Ngày 3-3, ông Hồ Văn Ta Ngà, phó chủ tịch UBND xã Lìa (Hướng Hóa, Quảng Trị), xác nhận đến thời điểm hiện tại mới có 9 trên tổng số 18 thanh niên trên địa bàn đi lao động theo diện "việc nhẹ lương cao" tại tỉnh Lâm Đồng được gia đình chuộc về.
9 người còn lại hiện chính quyền địa phương chưa liên lạc được.
Trước đó, theo đơn trình báo của các gia đình này, nhóm 18 thanh niên nói trên được một công ty chuyên về cung ứng lao động và giới thiệu việc làm tại tỉnh Lâm Đồng đưa vào tỉnh này từ giữa tháng 2-2023.
Khi đi, phía công ty này yêu cầu những người lao động lăn tay vào hồ sơ xin việc làm với thỏa thuận chăn nuôi heo và giữ luôn căn cước công dân của những người này. Tuy nhiên, khi vào đến nơi, nhóm này được chia ra làm việc ở nhiều nơi, với các công việc khác nhau với mức lương khoảng 7 triệu đồng/tháng.
Làm được ít ngày, nhóm này thấy công việc không như thỏa thuận ban đầu, công việc vất vả nên muốn về nhà thì chủ trang trại không đồng ý.
Ông Hồ Văn Lê (68 tuổi, trú thôn A Rông, xã Lìa, huyện Hướng Hóa) cho biết hai con của ông là Hồ Văn Son (37 tuổi) và Hồ Văn Xơi (22 tuổi) đi trong nhóm lao động này.
"Người chủ yêu cầu tiếp tục làm việc. Nếu họ muốn về, gia đình phải nộp tiền mới được nhận giấy tờ để về nhà", ông Lê nói.
Để chuộc con về, ông Lê vay gần 14 triệu đồng từ tổ tiết kiệm của thôn để chuyển khoản cho chủ trang trại. Tiền lãi trả hằng tháng cho khoản vay này gần 350.000 đồng.
Sau khi nhận tiền, hai người con của ông mới được cho bắt xe về nhà.
Chính quyền địa phương xác nhận 7 người khác trong địa phương cũng phải nộp tiền để được về như trên.
9 người khác vẫn còn ở Lâm Đồng, nhưng gia đình không liên lạc được.
"Bước đầu chúng tôi xác định nhóm này tự tìm việc làm qua một trung tâm môi giới, làm việc tại xã N'Thôl Hạ (huyện Đức Trọng, Lâm Đồng). Hiện xã đang rà soát lại để có hướng xử lý", ông Ngà nói.
Ngày 16-2, thông tin từ Công an tỉnh Gia Lai cho biết Phòng an ninh điều tra và Phòng an ninh nội địa đã bắt 5 người trong đường dây đưa người vượt biên sang Campuchia, Thái Lan.