua sắm tiếp theo."Hôm nay một giá, mai một giá thậm chí hết hàng không thể mua được", ông Châu nói.
Một số chủng loại trang thiết bị phục vụ phòng chống dịch có tính đặc thù, không thông dụng. Có những loại thiết bị đơn vị chưa sử dụng bao giờ nên rất khó khăn trong việc xây dựng cấu hình, thông số kỹ thuật…
Cần hoàn thành chính sách khung pháp lý trong công tác mua sắm thuốc
Ông Châu cho hay, sau khi có kết luận của các cơ quan thanh tra, ghi nhận có rất nhiều sai sót trong quá trình thực hiện mua sắm, đấu thầu.
"Hiện nay, có những đơn vị từng là tiên phong đứng đầu chủ chốt của ngành y tế trong công tác chống dịch. Các đơn vị cách đây hai năm đã được các tôn vinh là các "thiên thần" thì hiện nay tất cả các đơn vị này đang làm kiểm điểm.
Đặc biệt là các đồng chí trong hội đồng thuốc điều trị, ban giám đốc các bệnh viện. Cá nhân tôi cũng đang sẽ làm kiểm điểm do kết luận của thanh tra, điều này ảnh hưởng rất nhiều đến tinh thần, tâm tư của anh em sau khi vừa trải qua một cuộc chiến.
Đồng thời điều này còn tạo ra sự không công bằng. Có những đơn vị trong mùa dịch không đi tiên phong, không phải làm gì thì không có sai sót. Còn những đơn vị tiên phong khi xét thi đua lại trở thành những đơn vị có sai sót bị kiểm điểm, có khả năng không hoàn thành nhiệm vụ", ông Châu tâm tư.
Do đó, phó giám đốc Sở Y tế TP.HCM kiến nghị cần hoàn thành chính sách khung pháp lý trong công tác mua sắm thuốc, nhằm mua được hàng hóa có chất lượng với giá cả hợp lý (thay cho mục tiêu giá rẻ nhất).
Khi thanh, kiểm tra công tác mua sắm, nhất là mua sắm phục vụ phòng chống dịch, cơ quan chức năng cần xem xét bối cảnh thực tế trong giai đoạn dịch bệnh và tinh thần của Nghị quyết 30.
Tại buổi giám sát ông Nguyễn Hồng Tâm - giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM - cho hay trung tâm này đã trải qua 4 đợt dịch, trong đợt dịch lần thứ 4 đã tham gia đấu thầu, rất nhiều.
"Ngày hôm qua tôi đã trực tiếp phải kiểm điểm những người tôi đã giao nhiệm vụ tham gia đấu thầu, buộc phải thực hiện đúng tiến độ đấu thầu. Hiện tại phải kiểm điểm họ mặc dù họ không có sai phạm gì hoặc cố tình.
Tôi kiến nghị, đề xuất xem xét không phải cố tình, trong tùy tình huống, hoàn cảnh cần có hướng xử lý thích hợp", ông Tâm cho hay.
Bảo đảm sinh mạng người dân trên hết
Trả lời các tâm tư trên, bà Nguyễn Thúy Anh - chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội - cho biết năm 2022, Ủy ban cũng đã giám sát tại một số địa phương và đã có báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Trong báo cáo, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội có nêu: Trên thực tế, công tác phòng chống đại dịch COVID-19 là một cuộc chiến với tinh thần "chống dịch như chống giặc".
Qua giám sát, các địa phương phản ánh có vô vàn tình huống phát sinh, khó khăn không thể lường hết, phần lớn là cơ sở nơi tâm dịch, các lực lượng nơi tuyến đầu.
Cơ quan chức năng đã áp dụng và triển khai xử lý hầu hết các phát sinh đáp ứng với yêu cầu, nhiệm vụ cao nhất là bảo đảm sinh mạng người dân trước hết và trên hết.
TTO - Theo kế hoạch thanh tra năm 2023, Bộ Y tế sẽ có 41 cuộc thanh tra các lĩnh vực khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế; đấu thầu, mua sắm thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế; quản lý, sử dụng vắc xin.