Tay buôn năng lượng
Tròn 1 năm kể từ ngày Nga bắt đầu thực hiện chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, chuỗi cung ứng năng lượng toàn cầu đã được vẽ lại. Đặc biệt hơn cả, Mỹ đã vươn lên vị trí nước xuất khẩu năng lượng lớn nhất thế giới.
Vì châu Âu đặt cược với canh bạc ngừng nhập khẩu khí đốt từ Nga, các nhà xuất khẩu đến từ Mỹ và các nước khác đã hối hả chuyển hướng dòng chảy khí hóa lỏng (liquified natural gas – NLG) từ châu Á sang châu Âu. Trong lúc dầu Nga bị cấm vận, lượng dầu thô và các sản phẩm tinh chế mà Mỹ xuất sang EU tăng đột biến.
“Mỹ từng làm giàu nhờ buôn vũ khí, giờ thì họ là 1 tay buôn năng lượng cừ khôi”, John Kilduff, chuyên gia của Again Capital nhận định.
Kể từ sau Thế chiến thứ 2 đến nay, chưa bao giờ Mỹ đóng vai trò là 1 nước xuất khẩu năng lượng quan trọng đối với thế giới đến vậy. Theo số liệu của EIA, trong tuần kết thúc vào 24/2, mỗi ngày Mỹ đã xuất đi 11,1 triệu thùng dầu thô và tinh chế, con số cao kỷ lục. Mức này còn cao hơn sản lượng của Saudi Arabia hay Nga, theo Citigroup. Cách đây 1 năm, con số chỉ là 9 triệu thùng/ngày.
Trong 4 tuần kết thúc vào ngày 24/3, mức trung bình vào khoảng 10 triệu thùng/ngày – so với mức 7,6 triệu của 1 năm trước.
Vẽ lại bản đồ năng lượng toàn cầu
“Sau mấy chục năm Mỹ luôn bị ám ảnh bởi câu chuyện độc lập về năng lượng, thật thú vị khi Mỹ lại trở thành nước xuất khẩu LNG lớn nhất và một trong những nước xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới”, Daniel Yergin, phó chủ tịch S&P Global nói. “Những gì chúng ta đang nhìn thấy là 1 phần nhỏ của bức tranh năng lượng thế giới mà người Mỹ đã vẽ lại, bắt nguồn từ cuộc cách mạng dầu đá phiến. Mới năm 2003, Mỹ còn được dự báo sẽ trở thành nước nhập khẩu LNG lớn nhất thế giới”.
Trong khi đó, Daniel Pickering, CIO của Pickering Energy Partners, nhận xét: “Một trong những điều mỉa mai là nếu như nhìn vào giá dầu ở thời điểm trước khi xung đột Ukraine nổ ra, bạn sẽ nói rằng trật tự thị trường năng lượng thế giới không thay đổi nhiều. Giá khí đốt từng tăng vọt nhưng giờ đã ổn định trở lại. Giá dầu còn giảm”.
Giá dầu đang ở mức thấp hơn nhiều so với 1 năm trước.
Theo Bộ Năng lượng Mỹ, nước Mỹ bắt đầu xuất khẩu năng lượng ròng kể từ năm 2018. Đầu những năm 1950, Mỹ sản xuất phần lớn lượng năng lượng mà họ tiêu thụ, nhưng đến giữa thập kỷ đó họ bắt đầu tăng nhập khẩu. Đến năm 2005, nhập khẩu chiếm khoảng 30% tổng lượng tiêu thụ.
Hiện Ấn Độ và Trung Quốc là những nước nhập khẩu dầu Nga nhiều nhất. Theo Pickering, thế giới sẽ chứng kiến sự thay đổi lớn về nguồn cung trong 4-5 năm tới.
1 năm trước, khi Nga bắt đầu đưa quân đến Ukraine, không ai dám chắc thế giới sẽ có đủ nguồn cung hay giá liệu có tăng mạnh. Đặc biệt là ở châu Âu, nhưng cuối cùng thì châu Âu vẫn có đủ năng lượng.
Các chiến lược gia của ngân hàng RBC nhận định có một số yếu tố có lợi cho châu Âu trong mùa đông vừa qua. “Thời tiết ấm hơn, các chính sách cứng rắn và nguồn cung thay thế từ Mỹ, Na Uy và Qatar đã giúp châu Âu tránh được kịch bản tồi tệ nhất. Những nước phụ thuộc vào khí đốt giá rẻ từ Nga (như Đức) chạy đua để xây dựng cơ sở hạ tầng phục vụ nhập khẩu LNG, chuẩn bị cho tương lai hoàn toàn không cần đến nguồn cung từ Nga”.
Tuy nhiên, họ cũng chỉ ra rằng châu Âu chưa thực sự an toàn, đặc biệt nếu như xung đột vẫn tiếp diễn. “Các nhà sản xuất khí đốt chủ chốt đã cảnh báo châu Âu sẽ gặp nhiều khó khăn khi tích trữ năng lượng trong mùa hè này, và nếu mùa đông 2023 thực sự khắc nghiệt thì sẽ rất tồi tệ”.
Qatar đã cam kết sẽ tăng xuất khẩu khí đốt sang châu Âu. Mỹ đang cố gắng tăng công suất. “Chúng ta có nhiều tài nguyên và là 1 nhà cung cấp đáng tin cậy. Tôi dự đoán công suất xuất khẩu sẽ tăng từ 12 tỷ feet khối lên gần 20 tỷ mỗi ngày (hiện con số là 10 tỷ) Mỹ sẽ là nhà xuất khẩu khí đốt quan trọng ở châu Âu”, Pickering nói.
Tuy nhiên, câu chuyện của dầu mỏ lại khác. Theo Pickering, Mỹ không muốn trở thành 1 nhà sản xuất có tầm ảnh hưởng lớn, có vị thế như độc quyền vì có quy tắc của riêng mình.
Các công ty dầu mỏ không sản xuất quá mức, không ồ ạt tăng sản lượng bất chấp lời kêu gọi của Nhà Trắng. “Các công ty dầu mỏ đang có rất nhiều tiền mặt, nhưng họ tuân thủ chặt chẽ kỷ luật đã nhất trí với các cổ đông. Mới đây Chevron vừa chi tới 75 tỷ USD để mua lại cổ phiếu quỹ thay vì tái đầu tư”.
Hiện Mỹ sản xuất khoảng 12,3 triệu thùng dầu mỗi ngày và Pickering dự đoán con số sẽ không tăng vọt. Tuân thủ kỷ luật trong sử dụng vốn giúp các công ty dầu mỏ Mỹ có được niềm tin của nhà đầu tư, hỗ trợ tốt cho giá cổ phiếu. Nhóm cổ phiếu năng lượng trong chỉ số S&P 500 tăng điểm 18% trong 12 tháng qua, trở thành ngành có diễn biến tốt nhất.
Tham khảo CNBC