Sợ nhà không còn đủ an toàn, bà Sabriye Karan, 57 tuổi, cùng con gái Nehir đã chọn một toa tàu lửa là nơi trú ẩn tạm thời.
Chồng quá cố của bà Sabriye Karan đã làm việc tại Công ty Đường sắt quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ trong 32 năm. Cô con gái Nehir của bà cũng lớn lên trên những toa tàu trong những chuyến đi cùng cha.
“Tôi không thể tưởng tượng được là chúng tôi sẽ phải sống ở đây”, bà Sabriye nói với Hãng tin Reuters. Bà và cô con gái 13 tuổi Nehir đang ở trong một ca bin với hai giường ngủ trong 18 ngày qua.
1,5 triệu nạn nhân động đất mất chỗ ở
Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ đã rất gấp rút để tìm chỗ ở cho hơn 1,5 triệu người dân mất nhà trong trận động đất thảm họa cướp đi sinh mạng hơn 50.000 người tại quốc gia này và nước láng giềng Syria.
Những người sống sót đang sống tạm bợ trong những căn lều, nhà container, khách sạn, resort, và cả những toa tàu tại Iskenderun - một thành phố cảng tại tỉnh Hatay - khu vực chịu ảnh hưởng nặng nề do trận động đất.
Các trận động đất và dư chấn tiếp sau tiếp tục làm hư hại các tòa nhà sẵn đã không còn đủ vững chắc, chính quyền cảnh báo người dân không nên trở về những điểm này.
Nhà ga Iskenderun đã hoạt động trở lại nhưng hai đường ray đang chật cứng các toa xe là nơi trú ẩn cho những ai mất nhà.
Những người đến trước như hai mẹ con bà Sabriye đã tìm được cho mình những toa tàu với giường ngủ. Số khác như ông Arafat Ates, 63 tuổi, và vợ là bà Zeliha, 53 tuổi, chấp nhận nơi ngả lưng là các băng ghế.
“Chúng tôi không biết mình sẽ vượt qua tai họa này như thế nào đây”, cả hai cảm thán.
Sống trên một toa tàu khác là cặp đôi Yusuf Kurma và Aysel Ozcelik, cùng 20 tuổi. Cặp đôi sắp cưới này tìm được nhau sau cơn địa chấn đầu tiên. Họ dự định sẽ hoãn đám cưới.
“Chúng tôi không thể kết hôn trong khi nhiều người đã mất mạng”, Ozcelik nói.
Sợ về nhà
Những người sống sót sử dụng những bậc thang và ghế rải rác trên đường ray để leo lên toa của mình. Đôi lúc, nhân viên nhà ga sẽ cảnh báo cho những ai đang qua băng qua đường ray về một đoàn tàu đang tới.
Ban đầu, mỗi khi có đoàn tàu hú còi khi đi qua, bà Sabriye và con gái Nehir sẽ giật mình.
“Nhưng bây giờ thì chúng tôi quen rồi”.
Họ sống trong một toa tàu hẹp, càng chật chội hơn với một số vật dụng cần thiết cho sinh hoạt hằng ngày nhưng vẫn ấm hơn so với một căn lều tạm.
Hai mẹ con dành ít nhất 18 tiếng mỗi ngày sinh hoạt trong toa, thời gian còn lại họ đi bộ một quãng ngắn quanh ga và xếp hàng nhận bữa sáng và tối từ các nhóm cứu trợ.
Theo lời bà Sabriye, việc cuộc sống bị đảo lộn sau trận động đất đã ảnh hưởng rất nhiều lên tinh thần của hai mẹ con.
Chồng bà Sabriye mất năm 2020 vì COVID-19, bà vẫn đang phải đối diện với nỗi đau mất chồng, và bây giờ chồng chất thêm nỗi mất mát sau thảm họa.
“Tôi cảm thấy rất cô đơn. Tôi nhớ cuộc sống được uống cà phê với hàng xóm”, bà Sabriye nói.
Mặc dù căn hộ tại tầng 3 của bà Sabriye chỉ bị ảnh hưởng nhẹ, nhưng trên tường nhà xuất hiện một số vết nứt, khiến cả hai mẹ con đều lo ngại chuyện trở về.
Bà Sabriye và con gái sẽ ghé về nhà cũ khoảng hai ngày một lần một cách cẩn thận cho việc tắm giặt và lấy thực phẩm. Mỗi lần từ nhà rời đi, bà đều cầu nguyện.
“Tôi không biết lần tới khi tôi quay trở lại, nó có còn đứng vững không”, người phụ nữ lo lắng.
Sau khi chính quyền xác nhận căn hộ của bà chỉ hư hại vừa phải và vẫn an toàn để ở, bà và con gái đã thử đến ngủ lại.
Tuy vậy, mỗi khi cả hai cảm thấy có điều gì tương tự như một cơn địa chấn khác, họ lại bỏ chạy ngay khỏi nhà.
“Chúng tôi sợ việc trở về nhà, đặc biệt là vào buổi tối”.
Mặc dù các toa tàu lửa khá an toàn, nhưng vẫn có những nguy cơ tiềm ẩn. Trong một đêm khi công nhân đang sửa đường ray, con tàu rung lắc, cô con gái Nehir đã phải bám chặt lấy mẹ.
“Ở đây có rung lắc, có người chết”, bà Sabriye nói.
Tái thiết nhà cửa và kiểm soát lạm phát là hai mục tiêu mà giới chức trách Thổ Nhĩ Kỳ phải thực hiện sau trận động đất kép gây thiệt hại lớn.
Xem thêm: mth.19361022040303202-aul-ex-aot-nert-mat-gnos-iahp-yk-ihn-oht-tad-gnod-nan/nv.ertiout