Ngân hàng Thế giới và các nhà kinh tế từng dự đoán kinh tế toàn cầu năm 2023 sẽ trải qua một trong những năm yếu nhất những thập kỷ gần đây. Tuy nhiên, bất chấp chi phí vay tăng, giá năng lượng và lương thực cao, kinh tế toàn cầu vẫn đang có sức sống mạnh mẽ, theo tín hiệu từ các cuộc khảo sát hoạt động kinh doanh gần đây tại Mỹ, Trung Quốc và châu Âu.
Tại Mỹ, chi tiêu cũng như thu nhập của người dân tăng mạnh trong tháng 1, theo Bộ Thương mại. Thước đo lạm phát ưa thích của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) - chỉ số giá tiêu dùng cá nhân - đã tăng 5,4% trong tháng 1 so với cùng kỳ 2022.
Chi tiêu của người tiêu dùng Mỹ tăng 1,8% được điều chỉnh theo mùa trong tháng 1 so với tháng 12, mức tăng lớn nhất trong gần hai năm. Tiền lương và tiền công đã tăng 0,9% trong tháng 1, nhanh hơn gấp đôi so với tháng trước.
Châu Âu cũng đã bắt đầu một năm với tín hiệu khó có thể trượt vào suy thoái như dự báo của nhiều người. PMI sản xuất của eurozone tháng qua vẫn nằm dưới 50 -tức vùng thu hẹp, nhưng chỉ số thành phần đo đạc sản lượng đầu ra đã lần đầu tiên tăng kể từ tháng 5/2022 lên 50,1 điểm so với mức 48,9 của tháng 1, theo S&P Global. Tuy nhiên, cái giá phải trả là lạm phát cơn bản đạt mức cao kỷ lục.
Tại Trung Quốc, theo dữ liệu từ Cục Thống kê Quốc gia nước này, chỉ số nhà quản trị mua hàng (PMI) lĩnh vực sản xuất tháng 2 đạt 52,6 điểm, mức cao nhất kể từ sau tháng 4/2012. Chỉ số trên 50 phản ánh tình hình sản xuất đang mở rộng. Kết quả này cũng cao hơn mức 50,1 của tháng 1 và dự báo của Reuters là 50,5.
Trong khi đó, PMI phi sản xuất của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới cũng tăng thêm lên 56,3 từ mức 54,4 của tháng 1. Chỉ số này chứng kiến sự cải thiện rõ rệt nhờ sự phục hồi của hoạt động dịch vụ và xây dựng.
"Những cải thiện rõ ràng trên diện rộng đối với cả PMI sản xuất và phi sản xuất trong tháng 2 phản ánh đà phục hồi vững chắc sau khi mở cửa trở lại", các nhà kinh tế tại Citi bình luận.
Có một số lý giải về việc kinh tế thế giới vẫn còn tốt hơn dự đoán. Theo đó, các chuyên gia nghi ngờ đà tăng trưởng ở Mỹ và châu Âu sẽ không bền vững. Họ cho rằng lãi suất đã tăng rất mạnh so với tiêu chuẩn của những thập kỷ gần đây, và có thể mất thời gian để cảm nhận được toàn bộ tác động.
"Chỉ cần vài tháng nữa thì chính sách tiền tệ thắt chặt hơn sẽ tác động đến nền kinh tế thực. Nếu sự thay đổi chính sách tiền tệ lớn nhất trong nhiều năm không để lại bất kỳ dấu vết nào đối với nền kinh tế thực, thì chúng ta cũng có thể đóng cửa tất cả các ngân hàng trung ương", Carsten Brzeski, Kinh tế trưởng ING Bank nói.
Một giải thích khác cho khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên như vậy trước những động thái mạnh tay của các ngân hàng trung ương là lãi suất chỉ đạt được lực kéo nếu có một mức nhất định. Mark Dowding, Giám đốc đầu tư tại RBC BlueBay Asset Management, cho rằng lãi suất cơ bản có thể cần phải vượt qua ngưỡng như 2% trước khi chúng bắt đầu có tác dụng.
"Nếu đúng như vậy thì có nghĩa là tác động của chu kỳ tăng lãi suất ở Mỹ chỉ thực sự bắt đầu cách đây sáu tháng và ở châu Âu thì nó chỉ mới khởi động, ông nói.
Và mặc dù kinh tế còn tốt tin vui đối với các chính phủ, nhưng với các ngân hàng trung ương thì đây là tin xấu. Điều này đồng nghĩa họ cần tăng lãi suất cao hơn dự kiến để hạ nhiệt giá cả, như một cách để dội thêm gáo nước lạnh vào nền kinh tế vẫn còn quá nóng.
"Đối với các ngân hàng trung ương, thông điệp duy nhất từ tăng trưởng và lạm phát tăng tốc gần đây có thể là việc họ thắt chặt tiền tệ chưa đủ mạnh", Christian Keller, Kinh tế trưởng tại Barclays nói.
Sức mạnh của nền kinh tế Mỹ có thể khiến Cục Dự trữ Liên bang (Fed) tăng lãi suất cao hơn dự đoán trước đó trong năm nay để giảm áp lực giá cả. Điều tương tự cũng xảy ra đối với Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB). Sau khi lạm phát cơ bản của khu vực đồng euro tăng vọt. Các nhà kinh tế tại Barclays đã nâng dự báo lãi suất cơ bản của ECB, cho rằng sẽ lên mức cao kỷ lục trong những tháng tới.
Chừng nào các ngân hàng trung ương còn quyết tâm hạ lạm phát xuống mức mục tiêu, thì bất kỳ dấu hiệu nào về kinh tế mạnh lên dường như kích hoạt một phản ứng chính sách nhằm dập tắt nó.
"Chúng ta đã thấy các ngân hàng trung ương tăng lãi suất. Hy vọng chỉ cần một vài lần tăng lãi suất nữa là đủ. Nếu không, họ có thể tăng tiếp lãi suất", Madhavi Bokil, nhà kinh tế tại Dịch vụ nhà đầu tư của Moody cho biết.
Đầu tuần qua, Moody’s nâng dự báo tăng trưởng của Mỹ và châu Âu, nhưng vẫn cho rằng hai nền kinh tế này sẽ chậm lại trong năm nay, tương ứng là 0,9% và 0,5%. Theo WSJ, nếu các ngân hàng trung ương tiếp tục tăng lãi mạnh hơn dự kiến thì có thể dẫn đến tăng trưởng chậm lại vào cuối năm và sang năm 2024, vốn được kỳ vọng là năm phục hồi.
Ngoài ra, hậu quả của việc thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa sẽ không chỉ giới hạn ở những khu vực đó. Nó có khả năng ảnh hưởng đến các nền kinh tế đang phát triển. Khi Fed tăng lãi suất, chi phí đi vay của các thị trường mới nổi thường tăng lên, đồng tiền của họ giảm giá và hoạt động xuất khẩu suy yếu.
Phiên An (theo WSJ, CNBC)