Hai tuần qua, nhiều ngân hàng giảm mạnh lãi suất tiền gửi, tập trung ở kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. 10 nhà băng giảm lãi suất trong đợt này gồm Techcombank, OCB và nhóm top dưới GPBank, PGBank, PVComBank, Saigonbank, DongABank, Kienlongbank, BacABank, NCB.
Mức giảm phổ biến từ 0,3% đến 0,6% một năm, thậm chí như tại PGBank, lãi suất giảm tới 1% một năm.
Xu hướng giảm lãi suất lan rộng ra các ngân hàng kéo mặt bằng lãi suất dần hạ nhiệt. Tháng trước vẫn có khoảng 20 nhà băng niêm yết lãi suất cao nhất trên 9% một năm, nay chỉ có khoảng chục đơn vị sẵn sàng trả mức này.
Trong 35 ngân hàng VnExpress khảo sát, mức lãi suất niêm yết cao nhất thị trường tính tới ngày 3/3 là 9,5% một năm, tại các nhà băng như SCB, BaoVietBank, VietBank, Kienlongbank, VietABank và NamABank.
Nhiều ngân hàng tư nhân khác đang trả lãi suất dao động từ 8% đến 9% một năm. Chỉ có 4 đơn vị trả lãi suất dưới 8% gồm Vietcombank, BIDV, Agribank và CBBank.
Diễn biến này tương đồng với dự báo trước đó của giới trong ngành. Theo đó, lãi suất rục rịch giảm từ quý II và xu hướng này sẽ trở nên rõ rệt khi bước vào nửa cuối năm.
Tổng giám đốc một ngân hàng tư nhân nói với VnExpress, hầu hết dự báo cho thấy Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed) có thể tăng lãi suất thêm 1-2 lần và bắt đầu bước vào chu kỳ giảm lãi suất. Tại Việt Nam, cuộc đua lãi suất huy động cũng đã chững lại gần đây sau nhiều động thái của Ngân hàng Nhà nước. Lãi suất cho vay, theo ông cũng sẽ nhanh chóng hạ nhiệt khi nhu cầu tín dụng năm nay khó khăn hơn nhiều so với 2022 khi đơn hàng sản xuất sụt giảm và thị trường bất động sản đóng băng.
Dưới đây là mức lãi suất tiết kiệm sắp xếp từ cao tới thấp được niêm yết chính thức (cho khoản tiền dưới 1 tỷ đồng), không tính thỏa thuận thực tế của ngân hàng với khách quen, VIP, gửi tiền giá trị lớn.
Quỳnh Trang