Kim ngạch xuất khẩu tháng Hai trên địa bàn đạt 320 triệu USD, tăng hơn 39% so với tháng trước và tăng 46,9% so với cùng kỳ năm 2022. Tính chung 2 tháng đầu năm, kim ngạch xuất khẩu của Bình Phước đạt 551 triệu USD tăng 6,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Kim ngạch nhập khẩu tháng 2/2023 đạt 159,5 triệu USD tăng 21,5% so với tháng trước và tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2022. Lũy kế 2 tháng đầu năm, kim ngạch nhập khẩu đạt 290 triệu USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm 2022. Như vậy, trong 2 tháng đầu năm, Bình Phước xuất siêu 220 triệu USD.
Về công nghiệp, tính chung 2 tháng đầu năm 2023, chỉ số phát triển sản xuất công nghiệp tăng 0,76% so với cùng kỳ tạo nhiều tín hiệu lạc quan. Trong đó, công nghiệp khai khoáng tuy giảm 0,44%, tuy nhiên các nhóm ngành công nghiệp chủ lực lại tăng trưởng khả quan.
Cụ thể, với công nghiệp chế biến, chế tạo tăng trưởng 0,64%; Công nghiệp sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 2,15%; Công nghiệp cung cấp nước, hoạt động quản lý và xử lý rác thải, nước thải tăng 7,62%. Một số nhóm sản phẩm công nghiệp chủ yếu tăng trưởng ổn định như: Chì chưa gia công tăng 46,09%; Dịch vụ in trờn sợi và vải (gồm cả đồ để mặc) tăng 25,77%; Thức ăn cho gia cầm tăng 22,78%; Thiết bị và dụng cụ khác dùng trong y khoa tăng 20,10%.
Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ tiêu dùng ước đạt 12.236,30 tỷ đồng, tăng 23,68%. Xét theo ngành hoạt động, doanh thu bán lẻ hàng hóa ước tính đạt 10.146,01 tỷ đồng, tăng 20,52%. Trong đó, lương thực, thực phẩm tăng 19,70%; Hàng may mặc tăng 16,25%; Đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 17,80%... Doanh thu dịch vụ lưu trú, ăn uống đạt 1.176,34 tỷ đồng tăng 22,59% so với cùng kỳ; Doanh thu du lịch lữ hành đạt 2,56 tỷ đồng, tăng gấp 5,60 lần; Doanh thu dịch vụ khác đạt 911,38 tỷ đồng tăng 76,90%.
Theo Cục Thống kê tỉnh Bình Phước, trong tháng 2, chỉ số sử dụng lao động trong các doanh nghiệp công nghiệp giảm 2,6% so với cùng kỳ năm trước, trong đó lao động khu vực doanh nghiệp nhà nước tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước; lao động doanh nghiệp ngoài nhà nước giảm 45,7% so với cùng kỳ năm trước; lao động doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.
Về vấn đề giải quyết nguồn lao động, toàn tỉnh đã tạo việc làm cho 3.500 người thất nghiệp. Luỹ kế 2 tháng đầu năm, ước tính đã tạo công ăn việc làm cho 7.500/40.000 lao động, đạt 18,75% kế hoạch năm; Đào tạo nghề cho trên 425/10.000 người (trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp), đạt 4,25% kế hoạch năm. Tại Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh đã tổ chức tư vấn, đăng ký tìm việc và giới thiệu việc làm, học nghề cho 509 người; Số người có quyết định hưởng trợ cấp thất nghiệp hàng tháng là 376 người và số người được hỗ trợ học nghề là 4 người.
Để tiếp tục duy trì đà tăng trưởng kinh tế cũng như đẩy mạnh hoạt động xuất nhập khẩu năm 2023, Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Phước tập trung nhiều giải pháp, trong đó thực hiện 3 đột phá chiến lược gồm xây dựng hoàn thiện cơ sở hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực và cải cách thủ tục hành chính.
Ngoài ra, Bình Phước xác định thu hút đầu tư, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm thế mạnh của địa phương; đối thoại, tháo gỡ vướng mắc, đồng hành cùng doanh nghiệp là khâu then chốt trong thời gian tới.
Minh Hoa (t/h)